[ẢNH] Nghề đẽo đá ong
“Đất đá ong khô nhiều ngấn lệ/ Em đã bao ngày lệ chứa chan…”
Mãnh thú.
Câu thơ của thi sĩ Quang Dũng đã đưa chúng tôi về vùng đất Sơn Tây, Ba Vì, Thạch Thất - nơi lâu nay vẫn được coi là “miền đá ong” nổi tiếng. Ở đây có nghề biến những vỉa đá ong chìm sâu dưới lòng đất thành những viên đá ong đều chằn chặn để xây nhà. Thậm chí ngày nay, dưới bàn tay khéo léo của người thợ, vỉa đá ong thô cứng còn được đẽo gọt, trở thành những “tuyệt tác” có dáng có hồn.
Hiện nay, nghề đẽo đá ong thành những tác phẩm trang trí ở sân vườn, công sở xuất hiện nhiều ở xã Bình Yên (Thạch Thất - Hà Nội). Tại vùng đất này, đá ong có chất lượng ổn định, tốt nhất. Những vỉa đá ong lớn, tích tụ dưới lòng đất lâu năm, có màu vàng tươi ngả sang đỏ rất đẹp.
Nằm ngay đường liên xã là cơ sở chế tác của nghệ nhân Tăng Hữu Dũng. Bất cứ ai đi qua cũng đều ngạc nhiên, trầm trồ và muốn dừng lại để chiêm ngưỡng. Giữa những khối đá đồ sộ hay bé nhỏ để ngổn ngang nổi bật lên là những tác phẩm đã thành hình.
Đây là con sư tử chặn chân lên quả cầu hay ngồi oai vệ. Kia là những chú chuột, chú trâu ngộ nghĩnh đáng yêu. Xa xa lại là những đầu rồng, voi, hổ lực lưỡng. Lại còn có cả những trụ đèn, lộc bình, chậu hoa, miệng giếng nước...
Thấp thoáng quanh xưởng chế tác đó, dù trời đông tháng giá hay tiết hè nóng nực, lúc nào cũng thấy những người thợ ướt đẫm mồ hôi. Tiếng đục đẽo, tiếng máy mài rè rè, thi thoảng nghệ nhân dừng lại, lùi xa ngắm nghía, lúc gật gù tâm đắc, lúc lại lắc đầu tỏ ý chưa vừa lòng.
Rồi họ lại tiến về bên cạnh khối đá, đục đẽo, mài giũa cho thật ưng ý mới thôi. Theo những người thợ đẽo đá ong ở Bình Yên, làm nghề này phải có đam mê và chịu… được khổ. Lúc nào người cũng dính bụi đất, và vào những tháng mùa hè như thế này thì trên người lúc nào cũng ướt đẫm mồ hôi…
Đá ong được tạo thành nhiều hình thù khác nhau để trang trí.
Ba thầy trò Đường Tăng.
Con trâu.
Một người thợ ở Bình Yên đang “thổi hồn” cho đá ong.
Một ngôi nhà được xây bằng đá ong.