Khi Mặt trận giám sát
Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định về việc kiểm tra, giám sát tài sản của những cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Những cán bộ trong diện cán bộ được kiểm tra, giám sát lần này bao gồm cả những người đã về hưu; tài sản của cán bộ, vợ, chồng, người thân, kể cả con vị thành niên cũng bị xem xét, nếu kê khai không trung thực và không chứng minh được nguồn gốc chân chính cũng sẽ bị xem xét, xử lý...Có thể nói, đây là một quyết định rất đúng đắn, ý Đảng hợp lòng Dân.
Nói ý Đảng hợp lòng Dân là bởi lâu nay, vấn đề kê khai thu nhập, tài sản của cán bộ được đặt ra, nhưng lại không được kiểm tra, giám sát sự trung thực, mà kê khai rồi để đấy, như vậy là rất hình thức. Việc làm rõ thu nhập, tài sản của cán bộ, gia đình, người thân cán bộ là bước đột phá trong công tác phòng chống tham nhũng.
Việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương chọn những cán bộ ở lĩnh vực, địa bàn, địa phương trọng tâm, trọng điểm dễ xảy ra tham nhũng để kiểm tra, giám sát tài sản, nhưng không phải đồng loạt, tất cả mà theo kế hoạch, có dấu hiệu vi phạm, có xuất hiện đơn, thư tố cáo để kiểm tra, giám sát là rất phù hợp trong tình hình hiện nay. Sau khi kiểm tra, giám sát sẽ thông báo công khai, rộng rãi sẽ là bài học cảnh tỉnh những cán bộ khác để ngăn ngừa, loại bỏ những hành vi làm giàu từ tham nhũng.
Tuy Bộ Chính trị đã ban hành Quy định, thế nhưng Quy định này cũng cần phải có quá trình chuẩn bị, cụ thể hóa một cách đồng bộ trong cả hệ thống chính trị. Tới đây, các văn bản, quy định liên quan đến lĩnh vực này cũng sẽ được Quốc hội, Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp.
Chính vì vậy, đây là cơ hội để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phát huy vai trò của mình trong việc tham gia giám sát cá nhân cán bộ, cụ thể là giám sát kê khai tài sản của cán bộ thuộc diên Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Điều này dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn sau đây:
Thứ nhất, Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định “Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội”. Quy định của Bộ Chính trị lần này chính là một điều kiện để Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của mình;
Thứ hai, Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị Về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, trong đó quy định rõ “đối tượng” giám sát là “cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử, công chức, viên chức nhà nước” trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước (trừ những vấn đề thuộc bí mật quốc gia) của cơ quan, tổ chức và cá nhân”;
Thứ ba, Quyết định 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 về ban hành Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền cũng đã chỉ rõ, đối tượng, nội dung góp ý cho cá nhân là “về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và trách nhiệm nêu gương, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, đại biểu dân cử, sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang; nhất là người đứng đầu cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp”.
Thứ tư, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội là tổ chức đại diện đông đảo nhất cho các tầng lớp quần chúng, nhân dân; là sợi dây kết nối mối liên hệ giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, phát huy quyền dân chủ của các tầng lớp nhân dân trong xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Quần chúng, nhân dân là “tai mắt” của Đảng. Các tổ chức, đoàn thể và người dân dễ có tiếng nói trung thực, công tâm, khách quan giúp tổ chức, cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan nhà nước thấy hết được những mặt mạnh, mặt yếu của cán bộ, đảng viên để khắc phục, sửa chữa, tiến bộ;
Thứ năm, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, suy thoái trong thời gian qua chưa đạt kết quả như mong muốn, một phần nguyên nhân là chưa phát huy được sức mạnh của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và đông đảo quần chúng, nhân dân. Đây cũng là vấn đề nhức nhối hàng đầu hiện nay, mỗi khi có điều kiện, cử tri, nhân dân đều tỏ thái độ chưa hài lòng. Bác Hồ đã nói: “Phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng thì mới thành công”. Do vậy, việc kiểm tra, giám sát tài sản của cán bộ cũng phải dựa vào quần chúng thì mới thành công.
