Tìm hiểu thêm những nguyên nhân dẫn tới Liên bang XôViết sụp đổ: Những triệu chứng từ xa

10/06/2017 09:05

Không ai phủ nhận được rằng trong hơn 70 năm tồn tại của mình, Liên bang Xôviết đã xây dựng được những kỳ tích nhân văn mang tính lịch sử, có giá trị phổ quát toàn nhân loại và mang tính dài lâu. Tuy nhiên, đến một thời điểm nào đó, trong lòng xã hội Xôviết đã dần dà nảy sinh và tích tụ những khiếm khuyết, lúc đầu thì nhỏ nhưng sau càng trở nên nghiêm trọng hơn, dẫn tới quá trình suy thoái.

Tổng Bí thư đảng Cộng sản Liên Xô Brezhnev.

Trong nhật ký (1972-1984) của Anatoli Chernyaev, một cán bộ Ban Quốc tế BCHTW Đảng Cộng sản Liên Xô, ở đầu những năm 70 thế kỷ trước đã ghi nhận những dấu hiệu này. Và tài liệu đó rất có ý nghĩa thời sự khi muốn tìm hiểu sâu hơn về những nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ của Liên bang Xôviết trong thập niên cuối của thế kỷ XX. Tài liệu trích từ cuốn sách “Kết cục chung. Nhật ký của hai thời đại. 1972-1991”, xuất bản tại Moskva.

8/4/1972

Brezhnev (Tổng Bí thư đảng Cộng sản Liên Xô trong những năm 1962-1984) đề nghị thảo luận vấn đề mà Baikov và Patolichev đưa ra – dự thảo hiệp ước kinh tế thương mại với Hoa Kỳ. Podgornyi phát biểu đầu tiên: “Không phải đạo lắm nếu chúng ta dính dáng tới những phi vụ với khí đốt và đường ống dẫn dầu. Trông cứ giống như thế chúng ta chuẩn bị bán Siberi, thêm nữa trên phương diện kỹ thuật, cứ như thế chúng ta bị bất lực. Chẳng lẽ chúng ta lại không thể tự làm tất cả những việc đó mà không cần tới sự giúp đỡ của tư bản nước ngoài!" Brezhnev mời Baibakov (Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch Nhà nước) giải thích. Ông này bình thản tới gần micrô với nụ cười châm biếm khó kìm nén. Và ông bắt đầu nói với nhiều số liệu, tính toán, so sánh ghi nhớ trong đầu. Ông bảo, chúng ta chẳng có gì để bán lấy ngoại tệ cả, ngoài rừng và cellulose. Chỉ thế thôi thì không đủ, thêm nữa, chúng ta bán những thứ này rất lỗ. Chúng ta cũng không thể nào bán vàng. Mà nếu có bán thì rất nguy hiểm, rất nguy cho tương lai trong tình huống ngoại tệ hiện nay. Người Mỹ, người Nhật và những nước khác nữa đang quan tâm tới dầu mỏ và nhất là khí đốt.

22/4/1972

Brutenets (chuyên viên của Ban) tập trung một số mối quan hệ từ Armenia và Azerbaizhan. Họ kể cho anh ấy nghe về việc ác cảm và thậm chí là sự căm thù đang gia tăng đối với người Nga do những loan truyền nhận định (mà ngay cả những cán bộ đảng cũng như chính quyền địa phương ở hai nước cộng hòa này cũng tiếp tay như một cách tự biện minh cho mình) rằng mọi sự đang rất tồi tệ, rằng cấp trên đang o ép đủ bề, mà cấp trên đó toàn là người Nga, lãnh đạo một cách thiếu chuyên môn, kém hiểu biết, ngu ngốc.

22/7/1972

Liên Xô mua của Mỹ 750 triệu USD ngũ cốc (để thực hiện lời hứa “có đủ thịt cho người dân Xôviết”). Trên báo chí của ta tất nhiên là không có tin gì về việc này, dẫu rằng hợp đồng đó, về kích cỡ sánh ngang với chương trình Lend – Lease (hỗ trợ của Mỹ cho các nước Đồng minh trong chiến tranh thế giới thứ hai), là chưa từng có trong lịch sử Liên bang Xôviết.

