Khó khăn từ tiêu chí thứ 17
Theo báo cáo mới nhất của Văn phòng Điều phối chương trình XD NTM mới Trung ương, tính đến tháng 4/2017, cả nước đã có 2.656 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 263 xã so với cuối năm 2016. Số xã đạt nông thôn mới tăng khá nhanh, tuy nhiên, trong 19 tiêu chí thì tiêu chí thứ 17 được đánh giá là vẫn gặp nhiều trở ngại.
Theo đó, để đạt được tiêu chí môi trường, các địa phương cần hoàn thành 5 chỉ tiêu: Có từ 80% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 45% số hộ được sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn quốc gia; trên 90% cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đạt chuẩn về môi trường; đường làng ngõ xóm, cảnh quan từng hộ xanh - sạch - đẹp, không có hoạt động làm suy giảm môi trường; nghĩa trang có quy hoạch và quản lý theo quy hoạch, có ít nhất một nghĩa trang tập trung; rác thải, chất thải, nước thải được thu gom và xử lý, trong đó thôn (xóm), xã phải có tổ dịch vụ thu gom rác thải và xử lý tại bãi rác tập trung.
Tuy nhiên do môi trường nông thôn đang chịu sức ép ô nhiễm ngày càng lớn từ sự gia tăng dân số, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi, bỏ trống khâu xử lý chất thải trong chăn nuôi, chất thải nông nghiệp, sinh hoạt, sản xuất nghề…Các hộ chăn nuôi gia đình dù đã xử lý môi trường nhưng không triệt để, gây thất thoát xả thải ra môi trường.
Các cơ sở sản xuất kinh doanh đa phần nhỏ lẻ, vốn ít, công nghệ lạc hậu, việc xử lý môi trường là tự phát, chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường; các làng nghề chưa được quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường…nên để hoàn thành tiêu chí thứ 17 này với nhiều địa phương là rất khó khăn.
Có thể kể đến như Quài Nưa - một trong 3 xã điểm về xây dựng nông thôn mới của huyện Tuần Giáo (Điện Biên). Sau 5 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, đến nay xã đã đạt 9/19 tiêu chí. Tuy nhiên, tiêu chí môi trường đang là trở ngại lớn bởi Quài Nưa có thế mạnh về phát triển chăn nuôi.
Tuy nhiên, người dân vẫn có thói quen làm chuồng nuôi gia súc, gia cầm gần nhà hay dưới gầm sàn, gây ô nhiễm môi trường sống của chính người dân khu vực đó.
Không chỉ xã điểm Quài Nưa, mà tất cả các xã khác trên địa bàn huyện Tuần Giáo đang gặp nhiều khó khăn về tiêu chí thứ 17 này và khó nhất hiện nay là việc thu gom và xử lý rác thải chủ yếu do người dân tự xử lý bằng phương pháp chôn lấp kết hợp với đốt thủ công. Chất thải phát sinh trong quá trình sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật chưa được thu gom một cách triệt để.
Cùng với ô nhiễm trong chăn nuôi, xử lý rác thải ở nông thôn…thì tại nhiều địa phương hệ thống thoát nước thải chưa được chú trọng đầu tư. Hầu hết nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề đều đổ trực tiếp ra môi trường, ngấm vào đất hoặc chảy vào ao, hồ, sông...Nhiều hộ nông dân vẫn có thói quen vứt bao bì thuốc bảo vệ thực vật khắp bờ ruộng, lòng mương không chỉ gây ô nhiễm không khí còn tiềm ẩn lây lan dịch bệnh nguy hiểm.
Để nông thôn mới được phát triển bền vững, đời sống của người dân được đảm bảo, môi trường được gìn giữ trong lành, nhiều địa phương đã có các Đề án riêng về xử lý môi trường (huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận; huyện Cần Giờ, huyện Bình Chánh, TP HCM); những mô hình nông thôn mới mang tính đặc trưng riêng, như: Mô hình khu dân cư NTM kiểu mẫu (Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hậu Giang), mô hình “Làng đô thị xanh” gắn xây dựng NTM với đô thị hóa của Đà Lạt (Lâm Đồng)…
Hy vọng, những điểm sáng này sẽ tiếp tục lan tỏa, để tiêu chí thứ 17 không còn gây khó khăn trong quá trình về đích nông thôn mới của các địa phương.