Nhật Bản tái khởi động một lò phản ứng hạt nhân

T.H. 07/06/2017 07:16

Ngày 6/6, Công ty Điện lực Kansai (KEPCO) của Nhật Bản đã cho khởi động lại một lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy điện Takahama thuộc tỉnh Fukui.

Lò phản ứng số 3 và số 4 tại Nhà máy điện Takahama. Ảnh: Kyodo / TTXVN.

Được biết, sau khi tái khởi động, lò phản ứng số 3 sẽ sớm đạt công suất tối đa và sẽ bắt đầu sản xuất điện vào ngày 9/6 tới.

Theo tính toán, với lượng điện được bổ sung nhờ lò phản ứng này, KEPCO sẽ giảm giá điện sớm nhất trong mùa Hè này.

Tính đến nay, đã có 5 trong số 42 lò phản ứng hạt nhân thương mại được tái khởi động trên khắp Nhật Bản.

Ngoài hai lò phản ứng số 3 và 4 ở nhà máy điện hạt nhân Takahama của KEPCO, còn có hai lò phản ứng ở nhà máy điện Kagoshima của Công ty Điện lực Kyushu và một lò phản ứng ở nhà máy điện Ikata của Công ty Điện lực Shikoku.

Nhà máy điện hạt nhân Takahama đặt tại tỉnh Fukui, cách thủ đô Tokyo 350km về phía Tây.

Trước đó, chính quyền tỉnh Fukui đã thông qua kế hoạch tái khởi động hai lò phản ứng này. Tuy nhiên, người dân của tỉnh Shiga lân cận, do quan ngại về vấn đề an toàn, đã đề nghị tòa án quận này ngăn cản động thái trên.

Sau hơn một năm tranh cãi trên tòa, hồi tháng 3 vừa qua, một tòa án phúc thẩm tại Osaka ra phán quyết cho phép KEPCO khởi động hai trong số bốn lò phản ứng tại nhà máy Takahama.

Việc người dân lo ngại là hoàn toàn có lý do. Cho đến nay thảm họa tại nhà máy Fukushima hồi năm 2011 vẫn chưa thôi ám ảnh người dân nơi đây.

Khi đó, chỉ trong 16 giờ, các thanh nhiên liệu trong một lò phản ứng đã gần như tan chảy hoàn toàn.

88 ngày sau, Chính phủ chính thức thừa nhận khủng hoảng hạt nhân Fukushima, thảm hoạ hạt nhân tồi tệ nhất sau “cơn ác mộng” Chernobyl năm 1986.

Ngày 5/2/2012, khi lò phản ứng hoạt động cuối cùng ở Hokkaido phải đóng cửa để kiểm tra.

Thảm hoạ hạt nhân đã gây nhiều khó khăn cho Nhật Bản, buộc đất nước Mặt Trời mọc nhập khẩu 80% nhiên liệu. Giá điện gia dụng tăng 19% giai đoạn 2011-2015, lượng khí thải carbon dioxide tăng vọt.

Cách đây không lâu, ngày 19/4, nhà chức trách Nhật Bản cũng đã thông qua kế hoạch dỡ bỏ 5 lò phản ứng cũ, đánh dấu lần đầu tiên áp dụng quy định chấm dứt vận hành các lò phản ứng đã hoạt động quá 40 năm - được đưa ra sau thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima hồi năm 2011.

Theo quy định mới sau thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima hồi năm 2011, các lò phản ứng hạt nhân của Nhật Bản không được phép hoạt động quá mốc 40 năm.

Tuy nhiên, Cơ quan Quản lý Hạt nhân có thể gia hạn hoạt động của một lò phản ứng nếu đơn vị chủ quản nâng cấp cơ sở hạ tầng và củng cố các biện pháp bảo đảm an toàn và lò phản ứng này vượt qua các bài kiểm tra của cơ quan đánh giá.

T.H.