Kiểm soát chặt hàng nhập khẩu
Hiện nay trên thế giới, các biện pháp phòng vệ thương mại được xem là công cụ hiệu quả nhằm giảm áp lực hàng nhập khẩu đối với các ngành sản xuất trong nước. Ở nước ta, Tổng cục Hải quan vừa yêu cầu các đơn vị kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu các mặt hàng mà trong nước sản xuất được. Đây được xem như động thái bảo vệ hàng nội trước sự lấn át của hàng ngoại. Nhưng, việc “siết” hàng nhập liệu có khả thi?
Thịt ngoại nhập khẩu đang là mối đe dọa ngành chăn nuôi.
Về vấn đề này, có thể đưa ra trường hợp điển hình như nông lâm thuỷ sản của Việt Nam, vốn được kỳ vọng nhiều trong xuất khẩu, nhưng ở thị trường trong nước thì vẫn gặp khó khăn đầu ra. Trong nhiều khó khăn như thị trường, giá cả thì mặt hàng này còn phải chống đỡ hàng sự “đổ bộ” của một số mặt hàng nhập ngoại.
Chẳng hạn như rau quả, báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong quý 1/2017 đạt đến 225 triệu USD, tăng hơn 43% so với cùng kỳ 2016. Hoặc như mặt hàng thủy sản, quý 1 cũng nhập khẩu 306 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong bối cảnh ngành chăn nuôi đang chờ “giải cứu” thì việc nhập thức ăn gia súc và nguyên liệu đã đạt đến 955 triệu USD. Thậm chí, mới đây bà Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP HCM còn hé lộ, xuất khẩu thực phẩm và nông nghiệp của Hoa Kỳ sang Việt Nam (trong đó có thịt lợn, bò, gà) đã tăng hơn 30% trong 2 tháng đầu năm 2017.
Trở lại vấn đề, mới đây từ Tổng cục Hải quan có yêu cầu về việc “siết chặt” nhập khẩu mặt hàng mà Việt Nam sản xuất được, tuy nhiên lại thấy không nói rõ việc “siết” các mặt hàng ngoại đang đe doạ lĩnh vực nông lâm thuỷ sản của Việt Nam ra sao? Chỉ thấy Tổng cục lưu ý, cục hải quan các tỉnh, thành kiểm soát chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu, nhất là các mặt hàng được Bộ Công thương đưa vào diện áp dụng các biện pháp tự vệ (thuế tự vệ).
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước hồi quý 1 vừa qua đạt hơn 46,57 tỉ USD, tăng 24,9% (tương ứng tăng gần 9,3 tỉ USD) so với cùng kỳ năm 2016. Trong vấn đề nhập khẩu hiện nay, có thể thấy điểm hạn chế lớn là cơ cấu nhập khẩu nhóm hàng nguyên nhiên liệu đầu vào cho sản xuất và tiêu dùng trong nước tiếp tục cao.
Theo Bộ Công thương, tỷ lệ nhập khẩu lớn về nguyên, nhiên liệu, nhất là nguyên liệu gia công sản xuất thể hiện tính gia công trong ngành còn lớn, phụ thuộc nhiều vào thị trường cung cấp ở bên ngoài. Việc này khiến cho nền kinh tế gặp bất lợi mỗi khi giá cả thế giới biến động tăng, làm tăng chi phí sản xuất trong nước, giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.
Nhìn từ động thái của Tổng cục Hải quan trong việc “siết” những mặt hàng nhập mà Việt Nam có thể sản xuất được, đó là cũng chỉ một trong nhiều biện pháp để ngăn đà “đổ bộ” của hàng ngoại đang làm điêu đứng nhiều ngành hàng nước nhà. Mà trong đó, chăn nuôi hay nông sản hoặc lĩnh vực công nghiệp phụ trợ là những trường hợp điển hình.