Gồng mình trong nắng nóng kỷ lục
Tại thời điểm này, nắng nóng vẫn bao trùm miền Bắc và một số tỉnh miền Trung. Cuộc sống sinh hoạt của người dân bị đảo lộn. Trên các cánh đồng vắng bóng người. Còn tại các bệnh viện, số người nhập viện tăng cao, nhất là người già và trẻ em, do mắc những bệnh về phổi. Đặc biệt, kể từ ngày 1/6 tới nay, lượng điện sử dụng tăng mạnh, trở thành áp lực lớn cho ngành này.
Nắng nóng, số người đến bệnh viện tăng cao.
Áp lực đặt lên vai ngành điện
Thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, chỉ trong mấy ngày nắng nóng vừa qua, công suất tiêu thụ cực đại đạt xấp xỉ 30.200 MW, sản lượng điện đạt xấp xỉ 631 triệu kWh, tăng 11,8% so với tuần trước và cao hơn 10,41% so với cùng kỳ năm 2016. Riêng hệ thống điện miền Bắc đã ghi nhận sản lượng điện tiêu thụ đạt xấp xỉ 290 triệu kWh, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, mặc dù mới chỉ là đợt nắng nóng đầu tiên của mùa hè năm 2017 ở miền Bắc, nhưng nền nhiệt đã tăng cao đột biến.
Trong các ngày 1 và 2/6, nền nhiệt phổ biến từ 36-39 độ C, riêng khu vực Hà Nội đạt trên 40 độ C. Thời gian nắng nóng trong ngày kéo dài. Ngay từ sáng sớm, nhiệt độ đã xấp xỉ 30 độ C.
Từ 11h trở đi tới 17h, nhiệt độ luôn duy trì ở mức 39-40 độ C. Khu vực nội thành, do hấp thụ nhiệt từ đường giao thông, phương tiện đi lại, hệ thống nhà bê-tông... nên nhiệt độ ngoài trời lên tới 41-42 độ C.
Nếu tính từ ngày 1-6 khi đợt nắng nóng bắt đầu thì tới nay (5-6), nắng nóng bao trùm đã 5 ngày. Dự báo, từ ngày mai, 6-6, nhiệt độ có thể giảm đôi chút do cường độ nắng hạ bớt. Tuy nhiên rất có thể tới ngày 9-6, miền Bắc và Bắc Trung bộ lại bước vào đợt nắng nóng kế tiếp, với nền nhiệt dự báo trên dưới 40 độ C.
Nắng nóng kéo dài nhiều ngày khiến nhu cầu sử dụng điện tăng lên rất cao. Theo EVN, chỉ trong 3 ngày (1,2 và 3/6) công suất tiêu thụ cực đại đạt xấp xỉ 30.200 MW, tăng 13,8% so với tuần trước và tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái; sản lượng điện đạt xấp xỉ 631 triệu kWh, tăng 11,8% so với tuần trước và cao hơn 10,41% so với cùng kỳ năm 2016.
Hệ thống điện miền Bắc cũng ghi nhận những số liệu cao nhất trong lịch sử, khi sản lượng điện tiêu thụ đạt xấp xỉ 290 triệu kWh (tăng 10% so với cùng kỳ năm trước).
Hiện, miền Nam đã chuyển mùa, còn miền Trung vẫn giữ mức nhiệt độ khá cao trong suốt vài tuần gần đây nên nhu cầu tiêu thụ điện tăng nhẹ, không có biến động lớn như miền Bắc.
Mặc dù nắng nóng kéo dài và nhiệt độ liên tục ở mức cao, và đã đạt mức cao kỷ lục trong vòng nửa thập kỷ qua, song, theo ông Nguyễn Đức Ninh- Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0), Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) vẫn đang chủ động trong việc đảm bảo cung ứng điện cho nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của cả nước và đời sống nhân dân do đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ đầu năm. Chính bởi vậy, những ngày qua, lượng điện cung ứng cho sản xuất, sinh hoạt của người dân, DN vẫn không bị gián đoạn.
