Thi THPT quốc gia 2017: Có hết lo thí sinh ảo?
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, dự kiến ngày 10/6, Bộ GD&ĐTsẽ chuyển đề thi THPT quốc gia về các địa phương để tiến hành in sao và chuyển đến các điểm thi. So với các năm trước, năm nay đề thi được Bộ GD-ĐT giao sớm hơn để các Sở có thể in kịp để chuyển về điểm thi.
Ảnh minh họa.
Đảm bảo tính nghiêm túc
Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là kỳ thi THPT quốc gia 2017 sẽ chính thức bắt đầu. Với kinh nghiệm tổ chức kỳ thi ba chung từ các năm trước, năm nay Bộ GD&ĐT đã có những chuẩn bị kỹ lưỡng. Cụ thể, ngay khi kết thúc năm học 2016 (tháng 9), Bộ đã công bố phương án thi và tuyển sinh nên các trường ĐH, sở GD-ĐT và địa phương biết được phương thức, kế hoạch thực hiện nên chủ động chuẩn bị sớm.
Đến thời điểm này, đại diện Bộ GD-ĐT khẳng định ngân hàng đề thi đã được xây dựng đầy đủ để Ban đề thi quốc gia có thể sử dụng để biên soạn đề thi cho năm nay. Bộ đã 3 lần ban hành đề thi thử nghiệm và đề thi tham khảo, giúp học sinh cũng như nhà trường và xã hội biết cấu trúc đề thi như thế nào.
Để đảm bảo tính nghiêm túc, theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, năm nay, mỗi em sẽ có một mã đề thi riêng, mỗi phòng có 24 em (trước đây hơn 30 em) nên về mặt kỹ thuật các em không thể hỏi nhau, hạn chế tối đa việc trao đổi.
Đồng thời mỗi phòng thi có một giáo viên phổ thông (từ địa phương khác điều đến) và một giảng viên ĐH nên đảm bảo tính nghiêm túc trong coi thi. Về việc chấm thi, như mọi năm sẽ tiến hành bằng hình thức phần mềm máy quét nên không ai can thiệp được.
Tiến tới dùng chung 1 phần mềm
Một trong những điểm lo lắng của mỗi mùa tuyển sinh ĐH, CĐ chính là lượng thí sinh ảo quá lớn khiến các trường khó trong việc cân đối điểm đầu vào, dẫn đến rất nhiều trường tốp trên cũng không tuyển đủ chỉ tiêu.
Trong khi đó, năm nay Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh đăng ký nguyện vọng không hạn chế nên có những thí sinh đăng ký đến vài chục nguyện vọng cũng không phải là trường hợp cá biệt. Bài toán này đặt ra cho các trường cũng như Bộ GD-ĐT làm sao tìm ra một giải pháp hạn chế tối đa lượng thí sinh ảo.
Tại buổi chạy thử nghiệm phần mềm xét tuyển, lọc ảo diễn ra tại ĐH Đông Á (Đà Nẵng) cuối tuần qua, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đánh giá với việc các trường ĐH thành lập hai nhóm xét tuyển lớn là nhóm xét tuyển khu vực phía Bắc và nhóm xét tuyển khu vực phía Nam đang được kỳ vọng sẽ tạo ra bước tiến dài, quan trọng trong đổi mới phương thức xét tuyển ĐH, CĐ. Cụ thể, nhóm phía Nam có 72 trường ĐH, phía Bắc có 54 trường ĐH lớn.
Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ GD-ĐT, các trường có tỷ lệ chọi cao, trường có đông thí sinh đăng ký xét tuyển thì đều tham gia vào hai nhóm này.
Hiện cả hai nhóm này đều đã khẳng định quy trình xét tuyển và lọc ảo của riêng mình với một nguyên tắc chung là tôn trọng quyền tự chủ của các trường. Việc quyết định điểm chuẩn, danh sách trúng tuyển là do các trường quyết định, sẽ không ai có thể can thiệp được.
Việc tham gia nhóm lọc ảo với việc sử dụng phần mềm giúp có sự liên thông trong nhóm. Ví dụ 72 trường trong nhóm phía Nam thì có một trường điều chỉnh mở rộng danh sách trúng tuyển hoặc giảm điểm chuẩn thì sẽ ảnh hưởng đến các trường khác.
Các trường khác sẽ thấy được sự điều chỉnh của trường này tác động đến danh sách trúng tuyển trường mình như thế nào, từ đó quyết định có điều chỉnh điểm chuẩn cũng như danh sách trúng tuyển hay giữ nguyên để làm sao cho phù hợp với chỉ tiêu tuyển sinh.
Phần mềm xét tuyển, lọc ảo do Bộ GD-ĐT xây dựng dựa trên nền tảng là quy chế tuyển sinh mà Bộ đã công bố và được điều chỉnh theo yêu cầu của hai nhóm trên. Bộ không bắt buộc các nhóm này sử dụng hay phải theo quy trình nào mà dựa trên đề xuất của các nhóm và Bộ tôn trọng đề xuất của các nhóm.
Chia sẻ thêm, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, tiến tới trong những kỳ thi tiếp theo, có thể cả nước không phải thành lập hai nhóm xét tuyển nữa mà cùng dùng chung một phần mềm, sẽ bớt được việc xét tuyển thành 2 giai đoạn là 1 ở nhóm rồi giai đoạn 2 đưa lên Bộ. Khi đó, việc tuyển sinh sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều.