Chuyển giao công nghệ: Giảm đầu mối, tăng hậu kiểm
Ngày 2/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi. Để tránh trường hợp chuyển giao công nghệ lạc hậu, nhiều Đại biểu Quốc hội đã đề nghị quy trách nhiệm đối với Hội đồng thẩm định, từng thành viên của hội đồng, đặc biệt là người đứng đầu Hội đồng thẩm định. Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận về Luật Quản lý sử dụng vật liệu nổ.
ĐBQH Lê Quân phát biểu tại Hội trường. Ảnh: Quốc Anh.
Chặn công nghệ lạc hậu
Trước việc có ý kiến đề nghị phải thẩm định công nghệ tất cả các dự án; thẩm định các dự án thuộc các chương trình trọng điểm quốc gia, dự án sử dụng vốn nhà nước có giá trị trên 100 tỷ đồng; quy định cụ thể việc thẩm định công nghệ phải thông qua Hội đồng thẩm định; quy trình, thời gian, thành phần chuyên gia, trách nhiệm của Hội đồng thẩm định; bổ sung quy định “hậu kiểm” đối với các dự án có công nghệ - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng cho biết: UBTVQH nhận thấy hoạt động chuyển giao công nghệ (CGCN) là vấn đề rất quan trọng vì vị thế của một quốc gia gắn chặt với trình độ công nghệ của quốc gia đó.
Tuy nhiên, nhiều ngành, lĩnh vực vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu; chúng ta vẫn CGCN thông qua mua máy móc, thiết bị phần lớn đã lạc hậu 2-3 thế hệ, ít đi kèm với giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật. Do đó, rất cần có các giải pháp thẩm định, kiểm soát luồng công nghệ nhập khẩu vào nước ta để ngăn chặn công nghệ cũ, công nghệ lạc hậu, công nghệ gây ô nhiễm môi trường, công nghệ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, đồng thời không làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam và yêu cầu của cải cách hành chính.
Theo đó, đối với việc kiểm soát có hiệu quả công nghệ của các dự án đầu tư, Khoản 2 Điều 14 về thẩm định công nghệ dự án đầu tư đã quy định dự án đầu tư sử dụng công nghệ hạn chế chuyển giao và dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường có sử dụng công nghệ là những dự án đầu tư phải thẩm định công nghệ hoặc có ý kiến về công nghệ.
Ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về công nghệ là nội dung bắt buộc trong báo cáo thẩm định dự án đầu tư trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định đầu tư. Trong Dự thảo Luật đã bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan có liên quan tới thẩm quyền thẩm định công nghệ, về hồ sơ, nội dung, trình tự thẩm định công nghệ tại các Điều 15, 16, 17, 18 và 19 của Dự thảo Luật.
“Còn đối với đề nghị quy định “hậu kiểm” đối với các dự án có công nghệ, Dự thảo Luật đã bổ sung Điều 21 “Kiểm tra, giám sát công nghệ trong dự án đầu tư”, trong đó quy định cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN định kỳ, đột xuất hoặc khi có dấu hiệu vi phạm về ứng dụng và CGCN kiểm tra công nghệ của dự án đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Quy định này nhằm giảm thiểu tối đa việc có quá nhiều cơ quan kiểm tra giám sát dự án khi sự cố xảy ra, song không cơ quan nào chịu trách nhiệm chính và bảo đảm quản lý chặt chẽ công nghệ được sử dụng”- ông Dũng cho hay.
Đơn giản hóa thủ tục hành chính
Để gỡ những khó khăn trong CGCN giữa doanh nghiệp và nhà trường, đồng thời khuyến khích chuyển giao công nghệ trong nước và các Viện, Trường đại học cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính để tránh chi phí cho doanh nghiệp. Bởi quy định thẩm định đầu tư mọi dự án khi sử dụng công nghệ phải có báo cáo thì nên bỏ thay vào đó quy định nội dung cần thẩm định về mặt công nghệ.
Ngoài ra lược giản hóa về các tài liệu hồ sơ doanh nghiệp phải nộp để thẩm định bởi đối với các doanh nghiệp không sử dụng vốn nhà nước thì không cần thiết phải báo cáo hồ sơ. Có như vậy tự doanh nghiệp cân nhắc và quan tâm đến vấn đề thẩm định đặt ra.
Dẫn chứng từ cơ quan ông đang công tác tại Đại học Quốc gia phải đi xin phép nhiều đầu mối khác nhau, ĐBQH Lê Quân đề nghị, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, và nên có “một cửa, một đầu mối” trong đó gắn với mối quan hệ giữa các bộ, ngành, sở. Vì hiện thực tế doanh nghiệp phải xin giấy phép nhiều đầu mối khác nhau.
“Ví dụ trong vấn đề nông nghiệp phải đi qua Cục Trồng trọt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến Bộ Khoa học- Công nghệ, rồi đến Bộ Tài nguyên và Môi trường. Cho nên cần quy định rõ bao nhiêu ngày xin ý kiến các sở, ban, ngành thì phải trả lời cho doanh nghiệp”- ông Quân nói và đề nghị, cần khuyến khích chuyển giao công nghệ trong nông thôn, nơi có điều kiện kinh tế khó khăn cần quy định đầu tư chuyển giao là có ưu tiên ưu đãi. Và để khuyến khích chuyển giao trong nước cần bổ sung vai trò của nhà khoa học, trường học, và cho phép góp vốn cùng với doanh nghiệp để thử nghiệm công trình khoa học.
Tránh chuyển giao công nghệ gây hại
Theo ĐB Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) việc chấp thuận cấp phép đăng ký chuyển giao công nghệ trong một số trường hợp nhất định là cần thiết, tránh chuyển giao công nghệ gây hại an ninh quốc gia, môi trường, sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên việc “chấp thuận” dễ nảy sinh xin - cho, tiêu cực cho nên cần quy định rõ thủ tục chuyển giao công nghệ để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong cơ quan nhà nước, đồng thời là căn cứ từ chối chuyển giao công nghệ đối với công nghệ nguy hại.
“Cần quy định cấp phép chuyển giao công nghệ nhưng có căn cứ cụ thể để có thể cho phép, hay từ chối, không cấp phép đăng ký chuyển giao và phải có văn bản trả lời. Như vậy trong áp dụng cấp phép mới tránh tiêu cực phát sinh”- ông Hạ cho hay
Đề cập đến trách nhiệm của Hội đồng thẩm định CGCN, ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) cho rằng, Luật giao thẩm quyền tự chủ cho cơ quan chủ trì thành lập Hội đồng thẩm định. Tuy nhiên chưa quy định số lượng Hội đồng gồm bao nhiêu người? Thuê chuyên gia tư vấn như thế nào? Hội đồng giải tán sau khi thẩm định xong, không quy định xử lý trách nhiệm của Hội đồng cho nên việc truy cứu là khó khả thi. Vì vậy phải quy định số chuyên gia trong Hội đồng, xác định rõ trách nhiệm của Hội đồng, từng thành viên trong Hội đồng và người đứng đầu Hội đồng trong quá trình thẩm định.