8/8/1972

Lại những ngày nhiệt độ lên tới 35-36° (...) (Tại tỉnh Astrakhan, diện tích giống gieo mùa đông chết cả trăm phần trăm, gieo lại cũng mất giá như thế; diện tích cây mùa xuân cũng chết cả trăm phần trăm; mùa xuân cũng chết từng ấy gia súc; giờ mỗi ngày cũng chết rừng; cỏ thảo nguyên và trên đồng cũng bị cháy khô; mùa thu tới sẽ không có gì cho gia súc ăn. Nước uống ở Astrakhan (đủ tiêu chuẩn vệ sinh) hầu như không có nữa. Hệ thống kênh mương hư hỏng. Bệnh tả lan rộng…

Brezhnev chỉ đạo đưa tới vùng nông thôn 50 nghìn xe quân sự và chuyển từ lĩnh vực công nghiệp (bất chấp mọi hoàn cảnh) thêm 25 nghìn nữa sang làm thu hoạch vụ mùa, vơ bèo gạt tép mọi thứ có thể được (Nói thêm là ở Moskva đã biến mất hẳn các xe rửa đường vì chúng cũng bị chuyển tới các vùng nông thôn). Trong khi đó thì ở Krym, dành riêng cho Brezhnev là bể bơi với những bức tường di động và mái che trong suốt có thể chắn được gió thổi từ biển vào hoặc có thể trở thành mái nhà. Gần “nhà nghỉ số 1” đó là những ngôi nhà nghỉ mới xây, trong đó có những cái dành cho các bộ trưởng cỡ bự và các trưởng phó các ban của Đảng – những ngôi biệt thự bốn tầng với tường dán giấy Nhật, với những quầy rượu và máy lạnh, với đồ gỗ đặc biệt từ Hungary và những ban công nằm choài ra mặt biển.

9/10/1972

Louis Aragon (nhà văn, đảng viên cộng sản Pháp) được tặng huân chương Cách mạng Tháng Mười. Chỉ cần vì một phần mười những gì ông này từng nói về chúng ta trong chuyện liên quan tới Solzhenitsyn và Tiệp Khắc, đã có ai đó trong số các tác giả Xôviết bị khai trừ khỏi Đảng và mất việc.

12/12/1972

Dự thảo báo cáo của Brezhnev trong lễ kỷ niệm 50 năm Liên bang Xôviết sắp tới được phát đi. Trong phần chính – vấn đề dân tộc được ghi nhận là đang tồn tại nhưng ở hình thức rất cân nhắc. Trong khi đó thì chủ nghĩa bài Do Thái công khai, trắng trợn đang lan tràn ở Ukraina và ở cả Moskva nữa, chủ nghĩa bài Nga ở Litva. Điều gì sẽ xảy ra với tình hữu nghị vĩ đại giữa các dân tộc của chúng ta sau 20 năm nữa?

31/12/1972

Trước lễ kỷ niệm 50 năm là hội nghị BCH TƯ. (...) Brezhnev đã có một bài phát biểu dài (...) “Chúng ta trong thực tế đã không hoàn thành được kế hoạch năm năm về tất cả các chỉ tiêu, ngoại trừ một số chỉ tiêu riêng lẻ”. (...) “Đồng chí không biết xấu hổ à, đồng chí Kasanets (bộ trưởng bộ luyện kim đen) khi khoe rằng đồng chí luyện kim được hơn cả Mỹ? Thế chất lượng kim loại thế nào? Tại sao từ mỗi một tấn chỉ có 40% là thành phẩm so với tiêu chuẩn Mỹ, còn lại toàn phế phẩm?! (...) “Chúng ta vẫn như trước đây chỉ nhận được 90 côpếch lợi nhuận từ một rub đầu tư, còn người Mỹ thì ngược lại, cứ 90 sent đầu tư thì nhận được một USD lợi nhuận…” Arbatov (viện sĩ, thành viên ủy ban kiểm toán) nói: “Chúng tôi đã luôn luôn khuyên đồng chí ấy (Brezhnev) ít lên truyền hình thôi. Và cũng không chỉ riêng đồng chí ấy phải bớt xuất hiện trước công chúng. Sự lão hóa của đồng chí ấy là quá rõ đối với tất cả mọi người…”

