Thông qua Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018

A.Tú 08/06/2017 17:14

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, chiều 8/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 với 437 đại biểu tán thành chiếm 89% tổng số đại biểu Quốc hội.

Các đại biểu Quốc hội nhấn nút thông qua Nghị quyết. Ảnh: Hoàng Anh.

Trình bày Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, trong các ngày 23 và 31/ 5/2017, Quốc hội đã thảo luận ở Tổ và Hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.

Hầu hết các ý kiến tán thành với nội dung Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo Nghị quyết. Đồng thời, Quốc hội cũng đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, cụ thể, trách nhiệm trên nhiều mặt, nhằm đề cao kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật, đề xuất nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng và bảo đảm đúng tiến độ xây dựng luật, pháp lệnh.

Ngay sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phối hợp với Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Cụ thể:

Về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định, tại kỳ họp thứ 3 sẽ bổ sung 3 dự án vào Chương trình kỳ họp; lùi thời gian trình Quốc hội cho ý kiến 2 dự án luật, đưa ra khỏi Chương trình 2 dự án luật .

Tại kỳ họp thứ 4, bổ sung 3 dự án luật vào Chương trình kỳ họp. Đối với đề nghị cần xem xét, thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp tại kỳ họp thứ 4 theo quy trình tại một kỳ họp Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị vấn đề này khi xem xét cụ thể về từng dự án, căn cứ vào nội dung và chất lượng chuẩn bị, Quốc hội sẽ quyết định. Trường hợp dự án được chuẩn bị tốt, được đại biểu Quốc hội đồng thuận cao thì Quốc hội có thể quyết định thông qua ngay tại một kỳ họp.

Về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, do đây là năm đầu tiên thực hiện lập Chương trình theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 với nhiều yêu cầu mới về việc chuẩn bị hồ sơ, cách thức, trình tự, thủ tục lập Chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan phối hợp chuẩn bị chặt chẽ, nghiêm túc trong suốt quá trình lập Chương trình.

Các Hồ sơ tài liệu được chuẩn bị đầy đủ, công phu; cùng với Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo Nghị quyết còn có 1.288 trang tài liệu về từng đề xuất xây dựng luật kèm theo được gửi sớm đến các vị đại biểu Quốc hội qua trang eOffice của Quốc hội theo đúng quy định tại Điều 46 và Điều 48 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Xuất phát từ tính cấp thiết và thực tế chuẩn bị của các cơ quan soạn thảo, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh thời gian trình, thông qua đối với 4 dự án như sau:

Dự án Luật An ninh mạng: Chuyển từ Chương trình thông qua tại kỳ họp thứ 6 lên Chương trình thông qua tại kỳ họp thứ 5;

Dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước: Chuyển từ Chương trình thông qua tại kỳ họp thứ 5 xuống Chương trình thông qua tại kỳ họp thứ 6;

Dự án Luật Cảnh sát biển: Chuyển từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 lên Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6;

Dự án Luật Công an xã: Chuyển từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, thông qua tại kỳ họp thứ 6 xuống Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6.

Sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Điều 2 của dự thảo Nghị quyết được chỉnh lý còn 23 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết; đồng thời, quy định theo hướng mở, cho phép bổ sung những dự án chưa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp trước vào Chương trình kỳ họp sau theo quyết định của Quốc hội.

Tiếp thu nghiêm túc ý kiến của đại biểu Quốc hội, ngay sau kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ tổ chức Hội nghị chuyên đề về xây dựng pháp luật với sự tham gia của các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức có liên quan bàn sâu về các giải pháp triển khai thực hiện Chương trình và báo cáo kết quả với Quốc hội.

A.Tú