Xóa bỏ công chức, viên chức giáo viên - bước quan trọng tạo đột phá cho GD
Với thực tiễn công tác tại 6 trường, 11 năm trực tiếp giảng dạy và 9 năm làm công tác quản lý, thầy giáo Nguyễn Minh Quý, Hiệu trưởng trường THPT Trần Nguyên Hãn, TP Hải Phòng có những chia sẻ xoay quanh chủ trương thí điểm xóa bỏ công chức, viên chức giáo viên của Bộ GD&ĐT.
Thầy Nguyễn Minh Quý - Hiệu trưởng trường THPT Trần Nguyên Hãn (quận Lê Chân - Hải Phòng).
Thầy Nguyễn Minh Quý cho rằng: Trên thực tế, đội ngũ nhân sự của các nhà trường hiện nay đang tồn tại những bất cập lâu năm. Bên cạnh những giáo viên vẫn phải đi làm thêm nghề khác để duy trì cuộc sống và không có nhiều thời gian đầu tư sâu về chuyên môn dẫn đến kết quả giảng dạy chưa cao thì một bộ phận không nhỏ giáo viên của các nhà trường chưa thực sự có chí tiến thủ, chưa cố gắng vươn lên trong quá trình tự học, tự đào tạo, việc đổi mới phương pháp giảng dạy và ứng dụng công nghệ thông tin còn rất hạn chế. Khá nhiều giáo viên còn ỷ lại trong cơ chế “bao cấp”, “cào bằng” của trường, của ngành.
“Đòn bẩy” mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển của giáo dục.
Từ thực tế triển khai tại đơn vị mình, thầy Nguyễn Minh Quý cho biết: Các nhà trường hiện nay đã có khá nhiều cách để đánh giá xếp loại giáo viên tuy nhiên tính thực tiễn, tính hiệu quả chưa cao, chưa tạo được động lực thực sự cho đội ngũ của các nhà trường.
Để đổi mới mạnh mẽ giáo dục đào tạo trong giai đoạn hiện nay phải bắt đầu từ đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, phải tạo ra một cơ chế quản lý mới giải quyết căn nguyên của sự trì trệ. Nếu chúng ta cứ giữ định biên hiện nay sẽ như giữ “vòng kim cô”, làm mất đi động lực của những giáo viên tâm huyết, những giáo viên giỏi và không tạo được “đột phá” cho quá trình đổi mới giáo dục của mỗi nhà trường.
Thầy Nguyễn Minh Quý cho rằng, việc Bộ GD&ĐT đưa ra đề xuất thí điểm xóa bỏ công chức, viên chức trong ngành giáo dục là một “cuộc cách mạng” có tác động rất lớn đến mỗi nhà trường, đến đội ngũ thầy cô giáo.
Chắc chắn trong lộ trình thực hiện sẽ có nhiều bài toán thực tiễn xảy ra mà để giải quyết nó cần sự đồng tâm, đồng trí, đồng lòng, đồng lực của các ngành các cấp.
Tuy nhiên nếu chúng ta “dũng cảm” thực hiện sẽ có tác dụng to lớn trong việc tạo sự cạnh tranh lành mạnh, tạo động lực phấn đấu cho đội ngũ và quan trọng nhất là cởi mở được nút thắt, đánh bay đi sự trì trệ của đội ngũ cán bộ quản lý và sức ỳ của đội ngũ giáo viên hiện nay.
Đổi mới luôn cần bản lĩnh của nhà quản lý
Việc Bộ GD&ĐT sẽ thí điểm bỏ công chức, viên chức giáo viên đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội, vì nó sẽ tác động đến hàng triệu giáo viên khắp cả nước. Cuộc cách mạng xóa bỏ công chức, viên chức rất cần sự dũng cảm, đối mặt của nhà quản lý và cách làm việc công khai minh bạch.
Giáo viên trường THPT Trần Nguyên Hãn tham gia kỳ kiểm tra đánh giá năng lực.
Thầy Nguyễn Minh Quý cũng cho biết: Trường THPT Trần Nguyên Hãn, TP Hải Phòng cũng như các trường công lập khác trong toàn quốc, đang tồn tại những bất cập trong đội ngũ giáo viên như đã nêu trên. Trong 2 năm học gần đây nhà trường đã tổ chức 5 kỳ kiểm tra đánh giá năng lực giáo viên và dùng nó như một kênh thông tin có sức mạnh để đánh giá thầy cô giáo.
Thông qua kết quả các bài kiểm tra đánh giá năng lực, ban lãnh đạo nhà trường nắm được năng lực thật sự của từng thành viên trong nhà trường, qua đó tìm biện pháp thúc đẩy, đào tạo, bồi dưỡng phù hợp. Kết quả của việc kiểm tra đánh giá năng lực giáo viên là động lực thúc đẩy mỗi giáo viên trong nhà trường không ngừng học tập nâng cao trình độ tay nghề và ý thức đạo đức nghề nghiệp.
Cần nâng cao nhận thức "có làm có hưởng" của người làm thầy
Qua phân tích những ưu điểm của chủ trương thí điểm xóa bỏ công chức, viên chức trong ngành giáo dục, thầy Nguyễn Minh Quý nhấn mạnh rằng, vấn đề cốt lõi nhất lại nằm ở nhận thức của chính cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên.
Đối với cán bộ quản lý cần coi đây là một cơ hội rất lớn để thúc đẩy sự phát triển của đơn vị. Đối với giáo viên họ cần phải hiểu nỗ lực, tự học, phấn đấu để khẳng định giá trị của cá nhân mình, để không bị đào thải trong quá trình phát triển chung và đây cũng chính là cơ hội để nâng cao chất lượng cuộc sống và uy tín của nghề làm thầy.
Bên cạnh đó, chính thái độ nghiêm túc, cầu thị, không ngừng phấn đấu trong nghề nghiệp của những người làm thầy sẽ góp phần không nhỏ tạo nên một thế hệ học trò tự tin, tự trọng và thực sự có ích cho sự phát triển của đất nước.
Để làm được điều này, cần có các bộ tiêu chí đánh giá năng lực một các cụ thể, chi tiết, việc đánh giá phải công bằng, khách quan, minh bạch để giáo viên nhận thức được ngưỡng năng lực thực sự của mình và giáo viên cần thấm nhuần tư tưởng "có làm có hưởng", tự tin, tự trọng. Như vậy sẽ tạo được môi trường thi đua lành mạnh.
Tuy nhiên, xác định đây là một việc khó, cần phải có lộ trình thực hiện. Thầy Nguyễn Minh Quý nhất trí cho rằng, nên bắt đầu từ quy mô nhỏ, từ việc thay đổi của đội ngũ lãnh đạo và giáo viên các cơ sở giáo dục, sau đó có thể nhân rộng đến các nhà quản lý ở các cấp, các ngành để tạo sự đồng bộ.