Bằng Tổ quốc ghi công bị bỏ quên
Hàng trăm giấy chứng nhận của những người có công với nước bị cán bộ lao động thương binh và xã hội “quên”, không chuyển giao đến tay những người được hưởng. Chuyện xảy ra ở thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.
Bà Niên buồn bã khi đặt bằng khen ngả màu trước bàn thờ người cha.
Ông Phạm Văn Thành, cán bộ lao động thương binh - xã hội (LĐTB&XH) thị trấn Ba Chúc cho biết: Mới đây, khi di dời chiếc tủ tài liệu của thị trấn để sắp xếp lại tài liệu, chỗ ngồi, tôi tá hỏa khi phát hiện bên trong chứa 114 giấy chứng nhận có công các loại được ký từ năm 1975 – 2002.
Đó là 34 Huân chương Kháng chiến, 18 Huy chương Kháng chiến, 12 Huân chương Quyết thắng, 7 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, 27 bằng khen của Hội đồng Bộ trưởng, 10 bằng Tổ quốc ghi công và 6 Bằng khen của UBND tỉnh chưa được trao cho các gia đình và thân nhân người có công với nước. UBND xã đã báo cáo với lãnh đạo huyện, Sở LĐTB&XH tỉnh, tiến hành lập biên bản…
Ngày 6/6/2017, Sở Nội vụ và Sở LĐTB&XH tỉnh An Giang đã thành lập đoàn thanh tra phối hợp với UBND huyện Tri Tôn, TT. Ba Chúc tiến hành làm rõ những sai sót trong việc cấp phát giấy chứng nhận và những xôn xao xung quanh vấn đề này.
Ngày 2/6, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn đã ký công văn gửi Trưởng phòng LĐTB&XH, Phòng Nội vụ, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn tìm hiểu, xác minh, khắc phục ngay sai sót kịp thời báo cáo giải quyết, chậm nhất ngày 16/6/2017.
Ông Nguyễn Văn Sấm, Bí thư thị trấn Ba Chúc (huyện Tri Tôn) cho biết: Số lượng hồ sơ được lưu trữ đã trải qua 7 đời cán bộ LĐTB&XH, 6 đời chủ tịch. Cán bộ phụ trách công tác LĐTB&XH thị trấn qua nhiều thời kỳ mà gần đây nhất là ông Nguyễn Minh Son đã từ trần đột ngột do tai nạn giao thông nên công việc được bàn giao lại cho ông Thành vào năm 2012. Thú thật, bây giờ không biết khởi nguồn từ thời nào và vì sao lại không phát theo địa chỉ?
Bà Nguyễn Thị Lan Phương, Trưởng phòng Người có công thuộc Sở LĐTB&XH An Giang cho biết: Trong số 114 trường hợp chưa cấp phát cho các đối tượng người có công thuộc 8 nhóm đối tượng có công tại TT.Ba Chúc. Việc đề nghị cấp cấp huân, huy chương là do xã và Phòng Nội vụ huyện đề nghị, còn ở đây chỉ đề nghị cấp bằng Tổ quốc ghi công. Đây là lần đầu tiên phát hiện và thật hy hữu!
Theo bà Phương, đối với diện Huân chương kháng chiến cấp cho đối tượng nhân dân sau năm 1995 đối với nữ nếu 55 tuổi và nam 60 trở lên thì được hưởng chế độ hàng tháng, còn đối với cán bộ sẽ hưởng một lần theo quy định; Huy chương kháng chiến cấp cho cán bộ và nhân dân sau năm 2003 được giải quyết chế độ hưởng trợ cấp 1 lần; Huân chương quyết thắng gia đình được nhận từ địa phương và được thưc hiện theo chế độ liệt sĩ chứ không có chế độ riêng; Huân chương chiến sĩ vẻ vang do đơn vị quân đội tặng cho người tham gia bảo vệ Tổ quốc chứ không thuộc đối tượng giải quyết chế độ; Huân chương giải phóng không thuộc đối tượng được hưởng chế độ; Bằng Tổ quốc ghi công trước năm 1995 có quyết định trợ cấp rồi mới cấp bằng, còn sau năm 1995 có hồ sơ được cấp bằng mới được giải quyết chế độ; Đối với bằng khen của Hội đồng Bộ trưởng và UBND tỉnh trước giờ không thuộc đối tượng được hưởng chế độ, nhưng hiện tại đang tập hợp danh sách theo theo Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ.
Bà Vi Thị Niên, ngụ tại ấp Vĩnh Phú, xã Lạc Quới là con của ông Vi Văn Tòng và bà Nguyễn Thị Ba (đã chết) bộc bạch: Cách nay khoảng 2 tháng, gia đình có nhận được từ cán bộ xã bằng khen tặng cho cha mẹ. Ông bà được ký tặng Bằng khen năm 1987 do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng ký ngày 6/3/1987 về công sức đóng góp vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nhưng đến nay mới được phát.
