Phim hoạt hình Việt Nam: Không bứt phá, khó hút khán giả
Trong khi giới làm phim chiếu rạp ở Việt Nam đã có thể tự hào với bộ phim “Em chưa 18” đạt mức doanh thu kỷ lục 169 tỷ đồng- vượt qua cả “Kong: Skull Island”, “Fast & Furious 8”- những bộ phim bom tấn hè đình đám trên toàn cầu thì ở mảng phim hoạt hình dành cho thiếu nhi, phim ngoại vẫn lấn lướt phim nội.
Cảnh trong phim hoạt hình “Bố của gà con”.
1. Có đến rạp chiếu phim những ngày này mới thấy tâm trạng háo hức của khán giả nhí khi chờ suất chiếu phim “Deep: Biệt đội biển xanh”, “Doreamon: Nobita và chuyến thám hiểm Nam cực Kachi Kochi”... Đây là hình ảnh cứ lặp đi lặp lại trong nhiều năm nay, chứ không phải bây giờ mới xuất hiện.
Rõ ràng, khán giả thiếu nhi thì rất tiềm năng, đặc biệt là vào dịp Quốc tế thiếu nhi 1/6 khi các em bắt đầu được nghỉ hè. Tuy nhiên, các nhà làm phim hoạt hình cho thiếu nhi lại chưa có sự đầu tư, quan tâm đúng mức. Chính vì thế, thị trường này đang bị bỏ ngỏ cho các siêu phẩm nước ngoài.
Những năm trước, các phim như “Vua sư tử”, “Kỉ băng hà”, “Kungfu Panda”, “Đi tìm Dory”, “Sherk”… dù được nối tiếp nhau ra đời đến 3, 4 phần nhưng vẫn hấp dẫn, đạt doanh thu khủng. Lý do để phim thu hút người xem không chỉ bởi được làm với công nghệ mới nhất, hình ảnh đẹp, âm thanh tốt, có nhiều siêu sao đảm nhận việc lồng tiếng cho các nhân vật mà còn bởi ở cách dựng phim, nội dung nhiều tầng lớp ý nghĩa, khiến khán giả ở độ tuổi nào cũng thấy được sự cuốn hút.
Trẻ nhỏ đương nhiên thích vì đó là thế giới của cổ tích, của phép thuật, của những công chúa nàng tiên, những con vật và câu nói ngộ nghĩnh, dễ thương hay những chuyến phiêu lưu tới vùng đất chúng chưa thấy bao giờ. Còn người lớn cũng cảm thấy thú vị, mãn nhãn với hình ảnh lộng lẫy, những kỹ xảo mới lạ…
Trong khi đó phim hoạt hình Việt Nam không chỉ ngắn về thời lượng mà còn phải “gánh” trên mình sứ mệnh là “để giáo dục trẻ em” như một vị đứng đầu của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam từng phát biểu với truyền thông. Có lẽ khởi điểm bởi mục đích khá “nặng nề” đó nên các phim hoạt hình dành cho thiếu nhi có phần khô cứng, ít hấp dẫn các em?
2. Tuy nhiên, đi sâu vào mảng phim hoạt hình dành cho thiếu nhi trong thời gian gần đây cũng nên ghi nhận một số sự chuyển động, thậm chí có những phim gặt hái được thành quả trở thành những “dấu son” đáng khích lệ. Đơn cử như phim hoạt hình “Dưới bóng cây” của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh hay “Bố của gà con” của đạo diễn Phạm Ngọc Tuấn.
Trong đó, phim hoạt hình “Bố của gà con”- bộ phim đã đoạt giải Nhất cuộc thi làm phim hoạt hình online Việt Nam - Hàn Quốc, còn cho người ta hy vọng về một “con đường mới” của hoạt hình Việt Nam đó là chiếu trên YouTube. Đến nay, “Bố của gà con” đã trở thành phim hoạt hình Việt Nam có lượng người xem nhiều nhất trên kênh này, với trên 30 triệu lượt xem.
Xu thế sản xuất và chiếu phim hoạt hình Việt Nam trên internet cũng đang được nhiều nhà sản xuất, đạo diễn quan tâm. Bởi đây là xu hướng giải trí mới của một bộ phận không nhỏ công chúng, nhất là trẻ em ở các thành phố. Chỉ cần có chiếc điện thoại thông minh, iPad, máy tính nối mạng là có thể xem được.
Chính vì vậy, hiện có nhiều phim hoạt hình ngắn gọn, dễ hiểu, chuyển tải những câu chuyện cổ tích, hoặc nhắm tới những bài học về kỹ năng sống, về bảo vệ môi trường đã ra đời.
Tuy vậy, những sự chuyển biến ấy so với nhu cầu của công chúng và trước sự phát triển mạnh mẽ của các nhà sản xuất hoạt hình thế giới thì vẫn còn có nhiều hạn chế, mà cần có những chiến lược mạnh mẽ hơn, cần cả những nhà đầu tư sẵn sàng chi mạnh vào lĩnh vực này. Đồng thời, nhiều chuyên gia ngành điện ảnh cho rằng, cần sự dấn thân của nhiều đạo diễn, biên kịch, họa sĩ yêu trẻ nhỏ, say mê với mảng phim hoạt hình.
Một vấn đề cũng cần lưu ý, đó là chất lượng kịch bản hoạt hình thiếu nhi hiện nay chưa có nhiều tác phẩm xuất sắc. Giới chuyên gia cho rằng, đó là hạn chế cần khắc phục. Cũng có ý kiến cho rằng, chúng ta có một nền văn học thiếu nhi khá đồ sộ, thậm chí có thể coi là “mỏ vàng” để giới làm phim hoạt hình khai thác.
Song, trước sự thay đổi của đời sống xã hội, muốn khai thác và biến “mỏ vàng” này thành những sản phẩm thu hút công chúng đương thời cũng là bài toán hóc búa, mà nếu thiếu tài năng, thiếu tâm huyết và sự đầu tư lớn của các nhà sản xuất thì khó có thể biến những tác phẩm vang bóng đó thành những siêu phẩm của hành động, hài hước, ẩn chứa những thông điệp về giáo dục, nhân sinh quan...
Nói như nhà biên kịch Phạm Thanh Hà (Hãng phim Hoạt hình Việt Nam), chủ đề các bộ phim hoạt hình hiện nay rộng hơn rất nhiều, đòi hỏi nhiều yếu tố, không chỉ nặng về câu chuyện văn học mà còn có cả những kỹ năng sống, đời sống xã hội... Ngoài ra, ngôn ngữ hoạt hình đòi hỏi những yếu tố khác, không phải cứ tác phẩm văn học nổi tiếng, đã được giải thưởng lớn của nhà văn tên tuổi là “an toàn” và nhà biên kịch yên tâm “chuyển thể”.
Công chúng vẫn đang chờ đợi sự bứt phá mới của giới làm phim hoạt hình Việt Nam, có như vậy, vào mỗi dịp hè, phim hoạt hình Việt Nam mới hút khán giả “sân nhà”.