Chuyển đơn vị sự nghiệp sang trạng thái thị trường

Th. Mai 07/06/2017 20:12

Nhiều vấn đề liên quan tới tự chủ được Ban chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) thảo luận vào sáng 7/6 tại Trụ sở Chính phủ.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc.

Buổi làm việc do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì khi xem xét, đánh giá về đổi mới cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập của 4 bộ: Công Thương, NN&PTNT, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải.

Cũng như các buổi làm việc khác gần đây của Đoàn công tác Ban chỉ đạo Nhà nước với các bộ, ngành, địa phương buổi làm việc này sẽ phục vụ cho Chính phủ hoàn thiện Đề án Đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại ĐVSNCL trình Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương thảo luận vào tháng 10/2017, tìm ra quyết sách mới.

Quy hoạch mạng lưới ĐVSNCL không phải là không thay đổi được

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo cho biết việc đổi mới, sắp xếp lại ĐVSNCL không phải là cắt giảm cơ học số lượng đơn vị mà là xóa bỏ bất cập, cắt giảm lãng phí ngân sách nhà nước cấp phát cho việc thực hiện dịch vụ công, tinh giản biên chế và mục đích cuối cùng là nâng cao năng lực, hiệu lực và chất lượng trong cung ứng dịch vụ công.

Các bộ, ngành, địa phương cần phải phân loại các dịch vụ hành chính công mà Nhà nước phải trực tiếp thực hiện, dịch vụ nào ĐVSNCL đảm nhiệm và lĩnh vực nào có thể tiến tới giao cho tư nhân tham gia thực hiện.

Tới nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy hoạch mạng lưới ĐVSNCL thuộc một số bộ, ngành. Phó Thủ tướng cho rằng trong hoàn cảnh mới, Quy hoạch này không phải là bất biến. Sau khi Trung ương ra nghị quyết về lĩnh vực này thì các bộ phải rà soát lại mạnh mẽ hơn, đưa ra giải pháp phải đột phá hơn để tinh gọn lại bộ máy, biên chế đi kèm với tăng cường năng lực, chất lượng.

Bên cạnh đó, cần đánh giá lại cơ chế và mức độ tự chủ ĐVSNCL hiện nay trong từng lĩnh vực. “Tự chủ tài chính càng cao thì mới tự chủ được về biên chế, tổ chức. Không thể không tự chủ được về tài chính mà đòi trao quyền quá nhiều về xác định biên chế và tuyển dụng cán bộ, nhân viên”, Phó Thủ tướng nói.

Gắn liền với tự chủ tài chính, Trưởng Ban chỉ đạo đề nghị các bộ, ngành, địa phương làm rõ lộ trình chuyển từ phí sang giá dịch vụ công, tính đúng, tính đủ các yếu tố vào giá khi coi đây là điều kiện then chốt để chuyển sang xã hội hóa và tự chủ tài chính của ĐVSNCL.

Tuy nhiên, không phải đưa giá dịch vụ lên cao chót vót là tự chủ tài chính, điều này liên quan đến ngân sách nhà nước và khả năng chi trả người dân, đến yếu tố kiểm soát vĩ mô. Không phải đơn vị nào cũng xã hội hóa như các viện nghiên cứu khoa học cơ bản, trường nào cũng có thể tự chủ tài chính ví dụ như các trường nghệ thuật.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan, chuyên gia thảo luận phương thức chi trả của nhà nước hiệu quả qua các phương thức cấp phát, đấu thầu- đặt hàng dịch vụ công; mô hình quản lý về mặt nhà nước đối với ĐVSNCL?

Quang cảnh buổi làm việc.

ĐVSNCL vẫn nửa bao cấp, nửa theo thị trường

Theo báo cáo từ các bộ, Bộ GTVT quản lý 68 ĐVSNCL, trong đó 20 đơn vị tự chủ được thi thường xuyên, 42 đơn vị bảo đảm được 1 phần chi thường xuyên (khoảng 30- 70%), nhà nước bảo đảm 100% chi phí chi thường xuyên cho 6 đơn vị (ở lĩnh vực giám định y khoa, bảo vệ sức khỏe môi trường,...).

