Thế nào là đạt ?

Miên Thảo 11/06/2017 07:05

Về phía phụ huynh, không ít người cho là cách đánh giá của nhà trường về con em họ, cả về điểm số lẫn đạo đức, là khá “tù mù”. “Thật khó hiểu khi giáo viên nhận xét con tôi là “đạt”.

Sắp tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức sơ kết sau 1 năm học thực hiện Thông tư 22 để lắng nghe ý kiến từ địa phương. Ông Nguyễn Đức Hữu- Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Tiểu học cho rằng, việc đánh giá học sinh Tiểu học theo Thông tư này có nhiều ưu điểm so với Thông tư 30 áp dụng trước đó.

Theo đó, việc đánh giá “Hoàn thành tốt”, “Hoàn thành”, “Chưa hoàn thành” đối với từng môn học và hoạt động giáo dục và “Tốt”, “Đạt”, “Cần cố gắng” đối với từng năng lực, phẩm chất, đã giúp cho giáo viên, phụ huynh học sinh nắm bắt được tình hình học tập, rèn luyện của con em họ đang ở mức nào để từ đó có biện pháp giúp đỡ phù hợp với từng đối tượng học sinh.

Bước đầu cha mẹ học sinh đã thể hiện nhiều hơn sự quan tâm và tham gia nhận xét về quá trình học tập và rèn luyện của con em mình qua việc xuất hiện nhiều hơn số lần trao đổi với giáo viên về tình hình học tập của các em ở trường và ở nhà- ông Hữu nói và cho rằng đánh giá học sinh tiểu học không nhằm so sánh, xếp hạng các em.

Đó là phía nhà quản lý giáo dục, còn trong thực tế, việc áp dụng thông tư này vào đánh giá học sinh Tiểu học vẫn nhận được nhiều băn khoăn. Về phía giáo viên, không chỉ là do tâm lý ngại đổi mới nên không hào hứng, mà nhiều người cho rằng kiểu đánh giá định tính ấy đôi khi dẫn đến thiếu chính xác.

Chính vì thế, việc giáo viên bị phụ huynh phản ứng là khó tránh khỏi. Một giáo viên Tiểu học ở Xuân Đỉnh (Hà Nội) kể rằng, chỉ vì chị nhận xét một học sinh nọ là “cần cố gắng” đã bị phụ huynh phàn nàn là quá khắt khe với con mình, khác nào “đánh tụt đạo đức” của cháu. Cô cũng bị ban giám hiệu góp ý là máy móc, không hiểu Thông tư 20.

“Nhưng hiểu thế nào đây, chẳng lẽ lại nhận xét học trò là “không cần cố gắng nữa vì đã hoàn thiện” hay sao?”- cô giáo nọ nói. Cô còn cho biết,nhiều giáo viên cho rằng phụ huynh đến gặp giáo viên nhiều hơn chẳng qua là muốn hỏi lại “cô phê thế là thế nào”.

Còn về phía phụ huynh, không ít người cho là cách đánh giá của nhà trường về con em họ, cả về điểm số lẫn đạo đức, là khá “tù mù”. “Thật khó hiểu khi giáo viên nhận xét con tôi là “đạt”. Thế nào là đạt? “Đạt” ở đây theo những tiêu chí nào? Chúng tôi vẫn quen nhìn vào điểm số của con để xem các cháu tiếp thu bài đến đâu để kèm thêm. Nay cũng thật khó vì chỉ là ước lượng mà thôi”- chị Phan Thu Trang có con học tại một trường Tiểu học quận Đống Đa nói.

Tuy rằng đánh giá cao “tính nhân văn” của Thông tư 20, nhưng đại diện Vụ Tiểu học cũng thừa nhận rằng mặc dù việc ghi vào giấy khen cho học sinh đã được quy định rõ ràng nhưng cá biệt vẫn còn một vài nơi chưa thống nhất cách ghi là do nhà trường chưa hiểu và chưa thực hiện đúng theo quy định.

Đánh giá một con người không dễ dàng gì. Đánh giá học sinh Tiểu học như “búp trên cành” cành rất khó. Nhất là khi hàng ngày đến trường học sinh vẫn xưng “con” với thầy cô giáo. Vì thế, việc định lượng nhiều hơn nữa mà giảm bớt định tính trong đánh giá- dù theo Thông tư nào đi nữa, cũng là điều cần thiết.

Miên Thảo