Nhà báo Trần Thanh Phương và những trang nhật ký

Cẩm Thúy (giới thiệu) 07/06/2017 17:39

Nhà báo Trần Thanh Phương – nguyên Phó tổng biên tập báo Đại Đoàn kết được biết đến rộng rãi với góc độ của một người làm công tác sưu tầm tư liệu đạt tới độ… kỷ lục. Nhưng ông trước hết và luôn luôn là một nhà báo trưởng thành trong những năm tháng đất nước còn chưa thống nhất, nặng tình với cách mạng, nhạy cảm với thời cuộc, mẫn cảm và xông xáo. 15 tuổi tập kết ra miền Bắc, khi ấy Miền Nam nói chung và quê hương Cà Mau nói riêng là nỗi nhớ thương dằng dặc.

Tháng 5/1975, ông trở về Nam làm báo Giải Phóng (năm 1977 Giải Phóng sát nhập với Cứu Quốc thành Đại Đoàn kết ngày nay) thì miền Bắc yêu thương lại vẹn nguyên một tình yêu không bao giờ phai nhạt. Có thể nói nhà báo Trần Thanh Phương là một người nặng tình, những ai đã gặp ông, quen ông đều cảm nhận được sự nồng hậu, chân tình. Ông trong cuộc đời làm báo đã từng viết về bao nhiêu nhân vật, những nhà cách mạng, những nhân sĩ trí thức với tất cả tình cảm nồng hậu như thế.

Những năm vừa qua, khi công bố các cuộc triển lãm tư liệu đồ sộ và tên tuổi ông được các tổ chức kỷ lục nào đó ghi nhận, nhiều tờ báo đã viết, khai thác nhiều về ông ở khía cạnh này. Nhưng với những người từng làm báo cùng ông, thì Trần Thanh Phương với tư cách một nhà báo nồng nàn tình yêu đất nước, con người, nhiều khát vọng, khát khao về những giá trị tốt đẹp nhất cho xã hội mới là phần sâu sắc trong tâm hồn ông.

Những ngày này, nhà báo Trần Thanh Phương đang nằm trên giường bệnh. Nhưng ông vẫn không ngừng quan tâm đến những trang bản thảo dở dang, những dự định xuất bản thêm những cuốn sách. Để giúp bạn đọc hiểu hơn về một góc khác trong tâm hồn Trần Thanh Phương, chúng tôi trích giới thiệu dưới đây trang đầu tiên và cuối cùng trong cuốn “Sài Gòn tầng cao Sài Gòn tầng thấp”. Đây là cuốn nhật ký được ông viết trong vòng 5 năm, từ ngày trở lại Sài Sòn sau Giải phóng, tháng 5-1975, tới 30-4-1980, mỗi trang giống như một tản văn. Thực hiện trang báo này, chúng tôi gửi gắm tình cảm mong ông có thể vượt qua cơn bạo bệnh, trở về với những trang viết, những tư liệu, những bản thảo mà ông vẫn đang muốn được hoàn thành!

Ngày 25/5/1975

Ngày 30/4 tôi đã không được may mắn có mặt ở Sài Gòn.

Hôm nay, thì tôi đã sống giữa lòng thành phố. Ánh mắt, nụ cười, dáng đi, tiếng nói… của người Sài Gòn như thân quen tất cả, như đã gặp nhau một lần nào…Gặp ai cũng muốn chào, muốn nói một câu gì đó cho thỏa những ngày mong đợi.

Bến Bạch Đằng, Thủ Thiêm, cột cờ Thủ Ngữ, chợ Bến Thành, sở Thú, cho đến hàng me, hàng sao, hàng dầu, mái ngói, bờ tường… cũng làm tôi nao nao, rớm lệ. Và đây là dinh Độc Lập, dinh Gia Long, tòa Đại sứ Mỹ, bộ tổng tham mưu ngụy, sân bay Tân Sơn Nhất, tổng nha cảnh sát, nhà lao Chí Hòa, Thủ Đức…, những cái tên đã nghe từ rất lâu…

Tất cả hãy còn nguyên vẹn đó. Cái tốt và cái xấu xen lẫn, bày trước mắt mọi người. Một em nữ sinh 16, 17 tuổi tự nguyện mang băng đỏ, đứng giữa ngã tư đường phố giữ trật tự giao thông. Một người ăn xin, một trẻ bụi đời, một người mang bệnh cùi nằm trước cửa chợ, một nhóm thanh niên đang ngồi chích xì ke ở bến Bạch Đằng, một cô gái làm tiền, một băng cướp có vũ khí công khai hành nghề… Bước ra đường phố, ta có thể thấy ngay bao cảnh như thế.

Từ những giờ giới nghiêm, Sài Gòn luôn sống trong hối hả, vội vàng…

Đối với cách mạng, nhiều người vừa sợ, vừa cảm tình, vừa thấy gần gũi, nhưng cũng lại vừa xa lạ. Người ta gọi anh em cán bộ, bộ đội bằng “ngài”, bằng “ông”, bằng “bà”. Cá biệt có người còn nói “phía bên này”, “phía bên kia”, còn khen “ông Diệm”, “ông Kỳ”, “ông Thiệu”…, còn nói “Ngoài họ” (ý chỉ miền Bắc), “trong mình” (ý chỉ miền Nam)…

Thật ra trong những ngày vui lớn này, chẳng mấy ai có ý chống đối cách mạng, chia rẽ Bắc – Nam. Nhưng vì quá ngỡ ngàng trước một chiến thắng lớn, những từ ngữ quen thuộc, bình thường trước đây ít ai kịp sửa. Người ta trao đổi với nhau một cách quen miệng như thế.

