Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0: Không thể bình chân
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không cho phép chúng ta đứng yên, bình chân mà phải chuyển động, phải sáng tạo không ngừng bởi công nghệ 4.0 gắn chặt với năng lực trí tuệ. Do đó, vấn đề đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một yêu cầu bức thiết trong bối cảnh hiện nay. TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định như vậy khi trao đổi về những cơ hội cũng như thách thức của nền kinh tế nước nhà trước.
TS Trần Đình Thiên.
PV: Thưa ông, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở ra nhiều cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam, song cũng không ít thách thức. Ông có thể đưa ra nhận định đôi nét về cuộc cách mạng này, thưa ông?
TS Trần Đình Thiên: Cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là vô tận, bởi nó sẽ thay đổi cơ bản tất cả mọi thứ trong cuộc sống hiện nay. Khái niệm đầu tiên khi nói về cách mạng 4.0 là sự kết nối. Kết nối mọi nơi mọi lúc giữa người với người, người với vật, đặc biệt quan trọng là kết nối giữa vật với vật. Cơ hội dù rất lớn nhưng thách thức cũng rất cao, vì công nghệ 4.0 gắn chặt với năng lực trí tuệ.
Trong phần lớn của cải sản xuất ra cho xã hội thì của cải do trí tuệ sáng tạo chiếm tỉ lệ ngày càng lớn trong tổng GDP. Như vậy, thách thức ở đây, nếu muốn ứng dụng được công nghệ 4.0 thì con người phải có trí tuệ mới tham gia vào được quá trình sản xuất. Nói về một nền kinh tế “đậm chất trí tuệ” thì bản thân từng con người trong đấy phải có sự sáng tạo.
Đối với những nước nghèo hoặc đi sau thường năng lực sáng tạo thấp, sử dụng trí tuệ không cao. Đây là thách thức cơ bản nhất của những nước đi sau, thậm chí còn bị đặt ra bên lề sự phát triển chung của toàn nhân loại. Vấn đề này ngày càng biểu hiện rõ nét hơn. Mỗi cuộc cách mạng công nghiệp đều mang đến sự đảo lộn hệ thống giá trị.
Tới đây khi rô-bốt có thể thay thế con người, khi đó cấu trúc gia đình phải thay đổi. Đơn cử, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Singapore có tỉ lệ người sống độc thân rất cao dù các nước này chưa bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Theo ông, nền công nghiệp này sẽ tác động trực tiếp vào những lĩnh vực nào của Việt Nam?
- Thứ nhất, những ngành gắn với lao động thủ công sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Thứ hai, ngành nghề gắn với quá trình tự động hóa. Ví dụ, ngành dệt may, với những thao tác cắt, may thì máy móc đều có thể thay thế được. Chúng ta đang có một lực lượng hùng hậu lao động trong ngành dệt may, song khi công nghiệp 4.0 tràn vào, lực lượng này sẽ bị giảm đi rất nhiều.
Bởi cuộc cách mạng này có thể làm việc 24/24h mà không cần “nạp năng lượng”, thậm chí làm trong điều kiện không cần ánh sáng. Trong khi vẫn kiểm soát được tốc độ, chất lượng. Hay với ngành lắp ráp điện tử, rô-bốt cũng có thể thay thế. Ngay cả với ngành nghề lái xe cũng có nguy cơ bị thay thế trong vòng chưa đầy 20 năm nữa.
Đối với những lĩnh vực liên quan đến cảm xúc và trực giác con người thì khó thay thế hơn. Ví dụ, nghệ sĩ, bác sĩ, họa sĩ, nhà báo… nhưng cũng không thể nói là hoàn toàn “yên tâm”. Riêng họa sĩ có thể khó thay thế những “ông” thiên tài, còn họa sĩ “vẽ lại” thì chắc chắn bị thay ngay lập tức. Vì thế, tôi muốn nhấn mạnh, đối với nước ta phải rất chủ động khi bước vào cuộc cách mạng này, bởi lao động gia công và lắp ráp của ta chiếm phần.
Tuy nhiên, đối với cuộc cách mạng này, cũng có ý kiến cho rằng Việt Nam có rất nhiều lợi thế?
- Ở đây có hàm ý những nước đi sau thường có cơ hội vượt lên trước. Việt Nam không phải tốn quá nhiều chi phí chuyển đổi cho những cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2, thứ 3. Đơn cử, bây giờ chúng ta mới đầu tư vào một nhà máy ở thời kỳ công nghiệp lần thứ 2 như Formosa và sẽ phải giữ lại 50 năm nữa. Trong khi chỉ cần 20 năm là có thể thay thế.
