Tiếng gọi cội nguồn
Tháng 6 hè về, ấy là lúc bạn trẻ người Việt có cơ hội trở về cội nguồn thông qua chương trình “Trại hè Việt Nam”. Đây là chương trình thường niên do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu với thanh niên kiều bào mỗi khi hè về.
Trại hè Việt Nam là món ăn tinh thần không thể thiếu với thanh niên Việt kiều.
“Chạm tay” vào lịch sử
Chia sẻ những cảm xúc của mình khi được tham gia Trại hè Việt Nam, Phạm Thị Ngọc Trâm (LB Nga) cho biết, “tôi thật tự hào, thật xúc động về đất nước Việt Nam anh hùng. Dù trong sử sách qua những lời bà và mẹ kể về Việt Nam tôi đã biết đến một dân tộc kiên cường, bất khuất dám chống chọi và đánh thắng những kẻ thù sừng sỏ. Nhưng phải đặt chân về Việt Nam, “chạm tay” vào lịch sử mới thấy thật tự hào biết bao khi dòng máu đang chảy trong huyết quản của mình là dòng máu Lạc Hồng”.
Trâm nói, “không phải ngẫu nhiên mà Đền Hùng là nơi đầu tiên những người con xa xứ chúng tôi đến. Về với Đền Hùng, về với cội nguồn của dân tộc qua những câu chuyện truyền thuyết về “bọc trăm trứng” của Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ, truyền thuyết “Bánh chưng, bánh dày” để hiểu thêm về quan niệm “vuông tròn” của ông cha ta và nền nông nghiệp lúa nước truyền thống cùng với tấm lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ, ông bà tổ tiên. Đó chính là biểu hiện sinh động của đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc mình. Được dâng nén hương thơm tưởng nhớ Vua Hùng, tôi cảm thấy rất vui và tự hào là con cháu của người”.
Với Nguyễn Thị Huyền Trang đến từ Belarus ấn tượng của em chính là cuộc trở về đầy xúc động khi các em được đến với Quảng Trị, đến với nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn.
Trang kể, những câu chuyện đau thương và bi hùng về một thời chiến tranh, không chỉ khiến cá nhân em mà nhiều bạn nữa đã bật khóc. Đặc biệt khi đứng trước khuôn viên của Nghĩa trang liệt sỹ với khoảng 1 vạn ngôi mộ của những chiến sĩ đã ngã xuống, hy sinh xương máu của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, các em đã đau xót vô cùng.
“Tôi biết rất nhiều thế hệ cha anh đã mãi ra đi vì đất nước, vì hòa bình cho thế hệ sau, nhưng có đặt chân đến đây mới cảm nhận được rõ nét hơn sự hi sinh to lớn ấy. Tôi không biết làm gì hơn là thắp nén hương, cầu nguyện an bình, bày tỏ lòng biết ơn tới các anh và tự hứa với lòng mình cần nỗ lực học tập xứng đáng với những hi sinh của cha anh” - Trang xúc động nói.
Phải làm điều gì có ý nghĩa cho quê hương
Rất nhiều câu chuyện cảm động, những cảm xúc khó quên được Trâm chia sẻ lại trong hành trình trở về nguồn. Cho biết, ấn tượng nhất của chuyến tham dự Trại hè Việt Nam đối với cá nhân Trâm và nhiều bạn trong đoàn chính là cuộc gặp gỡ tình cờ với cô bé người Thái ở Lũng Cú, Hà Giang.
“Chiều hôm đó, khi xuống núi, xe chúng tôi bị thủng lốp nên phải dừng lại một lúc để sửa chữa. Đúng lúc ấy, chúng tôi đã được tiếp xúc với một em gái nhỏ, người dân tộc Thái ở Hà Giang khi em đang vác củi trở về nhà”- Trâm kể. Khi đó, Trâm và các bạn trong đoàn đã không kìm được xúc động khi tự mình vác bó củi mà em phải gánh về. Nhiều bạn nữ đã không thể tự mình nhấc bó củi nặng lên, vậy mà một em bé mới 10 tuổi phải làm việc nặng nhọc đó.
