Xử lý nợ xấu từ gốc
Ngày 7-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng. Theo ý kiến đại biểu, việc ban hành nghị quyết mấu chốt là xử lý nợ xấu nhưng chỉ là xử lý nợ xấu đã phát sinh. Như vậy mới xử lý phần ngọn, chưa chỉ rõ về nguyên nhân gây ra nợ xấu; tổ chức, cá nhân nào gây ra nợ xấu. Phải xác định đúng nguyên nhân mới có giải pháp triệt để.
ĐBQH Hoàng Thị Thu Trang phát biểu tại Hội trường Ảnh: Quốc Anh.
10 đồng cho vay, 1 đồng biến thành nợ xấu
ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) chỉ rõ, tỷ lệ nợ xấu có thể là 10,08%, điều này có nghĩa là cứ 10 đồng cho vay thì 1 đồng đã biến thành nợ xấu, là “cục máu đông” không có tác dụng nuôi dưỡng nền kinh tế.
Do vậy theo ông cần thiết phải ban hành ngay một nghị quyết riêng để xử lý nợ xấu, để cắt bỏ “cục máu đông” nhằm khơi thông dòng chảy tiền tệ trong nền kinh tế.
Đưa ra dẫn chứng thống kê cho thấy trong 611.000 tỷ đồng nợ xấu được giải quyết thì các tổ chức tín dụng bán 92% còn VAMC chỉ bán được 50.000 tỷ tức là 8%, ông Cường cho rằng, phải thực hiện chứng khoán hóa những khoản nợ xấu mà VAMC đã mua được. Đây chính là cơ sở quan trọng để ra đời và phát triển các thị trường thế chấp thứ cấp trong tương lai.
Theo ĐB Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị), nợ xấu phát sinh có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Thời gian qua, có tổ chức, cá nhân đã gian dối, cố ý làm trái, thậm chí lừa đảo trong việc lập hồ sơ vay vốn.
Trong một số vụ việc còn có sự tiếp tay của cán bộ ngân hàng, tín dụng dẫn đến nợ xấu. Cho nên cần phải quy định, xử lý thật nghiêm các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật, tránh việc hợp thức hóa sai phạm do chủ quan, cố ý gây ra.
Nhiều năm qua nợ xấu không được xử lý kịp thời dẫn đến nợ xấu đã chồng chất thành đống rất to. Dẫn chứng một số ngân hàng đang là con tin của các con nợ lớn, ông Sinh cho rằng, nền kinh tế của chúng ta hiện nay đang phụ thuộc và nguồn vốn của các tổ chức tín dụng ngân hàng.
Vì vậy để phát triển nền kinh tế cả hệ thống chính trị cần phải kịp thời vào cuộc để ra tay xử lý triệt để nợ xấu, giải cứu hệ thống tổ chức tín dụng cũng là cứu cánh cho nền kinh tế của chúng ta.
“Phải nghiêm trị đối với các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm lừa đảo, lộng hành, thao túng gây hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế và dân tộc chúng ta, để lập lại trật tự kỷ cương, làm lành mạnh thị trường tiền, tệ tài chính của quốc gia”- ông Sinh nêu quan điểm.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) cho rằng, phát triển thị trường mua bán nợ là rất cần thiết trong việc xử lý nợ xấu. Do vậy những quy định cần thiết để tạo điều kiện phát triển thị trường mua bán nợ rất cần thiết, trong đó quy định cho phép tổ chức tín dụng VAMC được bán khoản nợ tài sản đảm bảo theo giá thị trường và VAMC được bán nợ cho mọi tổ chức, cá nhân bao gồm cả pháp nhân, cá nhân không có chức năng mua bán nợ là hai điều rất quan trọng giúp tháo gỡ nút thắt hiện nay trong xử lý nợ xấu đã mua của VAMC.
“Về nguyên tắc đã có vay phải có trả, nhưng pháp luật hiện hành chưa hoàn toàn đảm bảo được quyền chủ nợ chính đáng, hợp pháp của tổ chức tín dụng VAMC. Đây là nguyên nhân khiến nợ xấu chưa được xử lý triệt để. Chính vì vậy, để đảm bảo cho tính ưu việt, ngành ngân hàng nên tính một phần dự phòng rủi ro để xây dựng một khu nhà ở xã hội dành cho sau công việc thu hồi nợ và phát mại tài sản cho những khách hàng không đủ điều kiện có nơi ăn, chốn ở trong thời gian nhất định”- ông Thân cho hay.
