Minh bạch trước người tiêu dùng

Minh Phương - Anh Vũ (thực hiện) 11/06/2017 08:05

Dư luận tiếp tục có ý kiến về dự định nâng trần khung thuế bảo vệ môi trường với xăng lên mức 8.000 đồng/ 1 lít của Bộ Tài chính. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Thỏa- nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, bất cứ khoản thu chi nào cũng cần minh bạch, do trước đây có nhiều khoản thu chi thiếu minh bạch nên người dân phản ứng là hoàn toàn hợp lý.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa.

PV:Thưa ông, Bộ Tài chính đang có đề xuất tăng thuế môi trường lên mức giới hạn cao nhất là 8000 đồng/lít thay vì mức 4.000 đồng như hiện nay. Quan điểm của ông trước đề xuất này?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Tôi cho rằng phải lắng nghe ý kiến của người tiêu dùng. Người dân là những người trực tiếp đóng thuế để bảo vệ môi trường, thì người ta cần phải biết những thứ thuế đó có được sử dụng đúng mục đích hay không? Điều đầu tiên phải là mình bạch việc thu và chi. Tốt nhất là nên chi đúng.

Hiện nay, nói về thuế môi trường, chúng ta không chỉ có nguồn thu từ xăng dầu mà còn thu từ rất nhiều nguồn khác, đặc biệt nguồn tài trợ của nước ngoài, nguồn vốn vay của Chính Phủ. Tức là nguồn chi cho môi trường của chúng ta rất lớn.

Tuy nhiên, khi khoản tiền đấy không được minh bạch thì người dân thắc mắc hoàn toàn hợp lý. Bởi vậy, thuế môi trường của xăng dầu trước hết là để kiểm soát mức độ ô nhiễm môi trường do xăng dầu tạo ra, còn thiếu thì lấy từ nguồn khác do ngân sách chi thêm hoặc lấy từ nguồn tài trợ của nước ngoài hoặc những nguồn vay thêm để chúng ta xử lý.

Chúng ta công khai việc đó ra để thấy được rằng việc xử lý môi trường rất được quan tâm, từ nhiều kênh nhiều, nhiều nguồn khác nhau. Tôi cũng không đồng tình với việc tăng mức thuế lên mức cao nhất như đề xuất nói trên.

Để bảo vệ môi trường, thế giới đang hướng đến mục tiêu thay thế nguồn xăng thành xăng sinh học. Tuy nhiên, một số nhà máy sản xuất Ethanol của chúng ta đang gặp vấn đề. Ông có nhận định gì về thực tế này?

-Hiểu về xăng E5 tức là chỉ có một phần chúng ta pha trộn vào xăng sinh học chứ chủ yếu nó vẫn là xăng khoáng. Như vậy, xăng E5 vẫn có 95% xăng khoáng, chỉ có 5% là nguyên liệu sinh học. Thế nên, tỉ trọng nguyên liệu sinh học trong E5 cũng không cao. Thật ra vừa qua, những cơ sở sản xuất xăng sinh học của chúng ta đang gặp vấn đề. Bây giờ không còn cách nào khác là chúng ta phải cơ cấu lại hoạt động của những nhà máy đó để có thể hoạt động lại hiệu quả.

Còn nếu chúng ta lại nhập khẩu thì thứ nhất, ta mất đi sự chủ động. Thứ hai, đối tác không phải lúc nào cũng đáp ứng được nhu cầu của ta. Bởi vậy để đảm bảo được tính bền vững, chỉ còn cách chủ động được nguồn xăng này mà không phải phụ thuộc vào nhập khẩu. Lợi thế của chúng ta là sẵn nguồn nguyên liệu để sản xuất xăng E5, nhưng do cách quản lý, đầu tư thời gian qua có rất nhiều vấn đề nên mới dẫn đến thực trạng các nhà máy Ethanol hoạt động không đạt yêu cầu.

Giá xăng tăng luôn là nỗi lo của người tiêu dùng.

Còn về thuế bình quân gia quyền, theo ông có nên sửa loại thuế này hay không?