Từ một số lý do trên đây, trong việc cụ thể hóa Quy định của Bộ Chính trị lần này, cần phải xây dựng cơ chế, quy định để Mặt trận Tổ quốc các cấp, các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia giám sát tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Có nhiều cách để phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và quần chúng nhân dân tham gia giám sát tài sản của cán bộ, nhưng nên chăng tập trung vào một số hướng chính.
Đó là, xác định việc giám sát kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý lần này cũng là góp phần thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương nhằm phát hiện những biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong cán bộ lãnh đạo chủ chốt các ngành, các cấp.
Trước khi kiểm tra, giám sát tài sản của cán bộ thì cần có sự công khai trong phạm vi nhất định bản kê khai tài sản của cán bộ, vợ, chồng, con, anh em, người thân của cán bộ đó ở chi bộ nơi công tác, chi bộ nơi cán bộ đó cư trú để tổ chức Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội và quần chúng nhân dân, kể cả báo chí “được biết” mà tham gia giám sát, góp ý.
Phát động các thành viên Mặt trận Tổ quốc, quần chúng, nhân dân tham gia phát hiện, tố giác những biểu hiện chưa trung thực, thiếu sót trong bản kê khai, cung cấp căn cứ để cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra của cấp ủy có thông tin điều tra, giám sát.
Cùng với cấp ủy, chi bộ đảng nơi cán bộ đó công tác và cư trú, Mặt trận Tổ quốc cơ sở, Ban Công tác Mặt trận, các chi hội, hội đoàn thể nhân dân ở cơ sở là nơi tiếp nhận đơn thư, những phản ánh về dấu hiệu vi phạm, sự kê khai không trung thực của cán bộ. Các cơ quan báo chí của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân cũng là một kênh để các đoàn viên, hội viên phản ánh, tố giác.
Đồng thời phải có cơ chế để làm sao giữ an toàn, bí mật cho những người đã phản ánh, tố giác đúng sự thật. Sau khi kiểm tra, giám sát, các cơ cấp ủy, tổ chức đảng phải thông báo kết quả việc kiểm tra, thanh tra, giám sát để đông đảo người dân được biết. Đặc biệt, trong quá trình chuẩn bị văn bản, quy định việc kiểm tra, giám sát và ngay trong quá trình kiểm tra, giám sát, xác minh, cần rất chú ý ngăn chặn, phòng ngừa những biểu hiện tấu tán, chuyển đổi, sang tên tài sản cho người khác. Muốn vậy, cũng phải dựa vào tai mắt của quần chúng nhân dân, thông qua các cơ quan, tổ chức đại diện của mình.
Một trong những điều rất quan trọng để phát huy được vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân cũng như quyền làm chủ của quần chúng, nhân dân trong giám sát tài sản là cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy phải thật sự dân chủ, cầu thị, điều động, phân công những cán bộ, đảng viên có “cái đầu lạnh” và có “bàn tay sạch” để xử lý nghiêm minh, cương quyết, không tạo ra “vùng cấm”, không để rơi vào “im lặng” với bất cứ trường hợp nào.
Tin chắc rằng, một khi vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và đông đảo quần chúng, nhân dân trong giám sát kê khai tài sản thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, được phát huy một cách hiệu quả sẽ là những kinh nghiệm vô cùng quý báu trong công tác giám sát, phản biện xã hội trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội của đất nước.
Trong việc cụ thể hóa Quy định của Bộ Chính trị lần này, cần phải xây dựng cơ chế, quy định để Mặt trận Tổ quốc các cấp, các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia giám sát tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Có nhiều cách để phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và quần chúng nhân dân tham gia giám sát tài sản của cán bộ, nhưng nên chăng tập trung vào một số hướng chính. Trước khi kiểm tra, giám sát tài sản của cán bộ thì cần có sự công khai trong phạm vi nhất định bản kê khai tài sản của cán bộ, vợ, chồng, con, anh em, người thân của cán đó ở chi bộ nơi công tác, chi bộ nơi cán bộ đó cư trú để tổ chức Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội và quần chúng nhân dân, kể cả báo chí “được biết” mà tham gia giám sát, góp ý. Phát động các thành viên Mặt trận Tổ quốc, quần chúng, nhân dân tham gia phát hiện, tố giác những biểu hiện chưa trung thực, thiếu sót trong bản kê khai, cung cấp căn cứ để cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra của cấp ủy có thông tin điều tra, giám sát. |