Tìm sức mạnh cho trụ đỡ nền kinh tế

Mai Loan-Việt Thắng 10/06/2017 06:00

Ngày 9/6, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016 và năm 2017. Đã có gần 100 ý kiến tham gia thảo luận trong một phiên toàn thể kéo dài hơn dự kiến. Nhiều ý kiến phát biểu tại hội trường đã bày tỏ đồng tình với việc Chính phủ quyết liệt giữ mục tiêu tăng trưởng là 6,7% năm 2017.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Để đạt mục tiêu tăng trưởng, giải pháp căn cơ là khơi dậy mọi tiềm năng và tận dụng mọi cơ hội để phát triển. Thêm vào đó, nhiều dự án đầu tư từ nguồn ngân sách cũng đang được đẩy nhanh tiến độ.

Là khách trong chính ngôi nhà của mình

Đó là vấn đề được ĐBQH Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nêu ra trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội. Nêu dẫn chứng cho thấy thị trường bán lẻ Việt Nam ngày càng hấp dẫn với tổng doanh thu năm 2016 là hơn 108 tỷ USD, tăng trưởng tốt dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Đại biểu nhấn mạnh: Tính đến nay đã có 3 tập đoàn nước ngoài tham gia sâu vào thị trường Việt và các DN FDI đang dần chiếm thế thượng phong trong thị phần bán lẻ ở Việt Nam, cả ở mạng lưới siêu thị và bán hàng trực tuyến. “Thị phần đó không ngừng tăng lên đáng để chúng ta suy nghĩ”- ĐB Phạm Trọng Nhân nhấn mạnh.

Việc hệ thống bán lẻ mất dần vào tay doanh nghiệp (DN) nước ngoài đã khiến các DN trong nước không dễ dàng cứu mình trước những người khổng lồ. “Một khi DN nước ngoài đã nắm được thị trường phân phối thì sản xuất trong nước chắc chắn sẽ chịu sự chi phối, sẽ phải tham gia vào chuỗi của họ, sẽ phải liên doanh, liên kết nếu không muốn phá sản. Đây có lẽ là mục tiêu họ hướng đến để thâu tóm DN Việt”- ĐB nhận định và cho rằng DN trong nước cần liên doanh, liên kết để cạnh tranh với “người khổng lồ”, để “không từ chủ nhà trở thành khách trong chính ngôi nhà của mình”.

Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao gặp khó

Cũng liên quan đến sự tồn tại của DN Việt, ĐBQH Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) lại nói đến cái khó của DN nông nghiệp công nghệ cao. ĐB cho rằng: Chúng ta xác định nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế nhưng thời gian qua trụ đỡ ấy yếu dần. Chúng ta phải giải cứu nông sản, dưa hấu, chuối thời gian gần đây lại đến thịt heo… Vì vậy cần phải tìm lại sức mạnh cho trụ đỡ của nền kinh tế.

Khắc phục tình trạng này phải hướng tới nông nghiệp công nghệ cao, nhưng đầu tư vào lĩnh vực này thì cần nhiều vốn và sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Đánh giá cao việc Chính phủ đã dành gói tín dụng 100 ngàn tỉ đồng cho vốn vay nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh nhưng ĐB Nguyễn Tuấn Anh không quên cho rằng, vẫn còn vướng quá nhiều thủ tục.

Vì thế, ĐB đề nghị, ngoài việc tiếp cận vốn cho DN cần lưu ý đến việc liên kết giải quyết việc làm cho nông dân; phân phối lợi ích giữa nông dân và DN; xác định tiêu chuẩn công nghệ cao phù hợp, kết nối giữa DN và ngân hàng. Và, nhất là “khuyến khích đầu tư cho DN khởi nghiệp đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao; tạo kênh thông tin cho DN cập nhật tình hình thị trường, đồng thời thường xuyên đánh giá đúng thị trường trong nước và quốc tế để tránh tình trạng đầu tư tràn lan, cung vượt cầu; được mùa rớt giá và được giá thì mất mùa, một trong những nguyên nhân gây ra nợ xấu của nền kinh tế”.

Cùng bày tỏ băn khoăn việc “điệp khúc được mùa mất giá” ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân nhất là khi DN “lật kèo” không mua sản phẩm của nông dân, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đề nghị: Nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong việc xây dựng mối liên kết với các tổ chức, DN để giúp người nông dân giải quyết đầu ra cho họ. ĐB cũng đề nghị Chính phủ đẩy mạnh hơn nữa tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp, hướng dẫn cụ thể hơn cho người nông dân về sản phẩm đáp ứng cho thị trường ngày nay; trong đó chú trọng xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt. Đặc biệt, ĐB đề nghị Nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong liên kết nhà khoa học- doanh nghiệp- nông dân và ngân hàng.

