Thầy giáo mù 51 năm 'truyền lửa' guitar
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng hàng ngày thầy giáo khiếm thị Trịnh Đình Thi (số nhà 18, ngõ Liên Việt, quận Đống Đa, TP Hà Nội) vẫn dùng tất cả tình yêu và niềm đam mê với âm nhạc để “truyền lửa” cho biết bao thế hệ học trò.
Thầy Thi trong một giờ dạy.
Tại căn nhà nhỏ nằm khiêm tốn trong ngõ, thầy Thi kể lại câu chuyện về cuộc đời mình. Sinh năm 1944 trong một gia đình khá giả ở đất Hà Thành, từ nhỏ thầy Thi đã là một cậu bé thông minh, hiếu động và có hứng thú đặc biệt với đàn guitar.
Tương lai tươi sáng, tiền đồ rộng mở nhưng biến cố bất ngờ ập đến vào năm 17 tuổi khiến bao ước mơ, hoài bão của thầy trở nên dang dở. Mọi thứ tưởng chừng như đổ ập xuống khi đôi mắt thầy mất dần ánh sáng; gia đình đưa đi chạy chữa khắp nơi và áp dụng đủ các bài thuốc mà vẫn không có hiệu quả gì.
Thầy bị sốc nặng suốt một thời gian dài và phải sống trong sự mặc cảm, tự ti. Đấu tranh tư tưởng lắm mới dần thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của những ý nghĩ bi quan, chán trường; kể từ đó thầy chấp nhận sống chung với bóng tối.
Thầy tâm sự: “Thời gian đầu, tôi thật khó để tin những gì đã xảy ra với mình. Sau chuỗi ngày buồn bã, tôi thấy mình không thể trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Tôi phải tìm được một nghề để có thể nuôi sống bản thân”. Sau nhiêu lần suy nghĩ, cuối cùng thầy chọn con đường dạy học.
Ban đầu thầy chỉ nhận kèm cặp vài người nhưng tiếng lành đồn xa, học trò tìm đến lớp học của thầy ngày một nhiều. Đa phần trong số đó đều là học sinh, sinh viên.
Lịch dạy của thầy dày đặc từ sáng cho đến tận chiều tối. Không đếm được có bao nhiêu thế hệ học trò đã từ căn nhà nhỏ của thầy mà tỏa đi mọi miền Tổ Quốc.Có những gia đình, cả mẹ và con đều học thầy. Có những người đã thành danh trên con đường nghệ thuật.
Thầy nghĩ ra cách dạy riêng, vừa phù hợp với mình, vừa tạo sự thuận tiện tối đa cho học trò; giúp học trò dễ hiểu, dễ nhớ.Hai thầy trò ngồi đối diện nhau, trước mặt trò là một bản nhạc đã được biên soạn cẩn thận.Trên khuông nhạc, những nốt nhạc được mã hóa bằng những con số. Học trò được thầy hướng dẫn cách cầm đàn, cách sử dụng ngón tay rồi cách nhìn tài liệu với những con số.
Tỉ mỉ là thế nhưng thầy luôn giữ một nguyên tắc đó là không trả bài cũ thành thạo thì không dạy bài mới.Biết thầy nghiêm nên không có trò nào dám lười học.
Em Trần Đức Anh (14 tuổi, quận Đống Đa, TP Hà Nội) cho biết: “Em biết đến lớp học guitar của thầy Thi là nhờ một người bạn của mẹ giới thiệu. Chỉ mới học được vài buổi thôi nhưng em thấy thầy dạy rất nhiệt tình và dễ hiểu. Thầy là tấm gương sáng để em noi theo” .
Yêu nghề, tận tâm với nghề.Hơn nửa thế kỷ qua đi, chưa hôm nào học trò đến mà không gặp được thầy. Nhiều lần, các con khuyên thầy nên nghỉ dạy vài ngày để đi chơi nhưng thầy đều từ chối. Thầy sợ mất buổi học của học trò.
Học phí ở đây cũng thấp hơn rất nhiều so với các nơi dạy đàn guitar khác. Thầy bảo: “Tôi lấy rẻ thôi để ai cũng có thể theo học.” Các học trò yêu thầy, kính thầy có lẽ chính bởi vì tình yêu thương ấy.
Bên cạnh việc dạy đàn, thầy Thi còn chuyển soạn một số bản nhạc cho đàn guitar. Yêu thích những tác phẩm của nhà soạn nhạc thiên tài người Nga - Pyotr Iiyich Tchaikovsky - thầy đã chuyển soạn thành công hai tác phẩm “Chèo thuyền” và “Ngôi sao ban chiều”.
Ngoài ra, thầy còn chuyển soạn nhiều bản nhạc nổi tiếng của các nhạc sĩ Việt Nam như: “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”, “Anh vẫn hành quân”, “Hà Nội mùa thu”,… Một số bản chuyển soạn của thầy sau đó đã được in thành sách và dùng làm giáo trình tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
51 năm gắn bó với cây đàn, thầy Thi nhận ra rằng chính tiếng đàn đã cùng thầy vượt qua mọi khó khăn và tiếp thêm cho thầy nghị lực sống.Thầy coi nó là “báu vật” của cuộc đời mình.
Thầy cũng dành một lời khuyên cho thế hệ trẻ bây giờ: “Dù bị dồn vào bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được bỏ cuộc mà phải vươn lên để tìm được con đường khởi nghiệp của bản thân”.