Làng chài Cửa Vạn
Website du lịch Journeyetc.com đã bình chọn làng chài Cửa Vạn trên vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh vào danh sách 16 ngôi làng cổ đẹp nhất thế giới với vẻ cổ kính, nguyên sơ và nền văn hoá đặc trưng truyền thống.
Sau ba tiếng ngồi lênh đênh trên tàu thủy, du khách sẽ đến được ngôi làng chài Cửa Vạn nằm cách bến Đoan (Hạ Long) khoảng 30 km. Dễ dàng cảm nhận cuộc sống của người dân nơi đây vẫn chưa bị xáo động bởi nhịp sống hiện đại.
Làng chài Cửa Vạn có nguồn gốc từ làng chài cổ Giang Võng, Trúc Võng ở bên bờ vịnh Hạ Long. Tên gọi Cửa Vạn được người ta lý giải rằng bắt nguồn từ việc ngôi làng nằm trong một khu vực xung quanh là núi đá vôi sừng sững quây lại và có một lối ra vào như một cái cổng khổng lồ.
Chữ Vạn là chỉ dân vạn chài. Tại làng chài nổi Cửa Vạn, có hơn 300 hộ dân đang sinh sống chủ yếu bằng nghề chài lưới. Các hộ dân tại đây dựng các nhà bè nằm men theo rìa các đảo đá. Làng chài nằm cách xa bờ có khi hàng chục km bên những vách núi như những thung lũng trên biển.
Ở đó, những ngôi nhà bè nằm liền kề nhau, nhỏ nhắn, xinh xắn. Không tiếng còi xe náo nhiệt như trên bờ, chỉ có tiếng ngư phủ í ới gọi hỏi thăm nhau, tiếng dầm gõ mạn thuyền đuổi cá sau núi vọng lại. Các thế hệ người làng chài cả đời sinh sống trên thuyền và gắn bó với biển. Họ coi con thuyền là nhà, biển là quê hương, gắn bó với Vịnh Hạ Long.
Trẻ con ngay từ 4 - 5 tuổi đã biết cầm mái chèo tập bơi. Trong những gia đình ngư dân trên vịnh Hạ Long, tất cả mọi thành viên đều ra khơi. Trẻ nhỏ mắc mồi thả câu, lớn hơn một chút chèo mui, kéo lưới. Trưởng thành, lấy vợ lấy chồng thì sẽ vừa chèo vừa giăng lưới, thả câu vừa dạy bảo con em đánh bắt tôm cá… Những điều kiện ấy khiến người dân chài sống quần tụ với nhau và càng thủy chung với biển cả.
Đến với Cửa Vạn, bạn dễ dàng bị cuốn hút trước vẻ đẹp của những ghe thuyền, những chiếc mủng tre đậu trước cửa nhà, những ngôi nhà kèo cột vào nhau chống giông bão, những ngư dân giản dị, chất phác nhưng vô cùng mến khách, những đứa trẻ da sạm đen, dáng nhỏ nhắn mà nụ cười lại rất tươi vui, hồn nhiên…
Khung cảnh bình yên, hiền hòa nhưng lại chứa đựng đầy nét nguyên sơ của một làng chài trên biển. Không như nhiều khu làng chài khác, các nhà bè nổi ở làng chài Cửa Vạn đều rất sạch sẽ và ngăn nắp. Được như vậy là nhờ người dân ở đây có ý thức luân phiên thay nhau chèo thuyền nhặt rác trên mặt biển mỗi ngày và hạn chế thải nước thải sinh hoạt ra môi trường.