8/1/1973

Chúng tôi tổng hợp (theo chỉ đạo của BCH TƯ) những yêu cầu của các đảng anh em, được bày tỏ trong dịp lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập LB Xôviết. Chủ yếu đó là tiền và tiền: để xuất bản báo chí, xây dựng các công ty nhỏ, trả lương hưu cho các cựu chiến binh cũng như để thí dụ như là xếp cháu gái vào học trong nhạc viện Moskva, cấp học bổng cho con trai ở trường đại học tổng hợp Kiev , “giúp” viết sách (tức là chắp bút cho lãnh đạo rồi lãnh đạo ký tên là tác giả)… Tóm lại là một bức tranh gây bức bối…

6/2/1973

Giám đốc nhà máy luyện kim tuyên bố rằng ông có thể trong quý một hoàn thành kế hoạch cung cấp đường ống cho các xí nghiệp nhưng trong tháng 1, ông chỉ cung cấp 13% khối lượng đặt hàng, trong tháng hai - 27%, và tới tháng ba mới cung cấp nốt phần còn lại. Biết phải làm gì bây giờ đây? Xí nghiệp nhận ống sẽ phải làm việc thế nào khi có một nhà cung cấp như thế? Nó sẽ phải trả lương cho công nhân bằng thứ gì? Làm sao nó thực hiện được kế hoạch của mình? Hay là: công trường cần thứ kim loại này thì lại phải nhận thứ kim loại khác, rồi thứ đó bị vứt vạ vật đến hư hỏng, vì không thể sử dụng được nó. Nhưng nhà cung cấp vẫn hoàn thành được kế hoạch và thậm chí còn được nhận thưởng…

8/2/1973

Mới đây tôi đã tiếp Boris Pankin, tổng biên tập tờ Komsomolka (Komsomolskaya Pravda). Ông ấy nói: “Tai họa chung của chúng ta (cũng như tai họa riêng của những người như tôi và anh) là ở chỗ, nắm những vị trí thừa hành chủ chốt toàn những kẻ dớ dẩn” (...) Safronov (nhà văn Xôviết, tổng biên tập tạp chí “Ngọn lửa nhỏ”) xuất bản tập một trong bộ tuyển tập của mình và nhận được 75 nghìn rub! Chuyện gì đang xảy ra thế!

9/2/1973

Đọc cuốn “Số phận” của Proskurin (nhà văn Xô viết). Viết về giai đoạn tập thể hóa. Sự phục hồi hình ảnh Stalin. Ở thư viện BCH TƯ, mọi người phải xếp hàng chờ đến lượt mượn đọc.

4/3/1973

Đoàn đại biểu những người cộng sản Anh trở về Moskva (Leningrad, Kiev, Vilnius, Lvov). Tôi phải mất công với họ nhiều nhưng tổng kết lại cũng thú vị. Ngay từ Moskva, ở nhà máy xe du lịch, họ đã hỏi: “Mức lương trung bình của các đồng chí ở nhà máy là bao nhiêu?” – 150 rub. Thế hả? Và họ tính nhẩm rất nhanh: “Vậy là phải ba năm làm việc, không ăn, không uống, không xem phim thì mới có đủ tiền mua ô tô”. Sau đó là bắt đầu cuộc tranh luận quyết liệt bất phân thắng bại. (...) Sáng ra tất cả phải xin lỗi nhau. (...) Kapitonov (bí thư BCH TƯ phụ trách công tác tổ chức) (...) mau mắn kể chuyện hôm nay Leonid Ilich (Brezhnev) đã ký thẻ đảng số 1 cho Lenin. Các đồng chí người Anh mắt tròn mắt dẹt và khó khăn lắm mới giấu được vẻ châm biếm. (...) Thoạt tiên tôi cảm thấy xấu hổ nhưng rồi cảm thấy hãi hùng. Một người như thế mà lại lãnh đạo công tác cán bộ của LB Xôviết! Và thật may mắn vì ông ấy không phải là người ác. Nhưng tư chất của ông ấy, cách ông ấy hình dung về phẩm hạnh con người, về những gì cần cho nhân dân chúng ta, thì không thể nào định nghĩa được, vì đó là thứ gì đó rất rối lẫn (...) Câu chuyện đã không kết thúc bởi thẻ đảng số 1. Hôm sau trên báo Pravda xuất hiện tin về việc thẻ đảng số 2 được trao cho L.I. Brezhnev!..