Khi hỏi chuyện em bé, Trâm biết nhà cô bé ở trên núi cách đây khoảng 3 cây số và hàng ngày em phải đi bộ khoảng 9 cây số từ nhà đến trường học. Trâm chốt lại với gọng đầy cảm xúc: “Trước khi gặp em, nhiều người trong số chúng tôi đều kêu ca với nhau vì hành trình đến Lũng Cú và Cao nguyên đá Đồng Văn thật gập ghềnh và khiến nhiều bạn bị say xe. Nhưng gặp em rồi, chúng tôi ai nấy nhìn nhau và như thầm nói với nhau rằng những cảm giác mệt mỏi của chúng tôi thật chẳng thấm tháp gì so với những khó khăn, cực nhọc mà em bé kia phải trải qua hằng ngày. Thực sự những khó khăn, trở ngại rất nhỏ mà những thanh niên kiều bào thường hay kêu ca với nhau hay với cha mẹ thật chẳng thấm tháp vào đâu so với cuộc sống còn nhiều nhọc nhằn của em nhỏ miền núi. Cuộc gặp thật tình cờ mà đầy ý nghĩa. Rất nhiều người trong đoàn tự nhủ, mình cần cố gắng hơn nữa, phải làm điều gì đó cho quê hương Việt Nam".
Không chỉ Trâm, Trang mà hầu hết thanh niên kiều bào được tham dự Trại hè Việt Nam đều bày tỏ các em thật may mắn được trở về Việt Nam, được mang trong mình dòng máu Việt. Khi trở về, được tận mắt ngắm nhìn cuộc sống của người dân Việt Nam, được thưởng thức những món ăn truyền thống, được đắm chìm trong nền văn hóa lâu đời của dân tộc ... thực sự không có niềm vui nào bằng.
Lê Văn Sơn đang học đại học khoa kinh tế đối ngoại ở Ucraina bày tỏ mong muốn sau khi học xong sẽ về Việt Nam làm việc: “Em thích con người Việt Nam. Ai cũng cởi mở, thân thiện. Em cần trau dồi kinh nghiệm để về xây dựng đất nước thêm tươi đẹp”.
Từ nhiều năm nay, Trại hè Việt Nam không đơn thuần là một kỳ nghỉ cho thanh niên kiều bào khi về thăm quê hương. Mà đây là nơi để các học sinh, sinh viên kiều bào từ các quốc gia trên thế giới được hội ngộ, chia sẻ những kinh nghiệm trong học tập và cuộc sống ở nước ngoài đồng thời giao lưu với thanh, thiếu niên trong nước.
Ông Vũ Hồng Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho rằng, các bạn trẻ kiều bào sẽ có cơ hội hiểu biết sâu sắc hơn về đất nước, con người và cuộc đấu tranh anh hùng của các thế hệ người Việt Nam để giành độc lập và bảo vệ Tổ quốc. Các hoạt động tri ân tưởng nhớ các anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước giúp các em hiểu rõ hơn về truyền thống hào hùng của dân tộc ta.
Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục tổ chức, tạo dựng những món ăn tinh thần cho thanh thiếu niên kiều bào, để các em thêm yêu quê hương, tự hào về quê hương mình. Qua đó, có hành động thiết thực cho đất nước.
Từ nhiều năm nay, Trại hè Việt Nam không đơn thuần là một kỳ nghỉ cho thanh niên kiều bào khi về thăm quê hương. Mà đây là nơi để các học sinh, sinh viên kiều bào từ các quốc gia trên thế giới được hội ngộ, chia sẻ những kinh nghiệm trong học tập và cuộc sống ở nước ngoài đồng thời giao lưu với thanh, thiếu niên trong nước. Khi trở về, được tận mắt ngắm nhìn cuộc sống của người dân Việt Nam, được thưởng thức những món ăn truyền thống, được đắm chìm trong nền văn hóa lâu đời của dân tộc ... thực sự không có niềm vui nào bằng. |