Xây dựng thôn, bản nông thôn mới - Hướng đi bền vững, hiệu quả

Theo Truyền hình Thanh Hóa 04/06/2017 13:25

Khu vực miền núi Thanh Hóa có địa bàn rộng, cơ sở hạ tầng thiếu và yếu, dân cư không tập trung, sản xuất chậm phát triển, việc xây dựng xã nông thôn mới rất khó khăn. Từ năm 2012, Thanh Hóa chủ trương xây dựng nông thôn mới ở khu vực miền núi bắt đầu từ thôn bản.

Ảnh minh họa.

Sau gần 4 năm thực hiện chủ trương xây dựng thôn, bản nông thôn mới đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào khu vực miền núi và đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Cuối năm 2016, thôn Hùng Tiến, xã Xuân Bình, một xã vùng 135 huyện Như Xuân được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Khởi đầu phong trào với 25% hộ nghèo, cơ sở vật chất hầu như không có gì, cấp ủy chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chương trình cải tạo vườn tạp, phát triển các mô hình cây ăn quả, đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động nhằm tăng thu nhập cho nhân dân.

Đến cuối năm 2016 , thu nhập bình quân đầu người thôn Hùng Tiến đạt 24,5 triệu đồng/ năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4%, nhân dân đã tự nguyện hiến 4000m2 đất, 3000 ngày công lao động và 400 nghìn đồng/ khẩu để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội.

Để khuyến khích phong trào xây dựng thôn, bản nông thôn mới, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành chính sách hỗ trợ 100 triệu đồng cho mỗi thôn, bản miền núi đạt chuẩn.

Các địa phương cũng đã chủ động lập kế hoạch gắn với từng thôn, bản, tập trung chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật , xây dựng các mô hình phát triển sản xuất đến từng thôn, đồng thời có các chính sách hỗ trợ như: hỗ trợ mỗi thôn từ 30- 50 triệu đồng xây dựng nhà văn hóa, hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn.

Các thôn cũng có các giải pháp cụ thể vận động, khuyến khích nhân dân phát triển sản xuất, đảm bảo vệ sinh môi trường, phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới.

Đến hết năm 2016, toàn tỉnh đã có 189 thôn, bản ở các xã miền núi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Các thôn, bản cũng đã huy động trên 237 tỷ đồng đầu tư xây dựng mới 316 km đường giao thông nông thôn, 162 km đường giao thông nội đồng, 120 nhà văn hóa thôn, kiên cố hóa 113 km kênh mương nội đồng.

Tuy nhiên số thôn bản đạt chuẩn nông thôn mới mới chỉ chiếm 8,5% trong số thôn bản miền núi. Điều này đòi hỏi các địa phương phải có những giải pháp thực sự hiệu quả để tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò chủ thể của đồng bào trong thi đua xây dựng thôn, bản nông thôn mới.

Theo Truyền hình Thanh Hóa