19/3/1973

Người CHDC Đức dứt khoát không chịu chấp nhận hệ thống tiêu chí quốc gia của chúng ta và vẫn sử dụng hệ thống tiêu chí chung của nền kinh tế thị trường Tây phương. Qúy vị còn muốn gì nữa! Đưa thành học thuyết tính khu biệt của một dân tộc vĩ đại ở cuối thế kỷ ХХ! Đó lẽ nào không là điều phi lý! Chúng ta cần suy nghĩ một cách nghiêm túc về “khái niệm Đức”. Khác đi chỉ sau năm sáu năm nữa chúng ta sẽ phải đối diện ở CHDC Đức một tình thế mà chỉ có lực lượng quân sự chiếm đóng sẽ không còn là đủ nữa.

4/4/1973

Đang hình thành một khoảng chân không trong đời sống tinh thần. Lớp trẻ (bộ phận ưu tú nhất trong số này) đang trở nên thực dụng, sành việc, chuẩn bị tự mình thành những chuyên gia, sớm lập gia đình. Một tầng lớp, tương đối mỏng, các phần tử “con ông cháu cha” đang bị suy đồi đi nhờ bổng lộc của cha ông. Những người còn lại thì chỉ làm việc và sống mà không hề đau đáu nghĩ ngợi gì cả. Tồn tại cả một nhóm những cán bộ đoàn to mồm chém gió và âm thầm xu phụ danh lợi. (...) Lát cắt lớp trẻ này bộc lộ rõ thực trạng của xã hội chúng ta.

29/4/1973

Về hội nghị. (:) Andropov. Tôi để ý tới đoạn phát biểu này: “Một mặt trận thống nhất của những thế lực đế quốc chống cộng, những phần tử xét lại tả khuynh lẫn hữu khuynh với những… phần tử bài Do Thái – đang chống lại chúng ta. Chúng sử dụng rộng rãi du lịch vào mục đích gián điệp, đúng hơn, để tiến hành “các điệp vụ tư tưởng”. Và nữa: sự tích cực hoạt động của những phần tử Sion hướng tới mục đích không chỉ tạo ra sự di cư tự do của những người gốc Do Thái ở nước ta mà còn nhằm làm nảy sinh “vấn đề Do Thái”. (...) Brezhnev hướng tới Andropov: “KGB, đó trước hết là hoạt động to lớn và nguy hiểm ở hải ngoại. Cần phải đủ năng lực và tính cách... Không phải ai cũng có thể ... không bán mình, không phản bội, vững vàng trước những cám dỗ. Đó không phải là việc mà các đồng chí có thể dùng bàn tay sạch (ông xoa hai bàn tay với nhau). Ở đây cần một lòng dũng cảm to lớn và sự trung thành tột bậc”. Tất cả những lời này được phát biểu công khai trong tiếng vỗ tay rầm rộ. (...)

Sự kiện: Hai phần ba các khoản cho vay tín dụng của chúng ta được chuyển tới Cuba, Mông Cổ…; 25% giá trị xuất khẩu là vũ khí và thiết bị sang cho các nước đang phát triển; 2/3 các mối quan hệ kinh tế của chúng ta là với các nước xã hội chủ nghĩa.

24/6/1973

Giáo sư A.M. Kovaliov, trưởng khoa chủ nghĩa cộng sản khoa học thuộc trường đại học tổng hợp quốc gia Moskva mang tên Lomonosov (MGU) than thở: “Tại sao lại thành như vậy? Tất nhiên, hòa bình là chuyện tốt lành. Lenin cũng ủng hộ hòa bình. Nhưng chúng ta đang ký kết các hiệp định kinh tế với chủ nghĩa tư bản trong thời hạn từ 30 tới 50 năm... Chúng ta xây dựng cơ sở vật chất trong cơ chế quan hệ hòa bình. Đồng thời chúng ta đã kết dính chặt với chủ nghĩa tư bản. Và giúp đỡ họ thoát khỏi các cuộc khủng hoảng… Như vậy có nghĩa là chúng ta xuất phát từ quan điểm là trong vòng 30-50 nữa ở đó sẽ không có một cuộc cách mạng nào. Vậy thì chúng tôi bây giờ phải giảng dạy bộ môn chủ nghĩa cộng sản khoa học như thế nào? Và phải nói gì về sự giãy chết của chủ nghĩa tư bản?”

Xếp hàng chờ mua thực phẩm.