Xử lý những tổ chức, cá nhân vì chủ quan mà gây ra nợ xấu
Theo ĐB Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) cho đến nay đề án xử lý nợ xấu cũng đã xử lý được khoảng trên 50%, còn lại gần 50% chưa xử lý được và gần 50% nợ xấu đang cần phải có một cơ chế đặc thù để xử lý nhanh, dứt điểm như tinh thần Nghị quyết Trung ương V, khóa XII.
Việc ban hành nghị quyết mấu chốt là xử lý nợ xấu nhưng chỉ là xử lý nợ xấu đã phát sinh, như vậy ta mới xử lý phần ngọn nghị quyết, chưa chỉ rõ về nguyên nhân gây ra nợ xấu, tổ chức, cá nhân nào gây ra nợ xấu.
Để xử lý nợ xấu tận gốc, ông Diến cho rằng, Nghị quyết cần bổ sung nguyên nhân gây ra nợ xấu để xử lý tận gốc. Đây là vấn đề dư luận và cử tri, người dân rất quan tâm.
Những tổ chức, cá nhân gây ra nợ xấu nhưng Nhà nước lại mất nhiều tiền, thời gian, công sức để đi xử lý nợ xấu. Vì vậy, nghị quyết cần có những quy định cụ thể, rõ ràng việc xử lý những tổ chức, cá nhân gây ra nợ xấu.
Phải xác định rõ nguyên nhân mới có giải pháp triệt để. Thực tiễn hiện nay có nhiều khoản cho vay vượt quá giá trị của tài sản đảm bảo nhiều lần, nhiều khoản cho vay biết trước không thể thu nợ được nhưng vì những lý do khác nhau, tổ chức tín dụng vẫn cho vay.
“Nghị quyết cần phải tìm nguyên nhân và có giải pháp xử lý tận gốc, xử lý những tổ chức, cá nhân vì chủ quan mà gây ra nợ xấu mới hy vọng hạn chế được nợ xấu. Vấn đề các vụ án về tín dụng của các tổ chức tín dụng trong thời gian vừa qua cũng đã minh chứng điều này. Do đó cần xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức tín dụng để xảy ra nợ xấu. Do đó cần phải bổ sung, xác định nguyên nhân để xảy ra nợ xấu để xử lý triệt để”- ông Diến nói.
“Sự quan tâm của toàn xã hội với một số vụ đại án trăm tỷ, ngàn tỷ đã đưa ra xét xử lộ rõ quan chức của các tổ chức tín dụng gây ra. Liệu còn những vụ tương tự chưa bị lộ và mối liên hệ với các dự án ngàn tỷ đang hoang tàn, vất vưởng, xót xa gây bất bình trong nhân dân hiện nay?
Tỷ lệ nợ xấu và tiềm ẩn chuyển sang nợ xấu báo cáo trước Quốc hội đã chính xác chưa, đã thực chất chưa, hay còn giấu, còn trốn ở đâu nữa không? Cần phải minh bạch đến thời điểm 31/12/2016, không để xảy ra trường hợp khi nghị quyết đã thông qua có phát sinh lớn, đặc biệt các ngân hàng có vốn nhà nước lớn cho vay lớn, phạm vi rộng thì nợ xấu chỉ tăng thêm 1%, nhưng giá trị tuyệt đối có thể bằng hàng chục % các ngân hàng cổ phần khác”- ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) đặt vấn đề.
Và theo ông, phải nhận dạng, chỉ rõ tổ chức tín dụng nào có tỷ lệ nợ xấu và số tuyệt đối cao nhất đánh giá xếp theo thứ tự để có giải pháp phù hợp, đồng thời phải làm rõ trách nhiệm chủ quan trong từng giai đoạn của ban lãnh đạo, cá nhân lãnh đạo, nếu không làm rõ trách nhiệm từng giai đoạn vô hình trung đã tạo ra điều kiện để phủi trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm và miễn trừ trách nhiệm, thậm chí bỏ lọt tội phạm trong lĩnh vực này.
Nói như ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) thì, cần xác định làm rõ quyền của tổ chức tín dụng trong việc xác định tài sản thế chấp. Đây là nút thắt quan trọng nhất trong xử lý nợ xấu. Không để tổ chức tín dụng cho vay rồi lại phải mất thời gian đòi nợ và cam kết, phải liên hệ hợp tác rồi phải ra tòa án để xử lý thì không được.
ĐBQH Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị): Phải nghiêm trị đối với các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm lừa đảo, lộng hành, thao túng gây hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế và dân tộc chúng ta, để lập lại trật tự kỷ cương, làm lành mạnh thị trường tiền tệ, tài chính của quốc gia. ĐBQH Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa): Nghị quyết cần phải tìm nguyên nhân và có giải pháp xử lý tận gốc, xử lý những tổ chức, cá nhân vì chủ quan mà gây ra nợ xấu mới hy vọng hạn chế được nợ xấu. |