‘Du lịch miền Trung – Tây Nguyên hướng tới đẳng cấp thương hiệu’
Là chủ đề của diễn đàn do Bộ VH-TT&DL, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp tổ chức diễn đàn Du lịch miền Trung - Tây nguyên tổ chức, sáng ngày 10/6, tại TP Tam Kỳ (Quảng Nam). Diễn đàn là một trong những hoạt động trọng tâm của Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI - 2017.
Quang cảnh diễn đàn Du lịch miền Trung - Tây nguyên.
Tham dự Diễn đàn có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu. Cùng gần 200 đại biểu các Bộ, Ban ngành Trung ương; 19 tỉnh, thành phố miền Trung - Tây Nguyên và TP Hồ Chí Minh cùng các học giả và doanh nghiệp về du lịch đến tham dự
Phát biểu Diễn đàn, ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL đã ghi nhận những đóng góp tích cực của du lịch miền Trung-Tây Nguyên đối với sự phát triển du lịch chung của cả nước. Ông Biên cho rằng, miền Trung- Tây Nguyên là địa bàn quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Theo ông Biên, trong những năm gần đây, du lịch của một số địa phương trong khu vực đã có sự chuyển mình đáng khích lệ, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế và tái cơ cấu kinh tế địa phương. Trong đó, nhiều điểm sáng như Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Lâm Đồng….và nhiều điểm mới nổi khác trong khu vực đã cho thấy, du lịch tại miền Trung- Tây Nguyên đang thực sự khởi sắc, hướng đến ngành kinh tế mũi nhọn như tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 08-NQ/TW mà Bộ Chính trị đã đề ra.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại diễn đàn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch miền Trung- Tây Nguyên thực sự chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, kỳ vọng, chưa tạo dựng được, chưa tạo dựng được thương hiệu đẳng cấp quốc tế để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Do đó, để du lịch thực sự phát triển bền vững, đóng góp quan trọng vào nền kinh tế các địa phương trong khu vực, đòi hỏi du lịch phải liên kết vùng, nâng cao sức cạnh tranh, xây dựng thương hiệu du lịch đẳng cấp quốc tế.
Các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận các vấn đề như: Yêu cầu phát triển du lịch miến Trung - Tây nguyên trong thời kỳ mới; Những chính sách đột phá trong phát triển du lịch miền Trung - Tây nguyên; Quản lý điểm đến và môi trường kinh doanh du lịch, tạo dựng hình ảnh điểm đến chất lượng, an toàn, thân thiện; Vai trò động lực tạo đẳng cấp của cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển du lịch miên Trung - Tây nguyên. Đồng thời, các đại biểu tham dự cũng trao đổi, thảo luận về hợp tác liên kết phát triển du lịch; xúc tiến quảng bá; phát triển nguồn nhân lực và thu hút đầu tư.
Các đại biểu cũng nhận định, những năm gần đây, du lịch ở một số địa phương trong khu vực đã có sự chuyển mình đáng khích lệ, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế và tái cơ cấu kinh tế địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch miền Trung - Tây Nguyên thực sự chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, kỳ vọng, chưa tạo dựng được những thương hiệu đẳng cấp để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Các thí sinh Hoa hậu các dân tộc Việt Nam tại thánh đại Mỹ Sơn.
Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những nỗ lực mà du lịch tại miền Trung- Tây Nguyên thời gian qua đã gặt hái được, qua đó góp phần đáng kể để thúc đẩy kinh tế, xã hội trong khu vực phát triển, đồng thời nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư tại địa phương.
Tuy nhiên theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, để du lịch miền Trung- Tây Nguyên thực sự phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh, thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn như kỳ vọng của Chính phủ và Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 08-NQ/TW, thì trước hết cấp uỷ, chính quyền phải vào cuộc mạnh hơn nữa. Trong đó cùng với việc đầu tư phát triển hạ tầng, phải tìm ra đâu là sản phẩm đặc trưng của địa phương mình để đầu tư, tạo ra thương hiệu nhằm thu hút nhiều du khách đến với mình.
Phải khẳng định vai trò của Hiệp hội du lịch và cộng đồng dân cư tham gia vào phát triển du lịch. Du lịch miền Trung- Tây Nguyên phải lấy sự liên kết làm điểm tựa để phát triển. Cùng với đó, trong đào tạo cho nhân lực du lịch, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nên gắn kết chặt chẽ với nhau. Hiệp hội du lịch và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng phải phối hợp nhau để tính đến việc xây dựng khung đào tạo nhân lực du lịch…
Hội thi trình diễn diều quốc tế trên bãi biển Tam Thanh.
Tiếp thu các ý kiến của đại biểu, đặc biệt là ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đại diện Bộ VH-TT&DL, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam và các địa phương khu vực miền Trung- Tây Nguyên thống nhất sẽ tiếp tục thúc đẩy mối liên kết du lịch trong vùng và giữa các địa phương; nâng cao vai trò của Hiệp hội du lịch gắn với quan tâm đầu tư hạ tầng du lịch cũng như khảo sát, xây dựng mỗi địa phương một đặc trung du lịch để phát huy, tránh sự chồng chéo hay đầu tư dàn trải; quan tâm xây dựng mối liên hệ giữa doanh nghiệp với cơ sở đào tạo để đào tạo nhân lực cho du lịch; tiếp tục đề xuất các chính sách thích hợp để đưa du lịch miền Trung- Tây Nguyên thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, động lực thúc đẩy kinh tế- xã hội trong vùng phát triển.
Lãnh đạo Bộ VH-TT&DL cũng cho rằng, kết quả của Diễn đàn lần này sẽ là bước khởi đầu tốt đẹp tạo ra sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động, góp phần phát triển thương hiệu đẳng cấp cho du lịch miền Trung- Tây Nguyên nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung, đóng góp quan trọng vào hiện thực hoá mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị.