Lãnh tụ Xôviết Stalin: Giai thoại với các văn nghệ sĩ
"Không nên chỉ trong một buổi tối lại ôm hôn tất cả các thành viên Bộ Chính trị. Anh nên để lại ai đó cho buổi tiệc sau."- Stalin.
Joseph Stalin và Maxim Gorky (năm 1931). (Ảnh: Eugene Zelenko).
Phải đoạt giải nhất
Một số người nói rằng, chuyện này xảy ra năm 1947, một số người khác lại bảo, năm 1951. Nếu chuyện xảy ra năm 1947 thì nhân vật liên quan là vua Leopold III của Bỉ, còn nếu xảy ra năm 1951 thì đó là vua Bỉ Baudoin I. Dù liên quan đến ai thì cũng không thể phủ nhận được tính hài hước của lãnh tụ Xôviết Stalin.
Khi đó, vua Bỉ mời nghệ sĩ vĩ cầm trẻ tuổi Leonid Kogan của Hội Khuyến nhạc Moskva cùng một số nghệ sĩ Xôviết khác tham gia cuộc thi vĩ cầm quốc tế. Lời phê của lãnh đạo Liên Xô trên tờ giấy mời này ghi: “Cho đi. Đoạt giải nhất. I. Stalin”.
Hãy bắt tay nhau
Câu chuyện này cũng được kể lại với những nhà văn khác nhau. Khi đó, giữa hai nhà văn danh giá nảy sinh mâu thuẫn lớn. Hay tin, Stalin mời cả hai vào Điện Kremli, đặt ngồi chung một bàn và nói:
- Người ta đồn rằng hai anh luôn luôn tranh luận, cãi cọ với nhau. Vì sự phát triển lành mạnh của nền văn học Xôviết, hai anh cần phải bắt tay nhau.
Hai nhà văn vẫn ngồi im. Stalin lại nói:
- Nào, hai anh!
Hai nhà văn vẫn không động đậy tay chân. Giọng lãnh đạo trở nên căng thẳng:
- Đồng chí Stalin yêu cầu hai anh đấy!
Thế là hai nhà văn cực chẳng đã phải đứng lên và bắt tay nhau. Stalin nói tiếp luôn:
- Không chỉ bắt tay, hãy hôn nhau hòa giải nào!
Hai nhà văn bất giác ôm lấy nhau và hôn nhau. Stalin bật cười:
-Thế mà tôi cứ tưởng hai anh tính nguyên tắc cao, không bao giờ đội trời chung với nhau!
Hai nhà văn cười gượng nhìn nhau và cảm thấy dễ chịu hẳn…
Không được hôn hết cả
Buổi tiệc mừng lễ hội trong Điện Kremli. Một khách mời, là nhà văn danh tiếng vào hàng bậc nhất, uống rượu vào hưng phấn nên lại gần chỗ Lazar Koganovich (Ủy viên BCT) và nồng nhiệt ôm hôn ông này. Rồi đại văn sĩ lại tới chỗ các thành viên BCT khác là Molotov, Mikoyan, Zhdanov… và cũng lại ôm hôn nồng nhiệt. Cuối cùng, nhà văn tới chỗ Stalin và cũng định làm như thế. Tuy nhiên, Stalin đã ngăn lại:
- Không nên chỉ trong một buổi tối lại ôm hôn tất cả các thành viên Bộ Chính trị. Anh nên để lại ai đó cho buổi tiệc sau.
Thế nhưng, nhà văn đó, dù rất danh giá, đã không được mời tới các buổi tiệc sau trong Điện Kremli.
Khi thư ký làm lãnh đạo
Có việc gấp nhưng Stalin không thể nào gọi được điện thoại cho các lãnh đạo Hội Nhà văn Liên Xô là A. Fadeyev và A. Surkov… Chỉ có thư ký riêng của họ cầm máy trả lời… Stalin thất vọng tự vấn thành lời:
- Tại sao đế chế La Mã bị sụp đổ?