Về tình hình an toàn thực phẩm, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé cho rằng hiện đã rất bức xúc. “Chúng ta tuyên truyền cho người dân sản xuất rau quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; tuy nhiên, sản phẩm sạch ấy lại ít có mặt trên mâm cơm của người dân trong khi nhiều sản phẩm không an toàn lại len lỏi vào các siêu thị”- ĐB nói và lý giải thêm: Hành lang pháp luật như là cây gậy thần để khắc chế việc mất an toàn vệ sinh thực phẩm; nhưng nó lại chưa đủ sức răn đe.

ĐBQH Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) phát biểu tại Hội trường. Ảnh: Quốc Anh.

Không tăng trưởng bằng mọi giá

Dù giải pháp về cải cách thể chế đã được Bộ trưởng KHĐT nêu ra, nhưng ĐBQH Đỗ Thị Thu Hằng (Đồng Nai) vẫn chưa hết băn khoăn về vấn đề này dù rằng, Quốc hội, Chính phủ cùng các Bộ ngành đã quyết liệt và đầy trách nhiệm trong cải cách thể chế. Theo ĐB đoàn Đồng Nai, kỳ vọng lớn nhất của cộng đồng DN chính là môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Trong thực tiễn, việc thực thi các luật vẫn còn nhiều bất cập, các luật về DN và môi trường đầu tư kinh doanh ban hành đi vào thực tế còn chậm chồng chéo về nội dung chưa nhất quán không tương thích và thậm chí vô hiệu hoá lẫn nhau.

“Thực trạng đó không chỉ tạo nên những rắc rối về mặt pháp lý, gây khó khăn, rủi ro cho DN mà ngay cả cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng lúng túng, không biết phải dựa vào quy định nào của pháp luật để thực thi công vụ”- ĐB Đỗ Thị Thu Hằng nói.

Phát biểu giải trình thêm tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng trấn an: “Trước tình hình giá dầu phục hồi tốt và khả năng ta còn khai thác được, Chính phủ quyết định khai thác thêm 1 triệu tấn dầu phục vụ tăng trưởng, không đến nỗi khai thác cạn kiệt như đại biểu lo lắng”- Bộ trưởng trả lời cho băn khoăn của một số ĐBQH trong đó có ĐB Nguyễn Anh Tuấn (Bình Phước) khi cho rằng, dầu lửa và các tài nguyên khác chúng ta không nên khai thác cạn kiệt mà để dành cho con cháu mai sau.

Cho biết lý do vì sao Chính phủ giữ mục tiêu tăng trưởng 6,7%, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: Đây là năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XII và đây cũng là năm bản lề hết sức quan trọng tạo tiền đề cho những năm tiếp theo. Bản thân nền kinh tế cũng có nhu cầu phải phát triển nhanh để tránh tụt hậu; tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển giai đoạn sau, duy trì cân đối lớn: Nợ công, ngân sách, việc làm, chi cho an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, đảm bảo ổn định xã hội và chính trị. Quan trọng là Chính phủ sẽ không tìm cách tăng trưởng bằng mọi giá; không đánh đổi môi trường hay bất ổn vĩ mô để lấy tăng trưởng; mà phải là tăng trưởng phát triển bền vững.

Về các giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng, Bộ trưởng KHĐT cho biết: Giải pháp căn cơ là khơi dậy mọi tiềm năng và tận dụng mọi cơ hội để phát triển. Thêm vào đó, nhiều dự án đầu tư từ nguồn ngân sách cũng đang được đẩy nhanh tiến độ, cũng như việc giải ngân vốn tư nhân, vốn FDI. Một số dự án lớn đã hoàn thành, chuẩn bị đưa vào khai thác sử dụng.

Chính phủ đã xây dựng Chỉ thị 24 để cụ thể hóa các nhiệm vụ cho bộ, ngành. Tuy vậy, có thể tóm tắt thành 2 ý. Giải pháp lâu dài sẽ là ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cải cách thể chế, tăng năng suất lao động, mở rộng thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước. Trong ngắn hạn sẽ là các giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho DN, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực phát triển, đẩy mạnh giải ngân các nguồn vốn, theo dõi, giám sát chặt chẽ các lĩnh vực để điều chỉnh kịp thời.

“Mục tiêu tăng trưởng được cho là cao, nhưng Chính phủ thấy hoàn toàn có cơ sở để phấn đấu, với điều kiện phải triển khai đồng bộ tất cả các giải pháp và có sự tham gia của cả hệ thống chính trị và người dân, DN”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Chiều 9/6, phát biểu thảo luận, ĐBQH Dương Văn Thống (Yên Bái) đã phân trần về tình trạng bổ nhiệm không đúng quy định tại tỉnh mình. Tuy nhiên, ĐB trình bày: “Báo cáo QH là Yên Bái hiện có 4 sở thừa cấp phó trong đó vượt Phó giám đốc sở là do sáp nhập nhiều năm nay. Anh em phân công nhau không được, hạ xuống không được. Người Việt Nam ta là thế”. Bên cạnh đó, ông nói: “Một sở do vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra, bố trí lại cán bộ. Còn 2 sở thì năm 2013,2014 có đề bạt bổ nhiệm thừa so với quy định. Tỉnh xin rút kinh nghiệm và xin khắc phục”.