Ông Ninh cho biết, thời kỳ cao điểm mùa khô luôn là giai đoạn vận hành căng thẳng nhất của hệ thống điện.
Tuy nhiên, EVN vẫn đang rất chủ động. Ngay từ đầu năm 2017, Tập đoàn đã chủ động trong việc sử dụng tiết kiệm nước nhằm giữ nước cao nhất có thể đối với các hồ thủy điện, đặc biệt là các hồ ở khu vực miền Trung và miền Nam đến hết tháng 3/2017, để có đủ nước đáp ứng nhu cầu của hệ thống điện cũng như nhu cầu sử dụng nước ở phía hạ du trong những tháng cao điểm nắng nóng; Bố trí và tập trung các công tác sửa chữa nguồn điện, lưới điện ngay từ cuối năm 2016 và trong quý I/2017, để đảm bảo từ quý II hệ thống điện có độ sẵn sàng cao nhất; Đảm bảo khả năng truyền tải của các đường dây 500 kV, đặc biệt cung đoạn Hà Tĩnh - Đà Nẵng, Vũng Áng - Đà Nẵng để truyền tải điện năng từ miền Bắc vào miền Trung và miền Nam.
Đặc biệt, từ khi các tổ máy của Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 (với tổng công suất 1.244 MW) được đưa vào vận hành đúng tiến độ, chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm, Nhà máy này đã sản xuất được khoảng 1,35 tỷ kWh, góp phần quan trọng đảm bảo điện cho miền Nam.
“Bên cạnh đó, EVN cũng xây dựng phương án vận hành hệ thống điện quốc gia trong tình huống cực đoan nhất như nắng nóng kéo dài và diễn ra đồng thời trên cả 3 miền để sẵn sàng các biện pháp ứng phó”- ông Ninh cho hay.
Tuy nhiên, theo đại điện lãnh đạo EVN, đây mới chỉ là đợt nắng nóng đầu tiên của năm 2017, sẽ còn nhiều đợt nắng nóng dữ dội nữa sẽ gây áp lực lớn trên vai ngành điện, bởi vậy, vị này khuyến cáo, để giảm áp lực cho hệ thống điện, bà con nhân dân, cộng đồng DN nâng cao tinh thần tiết kiệm điện, sử dụng điện một cách tiết kiệm, hiệu quả, đặc biệt trong các ngày nắng nóng và trong các giờ cao điểm.
Cuộc sống đảo lộn, nguy cơ cháy rừng tăng cao
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, kể từ ngày 1/6 tới nay, đã phải tiếp nhận số lượng người đến khám, chữa bệnh tăng cao, khoảng 15% so với bình thường. Các bác sĩ BV cho biết, trẻ em và người già là đông nhất. Hầu hết bị những bệnh liên quan đến hệ hô hấp.
Tuy nhiên, tình trạng bệnh cũng không quá nặng. Lời khuyên được đưa ra là: hạn chế ở mức thấp nhất việc đi ra đường khi trời nắng. Với người phải đi đoạn đường dài, thì chừng 10km cần nghỉ lại chỗ râm mát và bổ sung cho cơ thể lượng nước cần thiết.
Được biết, tại Khoa Khám bệnh BV Nhi Trung ương mỗi ngày tiếp nhận trên 3.000 bệnh nhi đến khám, chủ yếu là các trường hợp mắc các bệnh lý của sốt virus, tiêu chảy, viêm đường hô hấp...