Và ông tự trả lời:
- Đó là vì các thư ký lên nắm quyền điều hành!
Nhà văn bận sáng tác
Stalin hỏi Chủ tịch Hội Nhà văn Xôviết Fadeyev về việc, tại sao nhà văn S. Zlobin, tác giả của cuốn tiểu thuyết rất hay “Stefan Razin” lại không được đề cử vào giải thưởng văn học Stalin. Fadeyev đáp:
- Thưa, đó là vì Zlobin không chịu tham gia vào các hoạt động xã hội. Không thấy ông ấy có mặt trong cuộc họp nào cả.
Stalin nói:
- Cũng có thể, trong lúc các anh họp thì Zlobin bận viết thêm tác phẩm mới hay ho thì sao!
Rút ngắn thời hạn... uống rượu
Một lần, theo lệnh của Stalin lên gặp ông không phải là Chủ tịch Hội Nhà văn Liên Xô Fadeyev mà chỉ là Phó Chủ tịch N. Tikhonov. Vị Phó Chủ tịch lý giải là: “ Đồng chí Fadeyev đi săn và chưa về…”
Stalin tỏ ý không hài lòng: “Ở trên này có đồng chí Shvernik cũng thích đi săn. Nhưng đồng chí ấy đi vào thứ bảy, tới chủ nhật về nhà ngủ cho tỉnh rượu rồi thứ hai lại đi làm bình thường.”
Lần sau, việc tương tự lại tiếp diễn. Stalin đã hỏi thẳng Faeyev:
- Đồng chí đã biến đi đâu vậy?
Cũng phải công nhận rằng, tác giả của “Đội cận vệ trẻ” đã rất trung thực khi đáp:
- Dạ, tôi uống say quá…
Stalin hỏi:
- Mỗi trận rượu của đồng chí thường kéo dài mấy ngày?
- Khoảng mươi mười hai ngày ạ!
Stalin đánh giá cao tính trung thực của Fadeyev nhưng cũng không thể không hài hước nói:
-Thôi thì với tinh thần cộng sản, lần sau đồng chí cố gắng rút ngắn thời hạn uống rượu, chỉ hai ba ngày một trận thôi nhé!
Mừng hụt
Nhà hát kịch mang tên Stanislavsky ở Moskva hướng tới ngày sinh của Stalin đã dàn dựng vở “Thời thanh xuân của lãnh tụ” (kịch bản: G. Nakhutsrishvili, đạo diễn: M. Yanshin và YU. Malkovsky). Báo chí viết ầm ĩ về một tác phẩm kiệt xuất trong đời sống sân khấu. Những kẻ xu phụ náo nức chờ đón việc các nghệ sĩ được nhận giải thưởng Stalin. Và một hôm, đạo diễn Yanshin chạy vào sau cánh gà và nói: “Xin chúc mừng tất cả! Tôi vừa nhận được điện thoại báo là chúng ta sẽ được nhận giải thưởng. Ngày mai báo chí sẽ công bố danh sách!” Những người chiến sĩ trên mặt trận sân khấu mừng rỡ, náo nức và vay tiền của đạo diễn Yanshin để “rửa” giải thưởng trước. Tốn khá nhiều tiền rượu…
Sáng hôm sau, họ dậy sớm và mua báo Pravda. Trong danh sách những người được trao giải thưởng Stalin về sân khấu không có họ. Hóa ra là, tối hôm trước, cuối cùng thì Stalin cũng đọc kịch bản của vở diễn mà ông đã không kịp xem. Trong kịch bản đó vẽ nên bức tranh cao trào cách mạng do chàng trai 16 tuổi Soso Dzhugashvili (tên họ thật của Stalin) lãnh đạo. Stalin nổi cáu: “Khi tôi 16 tuổi, tôi nào có lãnh đạo gì, tôi chỉ là cậu bé nghịch ngợm, học hành không ra đâu vào đâu… Không được trao giải thưởng cho vở kịch giả dối này!”