Bộ GTVT đã rút gọn từ 15 Ban quản lý dự án xuống còn 8 Ban ở các khối cầu đường, đường sắt, hàng hải, đường bộ, đường thủy nội địa,…

“Số ban này là tối thiểu không thể giảm hơn được nữa”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết. Về cắt giảm chi phí chi thường xuyên, ông Trường cho biết do liên quan tới đời sống cán bộ nhân viên nên khó xử lý, khó bảo đảm nền hành chính hiệu quả.

Ở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết Bộ đang quản lý 67 ĐVSNCL với 15.421 lao động, giảm 1.324 người so với năm 2011. Trong số này có 3 đơn vị tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư, 5 đơn vị tự chủ chi thường xuyên.

Tới năm 2020, Bộ Công Thương sẽ kiện toàn lại hệ thống ĐVSNCL theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch mạng lưới ĐVSNCL với khoảng 4% đơn vị bảo đảm chi thường xuyên và chuyển sang mô hình doanh nghiệp và tăng dần cấp độ bảo đảm tài chính theo các năm sau.

Trong khi đó Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết số đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý là 70, trong đó có 2 đơn vị tự chủ chi thường xuyên, 67 đơn vị tự chủ một phần chi thường xuyên, 1 đơn vị do ngân sách đảm bảo chi. Trong tổ chức bộ máy ĐVSNCL thì các cấp Trưởng, Phó đơn vị nên cho hưởng chế độ công chức, còn lại người lao động có thể ký hợp đồng.

Còn Bộ Tài nguyên và Môi trường có 67% đơn vị thuộc Bộ bảo đảm chi thường xuyên, chiếm hơn 70% tổng số ĐVSNCL.

Bộ TN&MT cũng đẩy mạnh giảm các đầu mối trực thuộc ở cấp huyện đối với Văn phòng đăng ký sử dụng đất đai và Trung tâm phát triển Quỹ đất.

Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Bùi Văn Thạch nhận định bước chuyển của các ĐVSNCL vẫn đang lơ lửng, nửa bao cấp, nửa thị trường, chưa rõ ràng. Vì thế, biên chế của khu vực sự nghiệp quá lớn, tới 2,2 triệu người.

Đây là lý do đề án cải cách tiền lương không thực hiện được vì không có nguồn. Cần đặt các ĐVSNCL sang “trạng thái” thị trường ở mức độ nhất định. Những dịch vụ công thuộc lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, đặc thù thì nhà nước phải lo, còn lại, cơ bản phải chuyển sang cơ chế thị trường.

Nặng nề hơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Ngô Đông Hải thì cho rằng hơn 30 năm đổi mới nhưng hệ thống ĐVSNCL gần như giữ nguyên như thời bao cấp, chỉ có “đẻ” thêm làm nặng gánh nhà nước chứ không phải tinh giản gọn nhẹ và hiệu quả hơn.

Ông Hải đặt vấn đề “tự chủ” thì Chính phủ nên quan tâm nhiều đến thay đổi quản lý và hiệu quả hoạt động, không phải tự chủ gắn với khái niệm tự lo lương, lo tiền, mà đảm bảo được tài chính thì được tăng thêm quyền về nhân sự, bộ máy, chuyên môn hoạt động.

Ông Ngô Đông Hải đặt vấn đề giảm chi thường xuyên không có nghĩa là giảm đầu tư cho khu vực đó, mà là giảm chi từ ngân sách nhà nước nhưng tăng chi từ các nguồn đầu tư của xã hội,...

Theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP thì đơn vị sự nghiệp công lập được cơ quan có thẩm quyền xem xét để xếp vào 1 trong 4 mức độ tự chủ tài chính:

- Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư;
- Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên;
- Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên;
- Đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

Th. Mai