Quyền phản biện
Chỉ trong vòng 3 ngày, Bộ VHTTDL liên tiếp ban hành 2 văn bản. Văn bản thứ nhất ra ngày 2-6 đề nghị Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng xem xét, xử lý phát biểu của ông Huỳnh Tấn Vinh - Chủ tịch hiệp hội tại tọa đàm mới đây về “Phát triển bền vững khu du lịch quốc gia Sơn Trà” (tổ chức ngày 30/5 tại Hà Nội). Văn bản thứ hai ra ngày 4/6 yêu cầu thu hồi văn bản đề nghị xử lý ông Huỳnh Tấn Vinh, vì một số nội dung “chưa phù hợp, dễ gây hiểu lầm”.
Ông Huỳnh Tấn Vinh phát biểu tại tọa đàm của Bộ VHTTDL ngày 30/5.
Điều đáng nói là trong văn bản thứ nhất (số 2383BVHTTDL - TCDL), cho rằng ông Huỳnh Tấn Vinh phát biểu thiếu chính xác tại một hội thảo, Bộ VHTTDL gửi văn bản đề nghị Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng có biện pháp xử lý.
Văn bản này nêu: Tại tọa đàm “Phát triển du lịch bền vững khu du lịch quốc gia Sơn Trà”, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch TP Đà Nẵng được mời tham dự và trình bày các ý kiến liên quan đến Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà.
Dù đã được chủ trì tọa đàm nhắc nhở về việc cân nhắc kỹ nội dung phát ngôn, đảm bảo chuẩn xác, nhưng ông Huỳnh Tấn Vinh vẫn phát biểu nội dung thiếu chính xác.
Cụ thể ông Vinh nói quy hoạch Sơn Trà vi phạm các điều luật như: Luật Bảo vệ phát triển rừng, Luật đa dạng sinh học, Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo...
Phát ngôn của ông Vinh là chủ quan, thiếu cơ sở và làm cho dư luận hiểu sai vấn đề. Do đó, Bộ VHTTDL đề nghị Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng xem xét, có biện pháp xử lý; yêu cầu ông Vinh có văn bản giải trình, trả lời Bộ trước ngày 15-6 để báo cáo cấp có thẩm quyền.
Trên thực tế, tại buổi tọa đàm ngày 30/5 diễn ra tại trụ sở Bộ VHTTDL, ngay sau khi ông Huỳnh Tấn Vinh phát biểu ý kiến về nội dung nêu trên, ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đã nhắc nhở ông Vình khi cho rằng bản quy hoạch này đã lấy ý kiến của Bộ Tư pháp và cho rằng không vi phạm các luật trên và đã đề nghị ông Vinh cân nhắc khi phát biểu.
Và cũng trong buổi tọa đàm đó, ông Huỳnh Tấn Vinh khẳng định vẫn bảo lưu quan điểm giữ nguyên hiện trạng bán đảo Sơn Trà, sẽ đấu tranh đến cùng để bảo vệ vẻ đẹp thiên nhiên của bán đảo Sơn Trà.
Có lẽ trước sự phản ứng gay gắt từ dư luận và từ cộng đồng, ngay trong sáng 4/6, Bộ VHTTDL đã phát đi thông tin báo chí về việc thu hồi văn bản gửi Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng.
Nội dung có nêu: Văn bản ngày 2-6 của Bộ về việc phát ngôn của ông Huỳnh Tấn Vinh tại một buổi tọa đàm có một số nội dung “chưa phù hợp, dễ gây hiểu lầm”.
Bộ tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp khách quan và khoa học về vấn đề quy hoạch Sơn Trà để đảm bảo cân bằng giữa bảo tồn và phát triển. Theo đó, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái chỉ đạo: Thu hồi văn bản ngày 26.
Tổng cục Du lịch được giao làm rõ trách nhiệm tham mưu ban hành văn bản và báo cáo lãnh đạo Bộ trước ngày 5-6. Bộ nhận trách nhiệm về những sơ suất tại nội dung văn bản nêu trên.
Cho đến sáng ngày 4/6, ông Huỳnh Tấn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội du lịch TP. Đà Nẵng cho biết vẫn chưa nhận được văn bản ra ngày 2/6 của Bộ VHTTDL, nhưng đã thấy trên báo chí và mạng xã hội.
Và cho đến trưa cùng ngày cũng nhờ báo chí mà ông được biết có thông cáo của Bộ VHTTDL về việc thu hồi văn bản yêu cầu xử lý ông.
Ông Huỳnh Tấn Vinh chia sẻ: Dù chậm nhưng ông hoan nghênh việc rút lại văn bản trước đó của Bộ VHTTDL. Trên trang cá nhân, ông Vinh bày tỏ mong muốn Bộ VHTTDL có những bước đi tiếp theo phù hợp để bảo vệ màu xanh cho Sơn Trà.
Xung quanh câu chuyện ban hành và thu hồi văn bản liên quan đến phát ngôn/quan điểm của ông Huỳnh Tấn Vinh tại tọa đàm về khu du lịch quốc gia Sơn Trà, nhiều người cho rằng đó là quyền được phản biện của công dân; hơn thế ông Vinh là người rất am hiểu về Sơn Trà, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội du lịch của TP Đà Nẵng.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu chưa triển khai quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà trong 3 tháng để Đà Nẵng xem xét, giải quyết các kiến nghị.
Do đó những ý kiến tham vấn, phản biện về quy hoạch nói trên cần được lắng nghe và suy xét một cách thấu đáo, thay vì việc vội vã ban hành văn bản cũng như thu hồi văn bản như cách mà Bộ VHTTDL đã làm.
Thời gian qua, việc ban hành và thu hồi văn bản của Bộ VHTTDL cũng đã gây bất bình trong dư luận xã hội. Điển hình là văn bản đề nghị Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam; Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam; Hội Sinh vật cảnh Việt Nam dừng việc tổ chức vinh danh công nhận “Cây di sản”; “Việt Nam linh thiêng cổ tự”; “Nghệ nhân văn hóa dân gian”; “Nghệ nhân”… khi những hoạt động này chưa có qui định pháp luật cho phép thực hiện. Nhưng cũng chỉ một thời gian ngắn sau đó, Bộ VHTTDL lại có văn bản đính chính rằng: Văn bản ban hành trước đó mang tính khuyến cáo…
Và ồn ào nhất, thu hút sự quan tâm chú ý của công chúng nhất chính là vụ việc cấp phép phổ biến ca khúc sáng tác trước 1975 thuộc chức năng của Cục Nghệ thuật biểu diễn.
Để rồi cuối cùng, những vụ lùm xùm cấp phép ca khúc suốt hơn 2 tháng qua đã khép lại bằng cái kết có hậu khi Bộ VHTTDL có văn bản chính thức khẳng định rằng: Từ nay các bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế, nếu không có nội dung ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác…
Từ câu chuyện của Bộ VHTTDL, cụ thể hơn là từ vụ việc mới nhất về khu du lịch quốc gia Sơn Trà, có lẽ đã đến lúc cần xem xét lại quy trình, cách thức ban hành văn bản (nói chung) hiện nay, trong đó có trách nhiệm cá nhân của cán bộ liên quan.