-Theo tôi cần phải sửa ngay bởi loại thuế này nó không rơi vào ai cả. Ví dụ có 10 đầu mối họ nhập ở các thị trường khác nhau, hưởng mức thuế suất khác nhau, bình quân lại có thể hưởng lại nếu nhập được thị trường thấp, nhưng có người bị thiệt do nhập ở những thị trường cao. Mặc dù DN luôn phải tính toán việc mua bán ra sao cho đảm bảo mức thuế thu nhập bình quân tuy nhiên mình không thể lấy thuế thấp nhất vì không tạo được sức ép với DN. Mà cái đó mới là cái mình mong muốn để có lợi cho người tiêu dùng.

Còn về quan điểm nguồn thu ngân sách thì tôi nhận định làm tài chính thì phải ví như làm 3 vòng. Vòng 1 là đầu vào, tức nguồn xăng dầu vào nền kinh tế thì cần phải làm sao để có mức giá hợp lý, để từ đó nó “chảy” vào các ngành sản xuất, kinh doanh, vận tải,… như vậy, sản xuất - vòng 2 - mới phát triển, thương mại mới phát triển.

Khi vòng 2 phát triển thì khâu thu thuế (vòng 3) mới thu một cách bền vững. Tư tưởng tài chính “nuôi dưỡng nguồn thu” chính là ở chỗ này. Bởi vậy, việc điều chỉnh các sắc thuế cần được tính toán cụ thể để đảm bảo cân bằng nguồn thu cho nền kinh tế.

Sau một thời gian đi vào thực tiễn, Nghị định 83 bộc lộ một số bất cập. Theo ông, liệu trong thời gian tới chúng ta nên xóa bỏ hay sửa đổi Nghị định này, và nếu sửa thì nên sửa theo hướng như thế nào, thưa ông?

-Tôi cho rằng điều kiện kinh doanh xăng dầu cần phải được nghiên cứu để sửa bớt những điều kiện về kho bãi, cầu cảng,.. đặc biệt, cần tập trung hơn vào điều kiện kiểm soát chất lượng cháy nổ theo chuẩn của Nghị đinh xăng dầu. Bởi đây là những điều kiện không thể thiếu được.

Còn những vấn đề như an ninh năng lượng đối với xăng dầu trong Nghị định 83 cũng đã đề cập. Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề an ninh xăng dầu thì ngoài những định hướng về hạn ngạch tối thiểu cho DN phải hướng dẫn cụ thể hơn để các DN đa dạng hóa phương thức kinh doanh, phòng ngừa rủi ro, tiếp cận được những phương thức kinh doanh hiện đại của thị trường thế giới.

Thêm vào đó, công tác dự báo những biến động của thị trường thế giới phải có thiết chế, thể chế để dự báo sát hơn, chuẩn hơn, kết nối với các trung tâm dự báo khác. Còn vấn đề liên quan đến sửa giá thì cần phải sửa rất nhiều để làm sao vai trò của thị trường cân bằng với vai trò điều tiết của Nhà nước. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là, Nhà nước chỉ nên can thiệp khi thị trường bị “sốc” còn lại hãy để cho thị trường tự điều chỉnh.

Còn về chu kỳ điều chỉnh giá chúng ta nên thu hẹp lại để tiến tới điều chỉnh giá bám sát với giá thị trường thế giới hằng ngày. Trước mắt chúng ta có thể lùi lại theo các phương thức kinh doanh xăng dầu như là 5:1:5 tức ra 15 ngày rút xuống 10 ngày hay 2:1:2 tức là chỉ còn 5 ngày… như vậy, giá xăng dầu có thể bám sát với giá thị trường hơn.

Bên cạnh đó, theo tôi quỹ bình ổn giá cũng phải xem xét lại. Có thể cải tiến việc trích quỹ như chúng ta đang làm bằng cách, cứ để quỹ đó, khi nào kinh doanh có lợi nhuận thì mới trích quỹ bình ổn giá, không nên lúc nào cũng trích cố định kể cả khi giá xăng dầu tăng hay giảm như hiện nay.

Trân trọng cảm ơn ông!

Minh Phương - Anh Vũ (thực hiện)