Do đó, chúng ta phải ý thức được những di sản từ quá khứ với hai điều: Một là chúng ta phải tận dụng những cơ hội từ các cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vì hiện nay vẫn chưa có nhiều gánh nặng từ những cuộc cách mạng trước đó.
Thứ hai, chúng ta không thể không sốt ruột khi mà những gì chúng ta đang làm từ cuộc cách mạng 3.0 đến nay vẫn chưa làm được, nếu không sẽ phải trả giá rất đắt. Tôi cho rằng, tiếp cận cuộc cách mạng này, chúng ta phải có tầm nhìn vượt trội, thậm chí phải hơi khác thường thì đất nước mới chuyển biến nhanh được. Điều này gắn chặt với tầm nhìn của người lãnh đạo, tầm nhìn quản trị quốc gia.
Ảnh minh họa.
Để có thể lĩnh hội cuộc cách mạng 4.0, điều kiện cần và đủ của chúng ta là gì, thưa ông?
- Theo suy nghĩ của tôi, hiện nay chúng ta cái gì cũng thiếu. Chỉ có quyết tâm của chúng ta thì lúc nào cũng… đầy. Từ xưa đến nay nhân lực của ta được đánh giá là thông minh, hay mày mò sáng tạo. Đây là một ưu thế, nhưng trong hoàn cảnh thiếu điều kiện cơ sở vật chất thì lại đưa ra những sản phẩm không thể dùng được.
Bây giờ phải làm sao khuyến khích những sáng tạo khác người đó, chỉ cần trong 10 “cái khác người” mà có một cái sáng tạo đích thực cũng đã là rất quý. Muốn làm được như vậy thì ngay từ bây giờ chúng ta phải cấu trúc lại giáo dục đào tạo, phải có cách làm khác đi, cái nhìn và lối tư duy khác đi, còn nếu vẫn theo logic cải cách từ gần… 20 năm nay thì không thể tiếp cận cuộc cách mạng này được.
Theo tôi biết, đến thời điểm này vẫn chưa có gì đột biến và khác thường trong giáo dục, vẫn tư duy bằng cấp, gắn liền với chủ nghĩa phong bì rồi đi liền với tư duy nhiệm kỳ thì vẫn vô cùng khó.Cho nên, nếu nói đâu là điều kiện cần và đủ thì có thể kể ra vô số, nhưng chung quy lại chúng ta hãy tạo ra định hướng cho Việt Nam một cách nhìn dân chủ và sáng tạo.
Rô-bốt hóa đang là xu thế tất yếu của công nghiệp hiện đại, chúng ta sẽ phải tiếp cận xu hướng này thế nào trong đào tạo nguồn nhân lực, thưa ông?
- Rô-bốt không thể ngay lập tức thay thế được con người, nhưng không vì thế mà chúng ta mặc kệ. Việt Nam có nhiều cái khác thường và cả cái chất “mặc kệ” cũng khác thường. Cái cách của chúng ta hiện nay là đón nhận những thứ mới theo kiểu rất… bình chân. Nhưng tôi cho rằng, như vậy là chúng ta quá chủ quan, quá thờ ơ.
Và nếu vẫn giữ thái độ đó là chúng ta thua. Bởi vậy phải làm sao gắn được 2 yếu tố: bình tĩnh nhưng không chủ quan với tốc độ của của sự thay thế. Nghĩa là trong giai đoạn trước mắt chúng ta vẫn phải lo việc làm cho những người không có tay nghề nhưng phải ráo riết chuẩn bị lực lượng này được đào tạo cơ bản để có thể sẵn sàng đón làn sóng công nghệ.
Trân trọng cảm ơn ông!
Không thể không sốt ruột khi mà những gì chúng ta đang làm từ cuộc cách mạng 3.0 đến nay vẫn chưa làm được, nếu không sẽ phải trả giá rất đắt. Tôi cho rằng, tiếp cận cuộc cách mạng này, chúng ta phải có tầm nhìn vượt trội, thậm chí phải hơi khác thường thì đất nước mới chuyển biến nhanh được. Điều này gắn chặt với tầm nhìn của người lãnh đạo, tầm nhìn quản trị quốc gia. |