Đoàn thiếu nhi kiều bào ở Lào thăm quê Bác mùa sen nở
Sáng ngày 31/5, sau khi vượt hơn 500km, 34 học sinh và 5 thầy cô giáo, đại diện cho Trường Song ngữ Nguyễn Du ở thủ đô Viêng Chăn, Lào đã tới thăm Khu di tích Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, thành kính thắp nén hương tưởng nhớ Bác Hồ và tổ chức Lễ báo công dâng Bác. Chương trình do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức.
Chụp ảnh kỷ niệm trước Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thăm quê nội của Bác - Làng Sen
Trong không khí thơm ngát của mùa sen nở và bầu không khí trang nghiêm tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (Làng Sen), các em học sinh và thầy cô giáo Trường Song ngữ Nguyễn Du đã thành kính dâng lên Bác những nén hương thơm, lẵng hoa tươi thắm, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn và kính trọng sâu sắc tới vị Cha già của dân tộc, người đã cống hiến, hy sinh trọn đời vì hoà bình và hạnh phúc của nhân dân Việt Nam.
Em Phoi Phay Lin thay mặt các bạn thiếu nhi và thầy cô giáo trong đoàn phát biểu báo công dâng Bác những thành tích mà thầy trò Trường Song ngữ Nguyễn Du đã đạt được trong nhiều năm qua.
Trường Song ngữ Nguyễn Du là một ngôi trường lớn và trọng điểm của cộng đồng người Việt tại Viêng Chăn, Lào. Trường có 1600 học sinh và gần 100 thầy cô giáo, trong đó có gần 20 thầy cô giáo là người Việt Nam đang công tác giảng dạy môn Tiếng Việt cho học sinh kiều bào tại đây. Trong quá trình phát triển, trường luôn đạt được nhiều thành tích nổi bật, đó là một trong 10 trường đứng đầu nước Lào, số lượng học sinh giỏi luôn chiếm tỷ lệ cao, nhiều học sinh đạt giải quốc gia và được Đại sứ quán Việt Nam tuyển chọn, cấp học bổng học Đại học tại Việt Nam. Trường luôn vinh hạnh được đón các đoàn cán bộ cấp cao của Đảng và nhà nước Việt Nam qua thăm như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân… cùng nhiều vị lãnh đạo của Đảng và nhà nước nhân dân Lào.
Trong thời khắc thiêng liêng của Lễ báo công dâng Bác, các em học sinh, cùng thầy cô giáo đều bùi ngùi xúc động trước anh linh của Bác, các em đều hứa sẽ quyết tâm học tập và phấn đấu theo gương của Bác, không ngừng trau dồi kiến thức, tu dưỡng đạo đức, đạt nhiều kết quả tốt trong học tập để xứng đáng với ngôi trường mang tên Đại thi hào Nguyễn Du và không phụ lòng quan tâm của 2 chính phủ Việt - Lào.
Tiếp theo, đoàn được hướng dẫn tham quan Khu Di tích Kim Liên, nơi gắn liền những năm tháng tuổi thơ của Bác Hồ. Cũng chính nơi này, hơn nửa thế kỷ trôi qua, không biết đã có bao nhiêu bước chân của những người con Việt Nam xa xứ tìm đến với niềm thành kính và sự xúc động sâu xa từ trong tâm hồn mình. Làng Sen nay đã trở thành Di tích Quốc gia đặc biệt.
Theo lời hướng dẫn viên, các em học sinh và thầy cô giáo được biết: Khi xưa, ngôi nhà Bác sống cùng gia đình được dựng bằng tre và gỗ, 5 gian ngôi nhà được dân làng xây dựng vào năm 1901, khi cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Bác thi đỗ Phó bảng, đem lại vinh dự cho cả làng. Ngôi nhà được lợp mái tranh, bé nhỏ, mộc mạc, giản dị, nép mình dưới màu xanh của vườn cây và những bóng tre. Trong nhà có những đồ dùng giản dị cũng như bao nhiêu căn nhà bình dân Việt Nam khác.Trước ngôi nhà có hai cái sân nhỏ và một thửa vườn được vây quanh bằng hàng rào râm bụt đã đi vào thi ca của Việt Nam.
Lắng nghe những câu chuyện do hướng dẫn viên kể về Bác Hồ, về cuộc sống và những người thân trong gia đình của Bác, các thành viên trong đoàn đều không khỏi xúc động, bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn và ghi nhớ công lao to lớn của Bác đối với đất nước.
Em Nguyễn Minh Đạt, học sinh lớp 6 chia sẻ: "Gia đình em sống tại Lào đã hơn 20 năm, bản thân em sinh ra và lớn lên tạo Lào, được học trường Song ngữ Nguyễn Du từ lớp 1, em thường được bố mẹ kể về Bác Hồ kính yêu của dân tộc. Em rất tự hào khi lần đầu tiên được về thăm quê Bác và nghe kể thời thơ ấu của Bác biết giao gian khó, sau chuyến đi này, em sẽ quyết tâm học tập tốt hơn, xứng đáng là con ngoan trò giỏi và noi theo tấm gương của Bác".
Không giấu sự xúc động, mắt vẫn còn đỏ hoe, em Tăng Thị Quỳnh Anh, học sinh lớp 7A cho biết: "Mặc dù được biết về quê Bác qua phim ảnh, nhưng khi đứng trước bàn thờ Bác, em cảm nhận cuộc sống thanh bình cùng với các hiện vật giản dị quanh đây, thấy cuộc đời Bác thật thanh tao. Chuyến đi về quê hương lần này giúp cho em càng thêm yêu quê hương đất nước".
Thăm làng Hoàng Trù - quê ngoại Bác
Tại đây, đoàn được giới thiệu về cụm di tích Hoàng Trù, bao gồm: Ngôi nhà thờ chi nhánh họ Hoàng Xuân, ngôi nhà cụ Hoàng Đường (ông ngoại Bác), ngôi nhà của cụ Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan. Đây là một ngôi nhà nhỏ ba gian, lợp tranh, trên đất vườn của ông bà ngoại. Cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cất tiếng khóc chào đời và sống ở đây cho tới năm lên 5 tuổi.
Nơi đây còn có chiếc võng gai đơn sơ, xưa kia tuổi ấu thơ, Bác Hồ thường nằm nghe tiếng à ơi của mẹ và những câu chuyện cổ tích của bà ngoại. Tuổi thơ của Bác đã được mẹ và bà ngoại chăm sóc, vun đắp bằng những làn điệu dân ca chứa đựng những ước mơ cao đẹp với hy vọng sâu xa.
Chứng kiến những kỷ vật thân thương của Bác, cô giáo Lào Sruk Pa Song cho biết: "Tôi thật sự xúc động khi nghe kể về những năm tháng tuổi thơ của Bác tại nơi này. Đây là một trong những chuyến đi đầy ý nghĩa, giúp các giáo viên và học sinh kiều bào có cơ hội được giao lưu, tìm hiểu lịch sử, văn hóa, truyền thống dân tộc Việt Nam; qua đó tăng cường mối quan hệ gắn kết giữa kiều bào với quê hương, đất nước, tăng cường mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Lào”.
Sau khi viếng thăm quê Bác, chiều cùng ngày, Đoàn rời Làng Sen thăm biển Cửa Lò, kết thúc ngày đầu tiên trong lịch trình về thăm Việt Nam. Trong những ngày tiếp theo, Đoàn sẽ ra Hà Nội viếng thăm Lăng Bác Hồ, Vịnh Hạ Long và khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư, Ninh Bình.