Nghịch lý thực phẩm sạch
Trong khi người tiêu dùng hàng ngày hàng giờ đang lo lắng với vấn nạn thực phẩm bẩn, thì có một thực tế đang diễn ra là thực phẩm sạch phần lớn lại được xuất ra nước ngoài.
Doanh nghiệp chú trọng sản xuất sạch để xuất khẩu.
Theo nhiều DN, làm thực phẩm sạch để bán ở thị trường trong nước đang phải cạnh tranh với vô số loại thực phẩm bẩn thẩm lậu từ ngoài vào, do đó có khi xuất ra nước ngoài còn đơn giản hơn. Từ lý do này, người tiêu dùng trong nước luôn phải gánh chịu thiệt thòi từ nghịch lý này.
Hàng sạch… chỉ để xuất khẩu
Theo chia sẻ của các hộ trồng vải thiều ở Lục Ngạn, Bắc Giang, để trồng được một vụ vải sạch theo tiêu chuẩn của VietGap và được chứng nhận đủ xuất xứ, người nông dân phải tuân thủ các khâu bắt đầu từ sản xuất đến thu hoạch. Tổng chi phí cho quy trình này theo tính toán bao giờ cũng cao hơn các sản phẩm cùng loại không cùng tiêu chuẩn. Chính vì vậy, vải đạt tiêu chuẩn VietGap bán ra giá thành bao giờ cũng cao hơn. “Dù giá thành hơn bình thường nhưng đó là mức giá hợp lý để người trồng còn có lãi và có thể tiếp tục sản xuất ở các mùa vụ tiếp theo. Người tiêu dùng muốn ăn thực phẩm sạch, chắc chắn phải bỏ ra một số tiền lớn hơn thực phẩm không theo tiêu chuẩn, đó là một điều hiển nhiên” – bà Hoàng Thị Loan, chủ một trang trại vải thiều ở Lục Ngạn chia sẻ. Tương tự, chủ một vườn xoài ở Đồng Nai cũng cho biết, ông đã được DN đặt hàng để đến vụ thu hoạch, xoài sẽ được DN thu mua và xuất khẩu đi một số nước trên thế giới. Song, tất cả các khâu từ đầu đến cuối, bón phân, tưới tắm… đều phải tuân thủ các kỹ thuật rất chặt chẽ và có sự giám sát của DN. Không phải mình thích trồng, thích chăm gì cũng được…
Thực tế, những hộ nông dân trồng cây theo tiêu chuẩn VietGap hiện nay chưa nhiều và đây cũng là nguyên nhân để thực phẩm bẩn vẫn chiếm ngôi trên thị trường tiêu dùng nước nhà. Số ít DN, nhà sản xuất quan tâm đến thị trường trong nước do đầu vào họ phải bỏ ra cao để sản xuất được thực phẩm sạch, song khi sản phẩm bán ra thị trường thì không thể cạnh tranh được với các sản phẩm nhập lậu rẻ tiền hơn.
Theo bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc makerting, công ty cổ phần ĐTK, chuyên về thực phẩm sạch, trong ngành nông nghiệp, muốn sản xuất sạch, DN phải đầu tư rất lớn. “Chăn nuôi hay trồng trọt theo quy trình sạch theo kiểu “có chứng nhận”, chi phí lớn hơn nhiều, dẫn đến chi phí sản xuất cũng tăng lên, đẩy giá thành lên cao. Trong khi tâm lý của người tiêu dùng vẫn thích những sản phẩm vừa ngon vừa rẻ. Nhưng rẻ thế thì sản xuất sạch lại không làm được. Đó là lý do mà nhiều DN e dè trong việc sản xuất sạch, và nếu có thì sẽ tìm cách xuất khẩu vì chỉ xuất khẩu họ mới có lãi. Còn với tâm lý bán mua và giá thành hiện nay thì thực phẩm sạch khó có thể cạnh tranh đứng được ở thị trường trong nước” – bà Trang chia sẻ.
Thay đổi tư duy mới hết vấn nạn
Theo đánh giá của giới chuyên gia ngành nông nghiệp, hiện có khá nhiều DN chăn nuôi đã sản xuất ra thịt gà sạch, thịt heo sạch song họ làm thực phẩm sạch với mục đích để xuất khẩu chứ không tiêu thụ ở thị trường nội địa. Và thực tế, không chỉ thịt gà, thịt lợn, các sản phẩm thủy sản như cá tra, tôm, cá ba sa… cũng phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm mới được xuất ra các thị trường trên thế giới. Do đó, thị trường nội địa vẫn phải “hứng” các sản phẩm nhiễm bẩn. Điều này cũng có nghĩa, chúng ta chỉ chú trọng xuất khẩu, còn thị trường trong nước thì… mặc kệ. Và như vậy, người tiêu dùng trong nước sẽ luôn luôn phải đối diện với vấn nạn thực phẩm bẩn.
Nhận định về thực tế chất lượng các sản phẩm nông sản hiện nay, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm, TP HCM cho rằng, căn bệnh mà chúng ta đang mắc phải hiện nay đó là, cái gì tốt thì xuất khẩu, còn không đủ “chuẩn” thì để lại nhà dùng. Nếu chúng ta không thay đổi ngay tư duy kiểu này, thì sẽ không bao giờ có thể loại bỏ được vấn nạn thực phẩm bẩn.
Tất nhiên, theo bà Lan, muốn thay đổi được tư duy “sạch xuất, bẩn để dùng”, bản thân chính mỗi người tiêu dùng cũng cần phải thay đổi nhận thức. Trong tiêu dùng cần phải chịu bỏ ra một số tiền lớn hơn để có thể mua được một sản phẩm sạch, an toàn. Còn nếu vẫn tư duy ưa đồ rẻ, thì chắc chắn, người tiêu dùng sẽ chỉ có thể mua được những sản phẩm chất lượng kém.