Tiệc phim tài liệu sắp khai màn
Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 8 sẽ diễn ra từ ngày 9 đến 18/6 tại 2 địa điểm là Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương (Hà Nội) và trường Đại học Hoa Sen - TP HCM. Liên hoan sẽ giới thiệu tới khán giả nhiều bộ phim đặc sắc. Sự kiện này nằm trong khuôn khổ các chương trình hoạt động của EUNIC – Hiệp hội các Viện Văn hóa và các Đại sứ quán châu Âu.
Hai đứa trẻ, cảnh phim tài liệu Việt Nam.
Bám sát hơi thở cuộc sống
Liên hoan phim lần này quy tụ 31 tác phẩm điện ảnh đoạt giải cao của các quốc gia trong những kỳ liên hoan phim. Các bộ phim tham dự được trình chiếu miễn phí, mở cửa tự do cho mọi tầng lớp khán giả đến xem. Theo đó, mỗi buổi chiếu sẽ bao gồm một phim tài liệu của Việt Nam chiếu cùng một bộ phim nước ngoài (có phụ đề tiếng Việt) của các nước: Anh, Pháp, Đức, Áo, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Bỉ và Israel… Với đề tài và nội dung phong phú, các bộ phim được chiếu trong Liên hoan này sẽ mang đến cho khán giả những góc nhìn mới, đa chiều hơn về xã hội, về những mối quan hệ giữa con người với môi trường, khám phá những vùng đất cũng như những chủ đề mới.
Các phim tài liệu của Việt Nam tham dự gồm: “Con đường phía trước” (đạo diễn Nguyễn Quang Tuấn, Nguyễn Văn Kiểm), “Việt Nam thời bao cấp” (đạo diễn Trần Tuấn Hiệp), “Chuyện ngày hôm qua” (đạo diễn Phạm Hồng Thăng - Đặng Thị Linh), “Hai đứa trẻ” (đạo diễn Tạ Quỳnh Tư”, “Nhật ký của ba” (đạo diễn Hoàng Hà Lê), “Mẹ ơi con đã về” (đạo diễn Lương Minh Đức), “Muốn về nhà” (đạo diễn Hoàng Dũng), “Người Mông hiện hữu trong tiếng khèn” (đạo diễn Nguyễn Đức Phương)… Ngoài các phim tài liệu Việt Nam do các hãng sản xuất, liên hoan còn giới thiệu nhiều phim tài liệu độc lập như: Giường xinh, Đất đai thuộc về ai, Bên dưới đại lộ, Thiên thần bất tử, Chuyến về quê cùng ba mẹ, Sofa, bếp và chuyện phiếm, Nhà đối diện, Gia đình đầu trọc, Lên lên xuống xuống, Mặn như muối, Dành tặng ông Điều…
Đề tài của phim tài liệu Việt Nam bám sát được hơi thở cuộc sống, những vấn đề đang được xã hội quan tâm. Khán giả sẽ thấy ở phim “Con đường phía trước” thông điệp nhắn nhủ mọi người đừng xem tự kỷ là một loại bệnh hay những đứa trẻ tự kỷ như bệnh nhân, mà hãy xem các con như một cá thể đặc biệt được sinh ra trong một môi trường đặc biệt để từ đó có phương pháp giáo dục phù hợp. Hay chuyện phim “Hai đứa trẻ” lại đề cập đến câu chuyện hai đứa trẻ bị trao nhầm sau khi sinh ra cách đây gần 4 năm tại Bệnh viện đa khoa thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước, và những tác động đến hai đứa trẻ và các bậc cha mẹ chúng bởi sự nhầm lẫn đó. Còn “Nhật ký của ba” kể về quá trình nuôi con của người cha đơn thân Trình Tuấn. Trình Tuấn đã lập ra ngân hàng sữa mẹ trên facebook để các bà mẹ nuôi con có thể cho nhau sữa mẹ và được rất nhiều người quan tâm. Phim “Việt Nam thời bao cấp” tái hiện cuộc sống vất vả và tình người sâu đậm thời bao cấp - một ký ức đẹp của những người Việt Nam từng trải qua...
Khẳng định vị thế phim tài liệu
Qua những bộ phim tài liệu châu Âu - Việt Nam được trình chiếu là cách để chúng ta phân tích, hiểu rõ thêm về xã hội chúng ta đang sống, chất vấn những mối quan hệ giữa con người với môi trường, khám phá những vùng đất cũng như những chủ đề mới. Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam là sự kiện văn hóa thường niên được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2009. Qua 7 kỳ tổ chức, Liên hoan phim đã tạo dựng được chỗ đứng vững chắc trong đời sống sinh hoạt văn hóa Việt Nam, đáp ứng nhu cầu giao lưu văn hóa giữa Việt Nam với các nước khác, trở thành một điểm hẹn quen thuộc hàng năm đối với công chúng Việt Nam cũng như thế giới yêu thích thể loại phim tài liệu.
Trong khuôn khổ liên hoan phim tài liệu lần thứ 8 tới đây sẽ có giao lưu, đối thoại giữa các nhà làm phim, giới thiệu về các bộ phim cũng như nền điện ảnh của mỗi quốc gia với khán giả Việt Nam. Khán giả đang kỳ vọng vào những bộ phim tài liệu độc lập Việt Nam được giới thiệu nhân dịp này. Bởi ở đó không đơn thuần là việc chọn đề tài, việc làm phim mà còn là cơ hội để các nhà làm phim cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm phát hành phim độc lập trong điều kiện khán giả ngày càng “kén” món ăn tinh thần.