Bỏ biên chế có làm cho y tế, giáo dục tốt hơn?

Câu hỏi đó được ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) nêu lên tại phiên thảo luận: Đối với các cô giáo vùng cao, dạy ở những ngôi trường cheo leo, qua những con đường xe ôtô không thể đến được, thì một trong những động lực khiến họ bám trường, bám lớp, gắn bó với học sinh; các y bác sỹ công tác tại vùng cao thì các vị sẽ thấy họ vẫn cố gắng làm việc vì niềm tin vẫn ở trong biên chế, vẫn còn là công chức nhà nước nên rất cần chính sách cụ thể cho từng vùng, miền.

“Theo tôi việc bỏ biên chế ngành giáo dục không quan trọng bằng đổi mới ngành giáo dục. Đổi mới giáo dục là tất yếu vì nhược điểm của ngành này ngày càng nhiều”- ĐB Hiếu nói.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.

Liên quan đến vấn đề này, phát biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng muốn nâng cao chất lượng giáo dục cần có nguồn lực và động lực. Động lực đối với nhà giáo rất quan trọng nhưng đang có nhiều bất cập; trong đó, rất rõ là việc tuyển dụng. Do quy định tuyển dụng công chức, viên chức đối với các đơn vị sự nghiệp công, đặc biệt là giáo viên khu vực giáo dục phổ thông nên chưa phù hợp dẫn đến thừa thiếu cục bộ.

Bên cạnh đó, phần nhiều giáo viên có tâm lý vào biên chế cho ổn định, nên rất khó khăn trong việc nâng cao chất lượng, đáp ứng được chương trình mới. Vì vậy, Bộ mới đặt vấn đề chuyển dần từ công chức viên chức sang hợp đồng. Trước hết, Bộ sẽ thí điểm từ khu vực đại học và phổ thông có điều kiện; sau đó tổng kết rút kinh nghiệm, nhân rộng.

Cần chế tài trong việc chậm giải ngân

Theo báo cáo tình hình giải ngân và thực hiện vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trong những tháng đầu năm 2017 còn chậm. Ước giải ngân đến hết tháng 5 năm 2017 chỉ đạt 25,1% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và tương đương 21,4% kế hoạch vốn Quốc hội giao. Nêu lên sự chậm chạp ấy, ĐBQH Lê Công Đỉnh (Long An) đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt làm rõ nguyên nhân, giao trách nhiệm và có chế tài xử lý các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các giải ngân nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đã đề ra. Cần đánh giá đầy đủ những vướng mắc của vấn đề này và xử lý thay đổi ngay trong 6 tháng cuối năm và tập trung đẩy mạnh giải ngân đầu tư trong những tháng còn lại của năm 2017.

Bên cạnh đó, cần thực hiện quyết liệt các giải pháp về thực hành tiết kiệm chống lãng phí, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tránh thất thoát, nâng cao chất lượng các dự án công trình- ĐB nhấn mạnh.

Cơ cấu thu ngân sách cải thiện tích cực

* Báo cáo Quốc hội chiều 9/6 về vấn đề thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, những năm vừa qua, nước ta gặp nhiều khó khăn về vấn đề ngân sách do một số nguyên nhân: Thứ nhất, do chúng ta điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng. Thứ hai là do trong nhiệm kỳ này giá dầu thô giảm sâu và giảm nhanh và cùng với đó chúng ta cắt giảm thuế quan theo các cam kết hội nhập quốc tế. Thứ ba, do những khó khăn nội tại của nền kinh tế nên chúng ta điều chỉnh chính sách thu và cắt giảm chính sách thu nhanh hơn lộ trình để tạo thuận lợi cho DN. Tuy vậy, theo Bộ trưởng, cùng với tăng trưởng kinh tế, thu NSNN giai đoạn này (2011-2015) cũng tăng 1,95 lần so với 2006 - 2010. Đặc biệt, Bộ trưởng đánh giá, cơ cấu thu NSNN của nước ta đang có chuyển biến tích cực. Riêng thu nội địa trong tổng thu NSNN dự toán 2017 sẽ chiếm 81,7%. Về chi ngân sách, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội chúng ta vẫn tập trung chi cho con người và an sinh xã hội, tăng 18%, tăng rất cao so với tốc độ tăng thu ngân sách. Bên cạnh đó, chi đầu tư phát triển, trong điều hành hàng năm đều tăng, năm 2017 bố trí dự toán chi cho đầu tư phát triển là 25,7% tổng chi NSNN.

PV

Mai Loan-Việt Thắng