Nay thì cha mẹ tôi đã chết hết rồi. Gia đình chúng tôi mong có lời xin lỗi hoặc phải có món quà, bó hoa gì, chứ từ ngày giải phóng đến giờ mà chỉ nhận được Bằng khen như tấm giấy lộn trong khi đó trước đây cha mẹ tôi phải gian khổ kháng chiến, chịu cảnh đánh đập khi bị giặc bắt. Tấm Bằng khen nay đã ngả màu, nhìn thấy, con cái trong gia đình đều rơi nước mắt. Cho đến ngày cha tôi mất vào năm 1992 và mẹ tôi mất năm 2005, họ vẫn trông mong được công nhận là gia đình có công với nước.
Chúng tôi tìm đến nhiều trường hợp khác như ông Trần Văn Cứng, 67 tuổi, ngụ ấp An Định A, TT. Ba Chúc. Ông Cứng cho biết: Bằng Tổ quốc ghi công của người anh của ông được cán bộ phát cách nay 20 ngày. Người anh đi kháng chiến hy sinh năm 1963 và được cấp bằng Tổ quốc ghi công vào năm 2002, nhưng đến nay mới trao đến tay gia đình.
“Trước đây khi mẹ tôi còn sống thì nhận lương hàng tháng nhưng khi mẹ tôi mất rồi, tôi chỉ còn nhận được tiền hương khói 2 lần/năm. Nghe nói lãnh bằng thì được nhận tiền nhưng sao gia đình lại không được. Mong các cơ quan chức năng xem xét giải quyết chế độ cho gia đình chúng tôi”- ông nói.
Để sửa sai cho thiếu sót của những đời tiền nhiệm, UBND thị trấn Ba Chúc đã tổ chức họp Hội đồng chính sách nhằm kiểm kê, phân loại từng trường hợp, đồng thời tiến hành cấp phát các giấy chứng nhận có công cho người thân những gia đình liên quan.
Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại chỉ có 52/114 bằng được cấp bao gồm 13/34 Huân chương Kháng chiến, 10/18 Huy chương Kháng chiến, 10/12 Huân chương Quyết thắng, 0/7 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, 11/27 Bằng khen của Hội đồng Bộ trưởng, 3/6 Bằng khen của UBND tỉnh, 5/10 Bằng Tổ quốc ghi công. Như vậy, còn lại 62 bằng vẫn vô chủ do sai tên và không tìm được địa chỉ gia đình người có công (?!)
Hỏi về tiền trợ cấp của những người có huân, huy chương hoặc Bằng Tổ quốc ghi công như thế nào, ông Sấm cho biết thêm: 52 hộ tuy mới phát giấy có công nhưng họ đã được hưởng chế độ. Những trường hợp chưa nhận giấy, xã đang liên hệ với huyện và Sở LĐTB&XH tỉnh để tiếp tục thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng và đang rà soát tìm thân nhân những người có công để tiếp tục cấp phát.
Ông Phan Văn Sương- Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn cho biết: Việc không cấp phát huân và huy chương, bằng khen đối với gia đình người có công cho đã cho thấy sự tắc trách của cán bộ. Tuy nhiên việc xác định trách nhiệm trong vụ này lại vô cùng khó khăn.
Sự việc diễn ra đã lâu lắm rồi không biết hồ sơ nhận từ lúc nào, đã qua nhiều đời, nhiều người đảm nhận nhiệm vụ này trong đó có ông Son. Ngoài ra, thời kỳ đó, những đời bí thư, chủ tịch thị trấn Ba Chúc lúc trước phần lớn đã chết hoặc nghỉ hưu nên khó xác định được trách nhiệm.
Trước mắt Sở LĐTBXH phối hợp với các cơ quan chức năng huyện, thị trấn rà soát lại chế độ chính sách xem ai được hưởng mà không được lãnh tiền để đề nghị xem xét hỗ trợ theo quy định, làm rõ khoản tiền Nhà nước cấp về nhưng không được phát nó nằm ở đâu?
Nói về sự việc hy hữu này, ông Bùi Công Bằng- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh An Giang cho biết: Sở sẽ cho kiểm tra và thanh tra lại để làm rõ nhằm xác định có tiêu cực hay không. Với góc độ là đơn vị quản lý nhà nước, Sở nhận thiếu sót trong việc này. Mặc dù hàng năm có tổ chức thanh tra, kiểm tra và trong 2 năm 2014-2015, thực hiện chương trình “Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng nhưng huyện Tri Tôn, thị trấn Ba Chúc không phát hiện quả là thiếu sót. Sắp tới Sở sẽ ra văn bản chỉ đạo về công tác quản lý, kiểm tra ở cơ sở….
Qua vụ việc ở Ba Chúc, dư luận đặt vấn đề: Ở An Giang cũng như ở nhiều nơi, liệu còn có trường hợp tương tự như vậy không?