Cử tri Anh bỏ phiếu bầu Thủ tướng mới
Sau một năm trải qua thời điểm được cho là biến động nhất trong lịch sử chính trị, kỳ tổng tuyển cử ở nước Anh lại một lần nữa được tổ chức trong hôm 8/6, khi 40.000 điểm bầu cử trên khắp đất nước này mở cửa để người dân bỏ phiếu lựa chọn vị lãnh đạo mới sẽ dẫn dắt họ qua thời kỳ khó khăn.
Lãnh đạo đảng Bảo thủ Theresa May cùng chồng Philip tại điểm bỏ phiếu
ở Maidenhead hôm 8/6. (Nguồn: Reuters).
Chỉ chưa đầy 1 năm kể từ khi nước Anh tổ chức trưng cầu dân ý để rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và chỉ 11 ngày trước khi các vòng đàm phán về điều khoản cuộc “ly hôn” này bắt đầu, cuộc bầu cử sớm được Thủ tướng Anh Theresa May kêu gọi với mục đích đảm bảo quá tình đàm phán Brexit đã được tổ chức.
Tuy nhiên, bóng đen về cuộc ly hôn giữa Anh và EU dường như đã tạm lắng lại trong những tuần gần đây sau khi hàng loạt vụ tấn công khủng bố xảy ra ở Manchester và thủ đô London, khiến chiến dịch tranh cử phải tạm ngừng sau cả hai sự kiện trên. Thay vào đó, các nhân tố khác như nền kinh tế, dịch vụ chăm sóc y tế và an ninh quốc gia đã trỗi dậy để trở thành tâm điểm bàn luận.
Hơn 46 triệu người dân Anh được xem là cử tri hợp lệ trong cuộc bỏ phiếu lớn thứ tư diễn ra ở Liên hiệp Vương quốc Anh (UK) chỉ trong vòng 3 năm qua, tiếp nối sau cuộc trưng cầu đòi tách khỏi UK của Scotland năm 2014, tổng tuyển cử năm 2015 và cuộc trưng cầu Brexit tổ chức năm 2016 - đó là chưa kể các cuộc bầu cử địa phương diễn ra trong năm 2014, 2015 và 2017.
Các điểm bỏ phiếu sẽ đồng loạt đóng cửa vào lúc 22h00 ngày 8/6 (giờ Anh) và kết quả đầu tiên dự kiến sẽ được công bố chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ sau khi quá trình bỏ phiếu kết thúc.
Trong khi cả đảng Bảo thủ và Công đảng do ông Jeremy Corbyn lãnh đạo, đã cam kết sẽ theo đuổi Brexit, thì mỗi đảng lại có một tầm nhìn khác nhau về cách thức mà nước Anh nên rời khỏi EU.
Cái gọi là Brexit “cứng rắn” sẽ chứng kiến UK rời khỏi thị trường đơn của EU - vốn là cơ chế đảm bảo dòng di chuyển của hàng hóa, dịch vụ và người dân trong khối. Ngược lại, hướng đi gọi là Brexit “mềm” sẽ vẫn chứng kiến Anh rời khỏi EU nhưng chính phủ sẽ tìm cách duy trì vị trí trong thị trường đơn EU đồng thời cho phép tự do di chuyển ở một mức độ nào đó.
Ngoài các bất đồng về cách thức thực hiện Brexit ra thì cả hai đảng này cũng đang tranh luận gay gắt về việc viết lại vô số các điều luật ở nước Anh vốn đã được EU quy định trước đây.
Khó dự đoán
Trong hôm 8/6, cử tri đến từ tất cả 650 khu vực bầu cử trên khắp nước Anh, xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland đã đi bỏ phiếu để lựa chọn ra các thành viên Quốc hội từ hơn 3.300 ứng viên trên khắp UK.
Trong hệ thống hiện hành của UK, Thủ tướng là lãnh đạo của đảng mà có khả năng hình thành nên một chính phủ, có nghĩa rằng họ cần phải có sự ủng hộ của phần lớn các thành viên của Hạ viện - khoảng 326 ghế. Và hiện chỉ có duy nhất 2 người thực sự có khả năng để trở thành tân Thủ tướng Anh nếu xét theo tiêu chí này: Bà Theresa May và lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn.
Trước ngày bầu cử, bà May đã giành được 12 ghế, từ chiến thắng trong năm 2015 sau khi Thủ tướng David Cameron từ chức. Nếu bà tiếp tục duy trì và củng cố thêm số ghế có sẵn này, bà sẽ trở thành tân Thủ tướng, nhưng nếu để mất ghế thì ngay cả vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ hiện tại của bà cũng có thể bị ảnh hưởng.
Trong trường hợp không có đảng nào giành được đa số ghế trong Hạ viện, nước Anh sẽ lâm vào tình trạng gọi là “Quốc hội treo”. Tuy nhiên kể từ năm 1970 đến nay thì tình trạng này chưa từng xảy ra. Từ trước đến nay, hai đảng lớn nhất ở Anh - đảng Bảo thủ và Công đảng - đã thống trị trong các cuộc bầu cử..
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, một sự rạn nứt trong cộng đồng những đảng viên trung thành đã khiến mọi chuyện trở nên khó đoán hơn rất nhiều. Năm 2010, đảng Bảo thủ đã để thiếu mất 20 ghế để thành lập được nhóm đa số và bởi vậy mà buộc phải hình thành một chính phủ liên minh với đảng Dân chủ Tự do.
Quyết định đó được đưa ra sau khi các vòng đàm phán giữa Công đảng và đảng Dân chủ Tự do đổ vỡ, cho thấy việc hai đảng có thể hợp tác với nhau để thành lập chính phủ liên minh khó khăn như thế nào, và điều này càng khó hơn trong kỳ tổng tuyển cử ở Anh năm nay.
Trong số 7 đảng đang tham gia kỳ bầu cử này, có 2 đảng - gồm Bảo thủ và UKIP - là thuộc cánh hữu, đảng Dân chủ Tự do thuộc đường lối ôn hòa, và 4 đảng còn lại - gồm Công đảng, đảng Xanh, Plaid Cymru, SNP - là theo cánh tả. Trong số này có hai đảng đại diện cho xứ Wales và Scotland là mang chủ nghĩa dân tộc.
Do sự đa dạng của các đảng tham gia bầu cử nên các vòng đàm phán sẽ trở nên rất khó khăn; ví dụ như SNP đang tìm cách tổ chức một cuộc trưng cầu tách khỏi UK lần thứ hai. Bởi vậy, dù có kết quả, có khả năng người ta sẽ phải chờ đợi các đảng nước Anh đàm phán một thời gian mới có thể thành lập được chính phủ mới.