Ta tiếp quản thành phố Sài Gòn nguyên vẹn. Nguyên vẹn cái tốt và nguyên vẹn cả cái xấu. Nghiệm thấy những năm sau này, công cuộc cải tạo và xây dựng ở thành phố sẽ còn nhiều điều lý thú, tôi muốn ghi lại những gì mắt thấy, tai nghe và xúc động nhất. Chắc rằng nhiều trang trong quyển sách này chưa nói được tính điển hình của Sài Gòn trong thời gian tới. Nhưng người viết sẽ cố gắng hết sức trung thực với sự thật. May ra, từ sự thật phong phú ấy, giúp bạn đọc, nhất là bạn đọc ở xa thành phố, hiểu được phần nào Sài Gòn trong những năm gian khổ xây dựng cuộc sống mới của mình.

Ngày 30/4/1980

Thoáng một cái, chúng ta đã kỷ niệm năm năm ngày giải phóng thành phố Sài Gòn – Gia Định, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Năm năm! Đó là thời gian thực hiện một kế hoạch dài của đất nước. Năm năm, đó là thời gian đủ tốt nghiệp cho một bằng đại học. Năm năm, đó là thời gian có thể cắp sách đến trường cho một em bé. Năm năm, có thể xây dựng xong một công trình phúc lợi lớn, một nhà máy lớn! Năm năm, có thể hoàn thành một bộ tiểu thuyết dài, một kịch bản đồ sộ… Năm năm, nghĩa là 1825 ngày ấy đủ thời giờ để chúng ta làm một cái gì đó thay đổi không ít bộ mặt thành phố, dù cho tốc độ có chậm đến đâu. Năm năm, so với thời gian của lịch sử dân tộc chỉ là khoảnh khắc, chỉ là một chấm nhỏ, nhưng so với một đời người không phải ngắn. Cũng như từ nay đến năm 2000, chỉ còn 20 năm. Nhưng 20 năm ấy, chúng ta sẽ có một lớp thanh niên, tính từ những em bé chào đời trong những năm đầu 80 này.

Năm năm qua, chúng ta sống, làm việc và chiến đấu với bao tâm trạng vui, buồn. Khó khăn thật bề bộn, có nhiều lúc tưởng chừng như không thể vượt qua. Thành phố đặt ra nhiều vấn đề kinh tế và đời sống quá cấp bách, quá sức chịu đựng của nền kinh tế. Giữa ngày 30/4/1975, có mấy ai hình dung nổi những cái không tốt mà cả thành phố phải gánh chịu trong những năm sau này. Khó khăn do địch để lại, có. Khó khăn do ta gây ra có. Chúng xen kẽ nhau, tiến công vào xã hội mới của thành phố. Có người hoang mang, có người thất vọng, có người ra đi, và cũng không ít người ngã gục trước những cái bê bối tất yếu ấy. Thật đáng tiếc! Tù đày, tra tấn. Họ vẫn không từ bỏ lý tưởng. Cụt mất một bàn chân, hoặc một cánh tay, họ vẫn không từ bỏ lý tưởng. Mù một con mắt vì chất độc hóa học của Mỹ, họ vẫn không từ bỏ lý tưởng. Nhưng năm năm sống ở thành phố, không ít người ngã quỵ trước một cám dỗ thấp kém, tầm thường. Họ bị một “viên đạn bọc vàng”.

Cũng có người cho rằng chủ nghĩa xã hội đồng nghĩa với nghèo nàn và lạc hậu. Nếu ta nghi ngờ, không tin tưởng thì hóa ra những công sức của thành phố ta trong 5 năm qua lại vô ích hay sao?

Năm năm trôi qua, thành phố đón nhận không biết bao nhiêu cái tốt, cái đẹp, cái mới...

Hằng ngày, hằng giờ, thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện biết bao cái đẹp trong chi tiết của cuộc sống. Một con đường được lót gạch lại, một bức tường được quét vôi, một ô cửa sổ được sơn màu sơn mới, một cửa hàng sách báo, một nhà trẻ… lần lượt xuất hiện…

Tất nhiên, cái chúng ta cần hơn, cái chúng ta đang mong muốn hơn không phải chỉ như thế. Chúng ta đòi hỏi có những năng suất lao động cao hơn, đòi hỏi những kế hoạch và cách quản lý xã hội hay hơn… Chúng ta muốn đời sống của mỗi người ở thành phố này có đủ sữa cho trẻ em. Chúng ta muốn tất cả những trẻ em nghèo đều cắp sách đến trường. Chúng ta muốn không còn gia đình nào phải sống trong những căn nhà tăm tối, chật vật, ao tù, nước đọng. Chúng ta muốn lương một cán bộ công nhân viên có thể tạm đủ nuôi vợ con, chúng ta mong muốn sự công bằng. Chúng ta muốn một ngày nào đó không còn những cán bộ, hà hiếp, hạch sách, ăn hối lộ nhân dân… Nghĩa là chúng ta mong muốn rất nhiều. Nhưng thực tế trong những năm qua chưa có một 30 tháng 4 trong kinh tế, văn hóa.

Buổi đầu thành phố đang mở đường đi lên, chúng ta chưa thể đòi hỏi có ngay được những đỉnh cao của một xã hội mới.

Nhưng đã đến lúc cuộc sống thúc bách chúng ta, đã đến lúc tự lòng mỗi người thấy cần phải gắn bó với sự nghiệp chung để tìm ra cái hay, cái mới, cái đẹp cho thành phố bên bờ sông Bến Nghé này – thành phố Hồ Chí Minh.

Cẩm Thúy (giới thiệu)