4/8/1973

Todor Zhivkov (Tổng Bí thư BCH TƯ Đảng Cộng sản Bulgari) đánh giá tình hình rất bi quan và chỉ nhìn thấy lối thoát ở việc đưa Bulgari thành một nước cộng hòa trong thành phần Liên bang Xôviết. Tại Ba Lan và Hunggary là chủ nghĩa bài Xô viết và tư tưởng dân tộc chủ nghĩa. Nói chung, ở đâu cũng có “vấn đề” thanh niên và trí thức, thậm chí ngay cả ở Mông Cổ, nơi mà tầng lớp văn minh (nhờ tiền của trợ giúp của chúng ta) không muốn hòa nhập lại với xã hội nước mình.

27/8/1973

Ở Chile rõ ràng là mọi việc đang đi tới sự kết thúc.

11/9/1973

Đảo chính quân sự ở Chile (...) Cuộc cách mạng của Allende chỉ lo việc xáo trộn, tranh cãi và tuyên ngôn ầm ĩ. Đó dĩ nhiên là tình cảnh căn bản của các cuộc cách mạng hiện đại.

12/9/1973

Allende đã tự sát. Hôm qua tôi đã linh cảm rằng câu chuyện này sẽ có kết cục như thế. Bè lũ độc tài đã bắt tay vào việc. (...) Trong vòng hai năm qua, sự bất lực của chính phủ (Allende), cả về chính trị, hành chính và đặc biệt là về kinh tế đã làm phá giá cách mạng, và ít còn ai muốn dâng hiến đời mình cho một công việc không có triển vọng gì tốt đẹp.

14/9/1973

Hôm qua mình đã gửi các phác thảo kế hoạch chuẩn bị hội nghị các đảng cộng sản ở châu Âu. (...) (Người Anh, người Pháp và người Italia) nhấn mạnh sự không chấp nhận đối với họ về “mô hình Xôviết, hình mẫu Nga” và đánh giá Cách mạng Tháng Mười chỉ như một thực tế khách quan đã và đang tạo ra được ảnh hưởng tới tiến trình lịch sử thế giới, cần được tính đến nhưng hoàn toàn không nhất thiết phải sao chép lại và không gắn chính sách của mình với những ý định và ham muốn của Đảng Cộng sản Liên Xô.

17/12/1973

Không hoàn thành kế hoạch về năng lượng, kim loại, hóa học, công nghiệp nhẹ… Dự trù một kế hoạch cực kỳ căng thẳng cho năm 1974 vì khác đi sẽ cháy kế hoạch năm năm: trong ba năm đầu mới chỉ đạt được mức tăng 44 tỉ rub từ số 103 tỉ theo trù tính cho cả năm năm. (...) 60-70 triệu tấn kim loại khi được luyện đã trở thành phế phẩm. Về tổng số kim loại để chế tạo máy thì chúng ta sản xuất được bằng tổng số của cả Mỹ, Nhật Bản và CHLB Đức cộng lại, nhưng về số lượng máy và năng suất được chế tạo từ lượng kim loại đó và thì chúng ta thua xa tất cả các nước này tính riêng lẻ. Phần Lan xuất khẩu gỗ chỉ bằng một phần mười chúng ta nhưng lại thu được số ngoại tệ lớn gấp hai lần. Đó là vì gỗ xuất khẩu của chúng ta tuyền ở dạng nguyên liệu thô.

Chúng ta thỏa thuận với CHLB Đức về việc xây dựng cho họ trên cơ sở bồi thường một đường ống dẫn khí đốt nhưng lại không hoàn thành đúng kế hoạch nên bị đòi phạt 55 nghìn USD cho mỗi ngày quá hạn. Tại các kho đang tồn đọng tới 2 tỉ rub hàng hóa bán ế, tức là loại hàng hóa cho cũng không ai thích nhận. Đó tương đương với tổng số vốn đầu tư cho cả ngành công nghiệp nhẹ trong khoảng thời gian còn lại của kế hoạch 5 năm.

Dự án xây dựng Kamaz đã được định giá ở mức 1 tỉ 700 triệu rub. Nhưng bây giờ hóa ra là cần thêm 2,5 tỉ rub nữa và sau đó có thể còn cần thêm nhiều hơn. Năm 1955 đã quyết định xây tại thành phố Salawat một nhà máy sản xuất kính nổi. Dự án chuẩn bị được hoàn thành vào năm 1962.Thế nhưng năm 1961 người Anh đã mời chúng ta mua nhà máy công nghệ mới. Năm 1965, chúng ta đã mua công nghệ này và có ba nhà máy làm theo công nghệ đó, cho sản phẩm rất tốt. Tuy nhiên, nhà máy ở Salawat vẫn tiếp tục được xây dựng. Năm 1972, nhà máy này mới được xây xong nhưng hóa ra là công nghệ ở đó rất tồi. Toàn bộ nhà máy bị xóa sổ. Ai phải chịu trách nhiệm về việc này, cho đến này vẫn không thể quy tội được.

