Khủng hoảng ở Vùng Vịnh: Hàng loạt nước cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar
Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Arab Saudi, Ai Cập, Bahrain, cùng một số quốc gia khác trong hôm đầu tuần đã bất ngờ tuyên bố rằng họ sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar đồng thời cáo buộc đất nước Vùng Vịnh này đang ủng hộ chủ nghĩa khủng bố.
Nhiều nước Vùng Vịnh đồng loạt tuyên bố cắt đứt quan hệ với Qatar trong hôm 5/6. (Nguồn: Bloomberg).
Hãng thông tấn nhà nước Arab Saudi, dẫn nguồn tin chính thức, cho hay nước này đã quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao và quan hệ lãnh sự với Qatar “tuân thủ theo quyền tài phán được đảm bảo bởi luật pháp quốc tế của họ và nhằm bảo vệ an ninh quốc gia khỏi mối nguy hiểm từ chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa khủng bố”.
Nước này cũng tuyên bố cắt đứt mọi liên hệ trên đất liền, trên không và trên biển với Qatar và “thúc giục các nước anh em có hành động tương tự”. Theo tuyên bố của Arab Saudi, quyết định trên được đưa ra sau “hàng loạt các vi phạm của chính quyền Qatar trong những năm gần đây”, trong khi UAE cũng ra quyết định tương tự.
UAE cáo buộc Qatar hậu thuẫn chủ nghĩa cực đoan và làm ảnh hưởng tới sự ổn định của khu vực. Nước này cắt quan hệ ngoại giao với Qatar và gia hạn 48 giờ đồng hồ để các nhà ngoại giao Qatar rời khỏi UAE, chỉ ra rằng Qatar đã “ủng hộ, rót tiền và dung túng cho các tổ chức khủng bố, cực đoan”.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Ai Cập cũng cáo buộc chính quyền Doha của Qatar hậu thuẫn “chủ nghĩa khủng bố” trong một tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao. Tuyên bố này nói rằng tất cả các cảng và sân bay của Ai Cập sẽ đóng cửa với máy bay và tàu biển của Qatar.
Trong khi đó, hãng thông tấn của Bahrain tuyên bố rằng vương quốc này cắt đứt quan hệ với Qatar vì nước này liên tiếp “gây ảnh hưởng tới an ninh, sự ổn định của Bahrain và can thiệp vào công việc nội bộ” của họ.
Liên minh các nước Arab mà Arab Saudi dẫn đầu đang chiến đấu chống phiến quân ở Yemen còn tuyên bố rằng họ sẽ hủy tư cách thành viên của Qatar, trong khi phần lớn các nước Vùng Vịnh cũng cắt đứt quan hệ với Doha trong bối cảnh căng thẳng gia tăng. Liên minh này nói rằng họ ra quyết định trên là do Qatar “có các hành động làm tăng cường chủ nghĩa khủng bố, ủng hộ các tổ chức khủng bố ở Yemen, bao gồm Al-Qaeda và Daesh”.
Hãng hàng không Etihad của UAE cũng nói rằng họ sẽ ngừng mọi chuyến bay đi và đến từ Doha bắt đầu từ sáng ngày 6/6.
Chính phủ được quốc tế công nhận của Yemen cũng tuyên bố cắt đứt quan hệ với Qatar, cáo buộc nước này đang hợp tác với kẻ thù của họ là phiến quân Houthi, hãng thông tấn nhà nước Saba cho hay.
Chính quyền của Libya cũng đưa ra hành động tương tự với các đồng minh trong khu vực, cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, Bộ trưởng Ngoại giao nước này, ông Mohammed Dayri, tuyên bố hôm 5/6.
Liên minh do Arab Saudi dẫn đầu, đã chiến đấu chống phiến quân ở Yemen trong suốt 2 năm qua, đã tuyên bố rằng Qatar không còn được chào đón trong khối này. Họ cáo buộc Qatar ủng hộ các tổ chức khủng bố ở Yemen và lần đầu tiên công khai tuyên bố này.
Khởi nguồn của khủng hoảng
Ngọn nguồn của sự việc bắt đầu từ tháng trước, sau khi Doha mở cuộc điều tra về vụ việc mà họ gọi là “tấn công mạng”, trong đó một bài viết được đăng tải trên hãng thông tấn nước này có nhiều lời bình luận của Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani.
Trong bài viết đó, Quốc vương đã đặt câu hỏi về quan điểm thù địch của Mỹ đối với Iran, nói về tình trạng “căng thẳng” giữa Doha và Washington, bình luận về phong trào Hamas ở Palestine và nghi ngờ rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể không nắm quyền lực được lâu nữa.
Chính quyền Doha sau đó bác bỏ mọi lời bình luận trên và nói rằng họ chỉ là nạn nhân của một vụ “tấn công mạng đáng xấu hổ”.
Trong chuyến thăm của Tổng thống Trump tới Riyadh (Arab Saudi) vừa qua, cả hai bên đã thảo luận về khoản tiền hàng tỷ USD đầu tư và mua bán vũ khí. Các lãnh đạo người Hồi giáo dòng Sunni tại Riyadh đã hoan nghênh quan điểm cứng rắn đối với Iran của ông Trump.
Trong một bài phát biểu tại Riyadh, ông Trump cũng thúc giục giới lãnh đạo Hồi giáo trên khắp thế giới “quét sạch” những kẻ cực đoan và “khủng bố”, trong bối cảnh mà những kẻ cực đoan đang thực hiện hàng loạt vụ tấn công ở nhiều nước.
Chính quyền Qatar từ lâu đã phải đối mặt với các cáo buộc hậu thuẫn cho “chủ nghĩa khủng bố”. Họ đã bị chỉ trích vì ủng hộ các nhóm nổi dậy đang chiến đấu chống chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad, trong khi một số cá nhân ở Qatar cũng bị liệt vào danh sách trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ vì các hoạt động rót tiền cho khủng bố.
Trong các tuần gần đây, báo giới Mỹ liên tiếp cáo buộc Qatar rót vốn cho các nhóm khủng bố, buộc chính quyền Doha phải ra sức giải thích rằng họ là nạn nhân của một chiến dịch truyền thông thù địch. Qatar cũng bị chỉ trích vì cung cấp nơi ẩn náu cho cựu thủ lĩnh của phong trào Hamas Khaled Meshaal. Trong năm 2013, phiến quân Taliban ở Afghanistan thậm chí còn mở cửa một văn phòng ở thủ đô Doha của Qatar.