Các nghệ sĩ tham gia vở diễn về sau phải mất khá nhiều thời gian mới góp đủ tiền để trả nợ cho đạo diễn Yanshin…
Không ai đùa cả
Quá nửa đêm, trong phòng làm việc của tổng biên tập báo Pravda, D. Shepilov, bỗng vang lên tiếng chuông điện thoại. Đang bận duyệt bài tối mắt tối mũi, Shepilov vớ lấy ống nghe:
- Tôi nghe đây, ai thế?
- Stalin đây!
- Stalin quái quỉ gì! Tôi không có thời gian để đùa đâu nhé!
Tổng biên tập văng thêm mấy câu nữa. Và nghe thấy đầu dây bên kia nói:
- Stalin thật mà. Tôi cũng không có thời gian để đùa đâu!
Đến phút ấy Shepilov mới sực nhìn ra là mình đang nắm ống nghe từ đường dây điện thoại nối với Điện Kremli.
Suốt mấy ngày sau, Shepilov đi làm việc trong tâm trạng luôn sẵn sàng bị mất chức…
Tự yêu điểm yếu
NSND B. Livanov đạt được đỉnh vinh quang, một cách rất xứng đáng. Ông được trao nhiều huân huy chương và danh hiệu, năm lần được nhận giải thưởng Stlain. Thế nhưng, ông lại không làm đơn xin gia nhập đảng. Một lần gặp gỡ, Stalin đã hỏi nghệ sĩ rằng, tại sao ông lại không thử vào đảng?
Livanov đáp:
- Thưa đồng chí Stalin, thực sự thì tôi rất thích những điểm yếu của tôi.
Tầm cỡ người nói đùa là câu chuyện đùa, tầm cỡ người nghe nói đùa là phản ứng trước câu chuyện đùa đó. Stalin đã bật cười khi nghe Livanov đáp như vậy. Và từ đó về sau không bao giờ đề cập tới câu chuyện này nữa. Những lãnh tụ Xôviết tiếp theo như Khrushchev và Brezhnev thì đã không chỉ một lần nói chuyện này với Livanov. Nhưng rốt cuộc là nghệ sĩ vẫn không làm đơn…
Thơ phải đượm buồn
Demyan Bednyi là một nhà thơ vô sản nổi tiếng. Trong những năm nội chiến, ông đặc biệt được tung hô nhờ những bài thơ châm biếm và những khúc sáng tác kiểu dân gian hào sảng. Những năm 20, nhà thơ tuyên truyền viên vẫn tiếp tục sáng tác theo tinh thần đó và danh giá đến mức nhiều nhà máy, xí nghiệp, thậm chí cả những thành phố được đặt tên ông. Stalin cũng rất sủng ái Bednyi, đến mức dành cả một tòa biệt thự trên đại lộ Raozhdestvensky cho nhà thơ làm thư viện riêng.
Tuy nhiên, vì được yêu chiều quá nên tới những năm 30, Bednyi trở nên chủ quan, kiêu ngạo và bày đặt làm thầy ở cả những lĩnh vực mà ông không có chuyên môn. Thậm chí ông còn bị huyễn hoặc đến mức gửi thư cho Stalin kêu ca về chuyện ngành đường sắt không dành cho ông toa tàu riêng nữa. Rồi ông còn lớn tiếng ca ngợi tác phẩm đi ngược lại tinh thần chung… Và luôn coi ý kiến của mình là duy nhất đúng. Trước tình hình đó, thái độ của Stalin đối với Bednyi đã thay đổi hẳn. Bednyi đã bị thu thẻ đảng và khai trừ khỏi Hội Nhà văn Liên Xô…
Một lần gặp, Stalin đã hỏi Bednyi:
- Đồng chí biết tại sao thơ đồng chí không hay không?
Và tự trả lời:
- Đó là vì, thơ thì phải có nỗi buồn...
Nguyễn Trung Tín (biên dịch)