Các động cơ hàng không và xe hơi của chúng ta có công suất kém hơn của họ nhiều. Tại Kursk xây dựng một nhà máy dệt kim với máy móc nhập khẩu để sản xuất những loại vải hiếm hoi nhất. Nhưng nó chỉ được hoạt động một nửa công suất vì thiếu nhân công. Hóa ra là khi thiết kế nhà máy người ta đã không lo tới việc xây nhà cho công nhân ở.

Một lượng lương thực lớn (tôi không kịp ghi con số thống kê cụ thể) được thu hoạch trong năm nay đã bị hỏng vì được bảo quản ở ngoài kho lộ thiên. Hao hụt và hư hỏng lương thực, xi măng, rau quả và nhiều thứ khác lên tới hàng triệu rub do thiếu nhà kho và phương tiện vận chuyển. Do chất lượng kim loại kém nên chúng ta đã phải nhồi vào các công trình số lượng kim loại lớn hơn nhiều so với cần thiết.

Các cửa hàng trống rỗng.

31/12/1973

Kết quả của năm 1973 trong lĩnh vực chính trị nội bộ có lẽ hiện lên rõ nhất qua thông báo buổi sáng sớm trên đài phát thanh về lời chúc “lúc 23h45 của Tổng Bí thứ BCH TƯ Đảng Cộng sản Liên Xô, đồng chí Leonid Ilich Brezhnev gửi nhân dân Xôviết nhân dịp năm mới”: trước đó chưa bao giờ có một thông báo như thế. Thường là lời chúc phải từ Đoàn Chủ tịch Xôviết Tối cao hay BCH TƯ hoặc chính phủ Liên Xô, chứ không mang tính cá nhân như thế.

15/6/1974

Buổi sáng tới Bern. (…) (Một đảng viên cộng sản người Thụy Sĩ): “Đảng đang bị đe dọa bởi một vụ tai tiếng nghiêm trọng. Vì lạm phát mà báo đang bị nguy kịch. Để bù khoản lỗ tới 200 nghìn quan Thụy Sĩ, chúng tôi đã phải sử dụng quỹ bảo hiểm của công nhân nhà in.

Nếu vụ này bị lộ thì khó tránh khỏi vòng lao lý, tức là sẽ có một vụ tai tiếng chính trị làm mất thanh danh của đảng một cách dài lâu. Cần phải có một sự giúp đỡ khẩn cấp từ phía các đồng chí”. Sáng nay mình cùng Pankov tới ngay đại sứ quán và thông qua đại diện mật ở đây đã đánh một bức điện tín về Moskva (đại sứ không được liên quan tới những việc như thế này) xin được trợ giúp. Lúc quay về mình được biết rằng vấn đề đã được giải quyết: họ đã được nhận thêm vào khoản kinh phí hàng năm 12 nghìn USD – ngay lập tức.

8/10/1974

21 năm sau ngày mất của Lenin – đó là vào năm 1945. 21 năm sau ngày mất của Stalin – đó là năm nay, 1974. Tới năm 1945, những gì còn lại từ thời Lenin? Đó chỉ là những cái chung nhất, những cái mà nếu không có thì lịch sử sau năm 1917 đã quành sang lối khác. Thế những gì còn lại sau Stalin trong giai đoạn vừa qua? Tất cả đều còn lại, ngoại trừ việc thanh trừng rộng rãi…

16/12/1974

Năm 1968 đã khởi công xây dựng xưởng đúc ống ở Sverdlovskг, tới năm 1970 lại ngừng xây. Cũng trong năm 1970 khởi công xây dựng một xưởng như thế ở Chelyabninsk và tới năm 1972 thì ngừng xây. Tới năm 1974 mới phát hiện ra rằng, dù có nhập khẩu nhưng vẫn không đủ ống. Nhưng thay vì tái khởi công những xưởng đang còn dang dở thì người ta lại bắt tay vào xây dựng xưởng mới ở thành phố khác.

