Sóc Trăng: Cây đu đủ cho thu nhập cao

T.Hoài 09/06/2017 14:05

Ngoài những cây là chủ lực của tỉnh Sóc Trăng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, người dân trên địa bàn huyện Kế Sách đang hướng đến trồng xen canh hoặc tận dụng những vùng đất ruộng chuyển sang đất trồng cây ăn trái, cây màu để trồng những cây ngắn ngày cho hiệu quả ổn định, trong đó có cây đu đủ.

Đu đủ dễ trồng, cho thu nhập cao.

Cây đu đủ được trồng chủ yếu ở các xã An Lạc Tây, An Mỹ, Nhơn Mỹ và một số xã khác của huyện Kế Sách với hai loại chủ yếu là đu đủ ruột đỏ và đu đủ ruột vàng. Đây là cây thuộc nhóm thu nhập cao, dễ trồng, năng suất ổn định từ 40 – 60 tấn/ha.

Giá bán đu đủ trong những năm gần đây tương đối ổn định, thấp nhấp là 4.000 đồng/kg, cao nhất khoảng 13.000 đồng/kg. Mỗi ha trồng đu đủ cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm.

Gia đình ông Nguyễn Văn Trường ở xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng trồng 6 công (6.000 m 2 ) đu đủ giống Hồng Phi ruột đỏ. Vào mùa thu hoạch như hiện nay, giá bán đu đủ tại vườn là 6.000 đồng/kg. Trừ chi phí, mỗi công đất trồng đu đủ, gia đình ông thu lãi khoảng 50 triệu đồng/năm.

Ông Trường cho biết, năm 1999, gia đình cũng đã có trồng đu đủ, sau đó chuyển sang trồng các loại cây trồng khác.

Mấy năm nay, gia đình trồng lại, hiện đu đủ đã cho thu hoạch hai năm. Ước năng suất trung bình mỗi năm đạt 10 tấn/công đu đủ. Gia đình trồng đạt nên đã mở rộng diện tích trồng từ 400 cây lên 18.000 cây như hiện nay”.

Theo người dân, để trồng đu đủ đạt hiệu quả kinh tế cần chú ý dọn dẹp đất kỹ trước khi trồng và chú ý khâu chăm sóc, phân bón, nước đầy đủ cho cây. Thông thường, cây đu đủ dễ mắc bệnh nhện đỏ làm sần đọt, lá nhăn, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng đòi hỏi người dân quan tâm theo dõi vườn cây để kịp thời phát hiện, chữa trị bệnh.

Ông Nguyễn Hoàng Nhu, trạm trưởng Trạm khuyến nông huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng chia sẻ, cây đu đủ mẫn cảm với các loại thuốc bảo vệ thực vật, nhất là các loại có nhũ dầu cao, nông dân nên hạn chế sử dụng. Bà con nên sử dụng nhiều phân hữu cơ hơn phân hóa học.

Các loại phân hữu cơ vi sinh khi bón cho cây đu đủ thì sẽ mang lại hiệu quả năng suất cao hơn.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp và người dân, đu đủ ruột vàng có giá bán cao hơn đu đủ ruột đỏ từ 2.000 đồng/kg trở lên. Nguyên nhân là do đu đủ ruột vàng có khả năng sinh trưởng mạnh, chống chịu được với sự biến động của điều kiện thời tiết bất lợi để phát triển tốt, đầu ra được hợp đồng bao tiêu do đó được người dân trên địa bàn ưu tiên chọn lựa để trồng.

Chị Huỳnh Hồng Tươi, thương lái huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng cho biết, buôn bán lâu năm nên mình biết đu đủ ruột vàng lúc nào giá cũng cao hơn đu đủ ruột đỏ.

Cây dễ trồng, dân mình chịu trồng nên hiệu quả cao. Đu đủ ruột vàng không giảm giá nhiều. Mình toàn nhập đu đủ ruột vàng, bán ở Sóc Trăng và đưa đi vựa ở Bạc Liêu, đu đủ ruột vàng có vị ngọt thanh, người dân rất ưa chuộng.

Với chi phí đầu tư khoảng 5 triệu đồng/công, đu đủ bán với mức 4.000 đồng/kg là người dân đã có lời. Diện tích trồng cây đu đủ chưa rộng rãi nên chưa có tình trạng dội chợ, ép giá xảy ra.

Đầu ra cho trái đu đủ ở huyện Kế Sách được thương lái vào thu mua tại vườn. Do đó, đu đủ là một trong những cây trồng cho hiệu quả kinh tế ổn định ở huyện Kế Sách.

Ông Vũ Bá Quan, Phó Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo người dân nên tìm hiểu thị trường để nắm bắt thị trường, thị hiếu trước khi gieo trồng.

T.Hoài