Vào Trung tâm văn hóa nổi Cửa Vạn (mô hình Trung tâm văn hóa nổi đầu tiên dành cho cộng đồng ngư dân vạn chài được xây dựng tại Việt Nam nhằm bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa làng chài thông qua các sinh hoạt truyền thống cũng như hoạt động giao lưu giữa cộng đồng dân cư và du khách), du khách sẽ được tận mắt xem và tìm hiểu hàng trăm hiện vật khảo cổ, trong đó có những dụng cụ, phương tiện đánh bắt hải sản của người Việt cổ, nhiều hình ảnh, phim tư liệu, các ấn phẩm về văn hóa dân gian, đời sống của những cư dân làng chài sống trên Vịnh Hạ Long xưa và nay…
Tất cả được tái hiện lại bằng mô hình theo 6 chủ đề chính: tự nhiên và con người; phương thức kiếm sống của ngư dân; đời sống vật chất của dân chài; thủy cư với cuộc sống đời người; tâm linh với cuộc sống tinh thần. Dù chưa thật hoàn hảo, nhưng mô hình Bảo tàng sinh thái Hạ Long có ý nghĩa trong việc giáo dục ý thức cộng đồng đối với vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Hiện tại, đã có 5 thanh niên - con em của chính làng chài Cửa Vạn - tham gia trực tiếp quản lý trung tâm văn hóa này. Họ là nhóm người đầu tiên của làng chài bắt đầu làm quen với một nghề hoàn toàn mới mẻ: Hướng dẫn và giới thiệu về cuộc sống, lịch sử, văn hóa của cộng đồng mình. Và ngôi nhà này với sự giúp đỡ của UNESCO và đại sứ quán Nauy tại Việt Nam luôn mang lại ấn tượng sâu sắc hơn cho du khách tới đây.
Làng chài Cửa Vạn còn ôm ấp cả một kho tàng lịch sử địa chất phong phú, ẩn chứa lịch sử văn hóa lâu đời bậc nhất của đất nước ta… Những bí ẩn của một nền văn hóa đặc sắc mang đậm dấu ấn của những cư dân biển thời tiền sử đã được nhiều nhà khoa học tìm ra khi khai quật một số hang động gần làng chài Cửa Vạn, trong đó có hang Tiên Ông.
Các hang động ở đây cho thấy văn hóa Hạ Long có nguồn gốc bản địa, do nhiều yếu tố cấu thành và là kết quả của sự giao lưu, trao đổi với các nền văn hóa khác. Và sự khám phá trong những hang động ở vùng vịnh này cũng chứng tỏ một quy luật trong sự chọn lọc tự nhiên.
Có một loại hình du lịch mà rất nhiều du khách thích thú khi đến thăm làng Cửa Vạn là thú câu mực đêm. Đi theo đoàn thuyền trong làng ra khơi câu mực, tôi cảm nhận được vị mặn mòi của biển, dưới ánh trăng, cùng ngọn đèn loang loáng sáng, những thanh niên trong làng buông cần. Những chú mực thấy sáng rủ nhau lên, chỉ một loáng mực đã đầy thau.
Sau khi câu mực, du khách nghỉ đêm tại các gia đình ngư dân làng chài, được nghe những câu hò biển, thưởng thức đặc sản từ biển. Nếu may mắn gặp những đêm làng chài vào hội, hoặc có đám cưới, du khách còn được nghe dân chài hát ghẹo, hát chèo đường - một hình thức diễn xướng với nhiều làn điệu dân ca đặc trưng của vùng Vịnh Hạ Long.
Một thổ dân ở đây lý giải, sống đời lênh đênh, phải tản ra để kiếm ăn, mỗi con thuyền là một ngôi nhà, là một không gian sống tách biệt. Trong cuộc sống lênh đênh ấy, tiếng hát với họ như một phương cách khẳng định sự tồn tại và thể hiện giao lưu của mình trên biển cả mênh mông...
8 điểm được chèo thuyền kayak trên Vịnh Hạ Long UBND TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành Quyết định quy định khu vực, tuyến hoạt động dịch vụ kayak, đò chèo tay tại 8 điểm thuộc tuyến tham quan trên Vịnh Hạ Long gồm: Tại điểm Ba Hang diện tích khoanh vùng 16,7ha với số lượng phương tiện tối đa là 55 kayak, 60 đò chèo tay; điểm Hang Luồn diện tích khoanh vùng 11,84ha với số lượng 55 kayak, 30 đò chèo tay; điểm hồ Động Tiên và hang Trinh Nữ diện tích khoanh vùng 82,62ha với số lượng phương tiện tối đa tại khu vực 450 kayak; vụng Tàu Sâu diện tích khoanh vùng 76ha với số lượng 155 kayak, 30 đò chèo tay; Cửa Vạn diện tích 78,27ha với số lượng phương tiện tối đa là 200 kayak, 30 đò chèo tay; Vung Viêng diện tích 50,22ha với số lượng phương tiện tối đa là 200 kayak, 60 đò chèo tay; Hang Cỏ diện tích 43,22ha với số lượng phương tiện tối đa tại khu vực 150 kayak; Cống Đỏ - Trà Sản diện tích khoanh vùng 62,42ha với số lượng phương tiện là 200 kayak. |