24/9/1975

Bọn họ ở phương Tây bị khủng hoảng, lạm phát… Thế nhưng họ vẫn cho chúng ta vay tín dụng và cung cấp lương thực cho chúng ta, hơn 20 triệu tấn một năm.

19/10/1975

Mới đây cựu Phó ban thứ nhất (Ban Quan hệ Quốc tế BCH TƯ Đảng Cộng sản Liên Xô) Elizar Koskov được xác định mức lương hưu 270 rub và đồng thời được giữ lại nhà nghỉ ngoại ô tới mùa thu sang năm ở Uspens, những chế độ cung cấp và dưỡng bệnh tại bệnh viện Điện Kremli. Hạ cánh quá êm ái!

28/12/1975

Ngày 8/12 họp hội nghị cơ quan trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. (...) 95 % số nhà máy không sản xuất bất cứ thứ sản phẩm chất lượng cao nào, 2/3 số bộ không hoàn thành kế hoạch. Bắt buộc phải bán phá giá (vì chất lượng thấp và lỗi mốt) tới 2 tỉ rub hàng tiêu dùng nhưng chúng vẫn bị ế dài trên các kệ bày hàng. Bí thư Đảng ủy của Ủy ban Kiểm tra Đảng công bố vô số những sự việc về tham nhũng tại mọi cấp – từ các tỉnh ủy, các bộ ở các nước cộng hòa đến các nhà báo và các nhà quản lý kinh tế quốc dân. Bắt buộc phải cách chức Nasriddinova, nhiều năm liền làm Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Liên bang và sau đó bị loại bỏ khỏi BCH TƯ Đảng vì những phi vụ không thể nào tưởng tượng nổi liên quan tới nhà nghỉ, biệt thự, áo lông thú quý và xe hơi. Đám cưới con gái của bà này làm nhà nước thiệt hại tới cả triệu rub.

2/1/1976

Brezhnev (...):

“Chúng ta có ở các nước xã hội chủ nghĩa 16 nghìn xe tăng”

3/1/1976

Andropov trình Bộ Chính trị báo cáo về tình hình “những người bất đồng chính kiến” ở Liên Xô. (...) Trong 10 năm gần đây đã bắt gần 1.500 người bị hoạt động chống chế độ Xôviết. (...) Năm 1976 thống kê có gần 850 tù chính trị, trong đó có 261 người vì tội tuyên truyền chống chế độ Xôviết. Tôi ngạc nhiên vì những con số: Trong nước có tới 68 nghìn người “tình nghi”, tức là những người đã bị cơ quan an ninh KGB gọi lên cảnh cáo cấm hoạt động của họ. Cảnh báo thông qua thâm nhập để phát hiện hơn 1800 nhóm và tổ chức chống chế độ Xôviết. Nói chung, theo ý kiến của Andropov, ở Liên Xô có tới hàng trăm nghìn người hoặc đang hoạt động hoặc sẵn sàng (khi có cơ hội) hoạt động chống lại chính quyền Xôviết.

6/1/1976

Dịp nghỉ đầu năm mới, cô thư ký của mình đi về Kostroma để dự đám cưới con gái của chồng. Mình hỏi:

- Ở đó thế nào?

- Tệ lắm.

- Sao lại tệ?

- Các cửa hàng chả có gì cả.

- Sao lại không có gì?

- Thì thế. Chỉ có mấy hộp cá biển hoen gỉ. Những đồ hộp các loại súp. Ở Moskva chả ai mua chúng. Ở đó cũng chả có ai mua. Thịt thà không có bán. Lúc nào có thịt thì chen nhau mà mua. Pho mát là loại sản xuất ở Kostroma nhưng người ta bảo, không có chất lượng như bán ở Moskva đâu. Chồng tôi ở đó có nhiều bà con và người quen biết. Chúng tôi trong một tuần tới chơi nhiều nhà và ở đâu cũng được đãi ăn món dưa chuột muối, bắp cải muối và nấm, tức là những gì mà họ tích trữ được từ ruộng vườn mùa hè. Sống thế khổ thật!

Tôi kinh ngạc vì chuyện này. Đấy là tình cảnh ở trung tâm một tỉnh với 600 nghìn dân cách Moskva chỉ có 400 km! Sống thế thì nói gì được về tinh thần hứng khởi và ý tưởng sáng tạo!

Hoàng Oanh – Trung Tín(lược dịch)