Còn tại BV Lão Khoa Trung ương, chỉ trong hai ngày nắng nhất tại Hà Nội, lượng bệnh nhân cao tuổi đến khám đã gia tăng; mỗi ngày, trung bình có khoảng 300 lượt bệnh nhân; các trường hợp đến khám chủ yếu mắc các bệnh về đường hô hấp, tai biến mạch máu não…
Còn tại Nghệ An, con số thống kê của Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An cho thấy: Chỉ tính trong 4 ngày gần đây đã có trên 1.000 trẻ nhỏ phải nhập viện do ảnh hưởng của đợt nắng nóng kỷ lục, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Các cháu nhập viện chủ yếu do mắc các bệnh liên quan đến điều kiện thời tiết, như sốt phát ban, viêm đường hô hấp, tiêu chảy… Đặc biệt, cũng do nắng nóng, tại Nghệ An đã có 7 trẻ mắc bệnh viêm não.
Trao đổi với chúng tôi, BS Nguyễn Văn Sơn- Trưởng khoa Nhiệt đới, BV Sản - Nhi Nghệ An cho biết: “Hiện khoa đang điều trị cho 7 bệnh nhi bị viêm não. Số lượng trẻ nhỏ bị viêm não nhiều như vậy khiến chúng tôi rất lo lắng”.
Theo các bác sĩ, do nắng nóng kéo dài, nên nguy cơ bị sốc nhiệt rất dễ xảy ra với những người phải đi ngoài đường. Sốc nhiệt gây tổn hại cho não và các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể.
Mặc dù sốc nhiệt chủ yếu ảnh hưởng tới những người trên 50 tuổi nhưng người trẻ cũng dễ gặp. Sốc nhiệt thường biểu hiện ban đầu bằng các rối loạn nhẹ liên quan tới nhiệt như chuột rút, ngất xỉu và lả nhiệt (kiệt sức vì nóng) nhưng sốc nhiệt cũng có thể không có dấu hiệu báo trước.
Nắng nóng không chỉ ảnh hưởng tới các đô thị, mà tại các tỉnh miền núi phía Bắc cuộc sống người dân cũng bị đảo lộn. Tại Lào Cai, theo ông Lưu Minh Hải- Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai thì theo chuỗi số liệu nhiều năm đã thu thập được, thì sau 14 năm tại tỉnh Lào Cai lại xuất hiện đợt nắng nóng dữ dội.
Bà Hồ Thị Kim Hoa- Phó Giám đốc BV Sản- Nhi tỉnh Lào Cai cho biết, thời tiết nắng nóng, đặc biệt là độ ẩm trong không khí khá cao là những điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh bùng phát, tấn công và gây bệnh cho con người, đặc biệt là trẻ em sức đề kháng còn yếu. Số trẻ em phải nhập viện tăng cao.
Cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai cảnh báo, thời tiết nắng nóng cũng là thời điểm xảy ra nhiều vụ cháy rừng. Việc tổ chức tuyên truyền ý thức bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng tại Lào Cai thời điểm này cần được ngành kiểm lâm và các tổ chức, hội, đoàn thể chú trọng.
Đảm bảo đủ điện cho Hà Nội Theo Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN Hanoi), tính từ 00h ngày 1/6 đến 16h30’ ngày 2/6, Trung tâm chăm sóc khách hàng của EVN Hanoi đã tiếp nhận 385 cuộc gọi báo mất điện do sự cố quá tải lưới điện. Các yêu cầu này đã được xử lý và hoàn tất 100%, cấp lại điện cho người dân trong thời gian sớm nhất. Để đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định cho phụ tải trên địa bàn thành phố Hà Nội, Tổng giám đốc EVN Hanoi đã yêu cầu các Công ty Điện lực, Công ty lưới điện cao thế TP Hà Nội không thực hiện cắt điện cao, trung, hạ thế theo kế hoạch làm gián đoạn cung cấp điện cho khách hàng, gây mất an toàn vận hành cho lưới điện làm giảm độ tin cậy cung cấp điện từ ngày 1/6 đến hết ngày 31/7/2017 (trừ các trường hợp đặc biệt, nguy cơ đe doạ sự cố, mất an toàn đến công tác vận hành trên lưới điện). Tăng cường ứng trực 24/24 để kiểm tra, phát hiện và xử lý các tình huống bất thường của lưới điện. |