Phim tư nhân nở rộ
Đến thời điểm hiện tại, công tác cổ phần hóa các hãng phim Nhà nước đang được tiến hành. Tuy nhiên, để chủ trương xã hội hóa điện ảnh được thực hiện đúng hướng, góp phần nâng cao chất lượng phim Việt, các cơ quan chức năng vẫn còn nhiều việc phải làm.
Điện ảnh Việt Nam đang trong “thời” của phim giải trí (Ảnh minh họa).
Đạo diễn Đặng Nhật Minh nhận xét: so với 10 năm trước, điện ảnh Việt Nam ngày nay đã lột xác hoàn toàn. Điện ảnh Việt Nam hôm nay đã khoác lên mình một diện mạo mới mẻ, với những nhân vật hoàn toàn mới lạ thích ứng với những thay đổi đang diễn ra hằng ngày trong xã hội.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng cho rằng có thể diện mạo ấy lạ lẫm với ai đó, nhưng bình tĩnh nhìn lại thì thấy nó rất phù hợp với quy luật vận hành của một xã hội tiêu thụ.
Xã hội đó đã tạo ra một lớp khán giả điện ảnh trẻ ở các đô thị (tuổi đời trên dưới 20) mà nhu cầu chủ yếu là giải trí. Đơn cử như giải thưởng Cánh diều năm 2016 vừa qua, 19 phim truyện điện ảnh dự giải đều không có phim nhà nước và đa phần trong số đó đều là phim giải trí.
Chưa bao giờ chức năng giải trí của điện ảnh lại được đề cao như hiện nay. “Các phương tiện truyền thông hết lòng cổ súy cho những phim giải trí, lấy con số doanh thu phòng chiếu làm tiêu chí đánh giá sự thành công của một bộ phim” - đạo diễn Đặng Nhật Minh thừa nhận.
Không phủ nhận khi phim Việt có doanh thu là một điều đáng tự hào. Thế nhưng niềm tự hào chưa được lâu, những người tâm huyết với điện ảnh lại bắt đầu một nỗi buồn mới. Có những phim được đánh giá là quá dở nhưng lại hút khán giả và đạt doanh thu rất lớn.
Đơn cử, hai bộ phim bị xếp vào danh sách phim hài nhảm, hoặc không tương xứng với số tiền được đầu tư phải kể đến “Hello cô Ba” và “Mỹ nhân kế”. Vậy mà ngay sau hai tuần công chiếu, doanh thu của các bộ phim đều đạt mức trên 50 tỷ đồng khiến nhiều người ngỡ ngàng.
“Việc coi tiêu chí giải trí làm đầu đã đẩy chất lượng của phim, trách nhiệm xã hội của nhà làm phim xuống mức thấp, nếu không muốn nói là quá tệ” - Đạo diễn Hạnh Thúy cho biết.
Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng, không thể buông bỏ trách nhiệm của nhà nước trong việc đầu tư cho những bộ phim có định hướng tuyên truyền.
Điều quan trọng là phim được đầu tư từ ngân sách nhà nước cần có sự tham gia của các nhà làm phim tư nhân với sự nhạy cảm về thị trường, về khán giả để góp phần đem đến hơi thở mới cho phim. Bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là minh chứng rõ nhất cho thấy hiệu quả trong mối quan hệ phối hợp này.
Có lẽ chưa bao giờ người ta thấy được sự bùng nổ, lấn át toàn diện của phim do tư nhân sản xuất trên thị trường điện ảnh trong nước như hiện nay. Có thể thấy rõ ở giải Cánh diều 2016 cũng là đại đa số các phim tư nhân đoạt giải thưởng.
Đạo diễn Đặng Xuân Hải - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam khẳng định khi phim tư nhân đang gây ảnh hưởng lớn trong xã hội cũng như thu hút khán giả đến rạp, thị trường điện ảnh bị phá vỡ thế độc quyền, khi từng là “sân khấu” dành riêng cho phim nhà nước. “Muốn có nền điện ảnh phong phú, đa dạng, phát triển phải có sự góp sức của các đơn vị sản xuất phim và huy động nguồn vốn sản xuất phim trong cả nước. Do đó, xã hội hóa là xu hướng phát triển tất yếu” - ông Hải khẳng định.
Thống kê cho thấy, trong năm 2016 có hơn 50 phim truyện ra rạp, nhưng không có phim nào được Nhà nước tài trợ. Mặc dù trong kế hoạch năm 2015 - 2016, Bộ VHTTDL có phê duyệt 4 phim truyện điện ảnh được đặt hàng sản xuất từ nguồn chi trợ giá của ngân sách, nhưng hiện tại các bộ phim này vẫn chưa thể hẹn ngày hoàn thành vì chưa được cấp kinh phí.
Đã đến lúc, ngân sách nhà nước không còn lý do gì để “hào phóng” rót tiền tỷ tài trợ cho những bộ phim mà tương lai dường như đã định sẵn: Xếp kho và không được công chúng đón nhận.
Bởi, đã quá nhiều lần giới làm phim phải nhắc đến thực trạng thị trường chiếu phim có doanh thu tăng hằng năm, nhiều phim xã hội hóa lập kỷ lục bán vé, trong khi phim do nhà nước tài trợ tiêu tốn hàng tỷ đồng lại hầu như không thể vào rạp, không thu hồi được vốn sản xuất.
Điện ảnh Việt đã “chia tay” với thời bao cấp và đang phát triển theo hướng xã hội hóa. Đó là hướng đi đúng, nhằm tránh tình trạng thụ động, ỷ lại từng xảy ra trước đây.
Nhưng mặt trái xã hội hóa cùng với sự thiếu kiểm soát, thiếu giải pháp ngăn ngừa tác động xấu của cơ quan chức năng đang khiến diện mạo điện ảnh Việt Nam trở nên “méo mó”.