Cổ truyền, truyền thống và... áo dài cách tân
Ngày nọ, thấy chị em mặc chiếc áo dài đến đầu gối có màu sắc sặc sỡ, tôi cũng tò mò, sau thì biết đó là áo dài cách tân, nhưng thú thực là kiểu áo này làm tôi liên tưởng đến xường xám (còn gọi là áo dài Thượng Hải) nhiều hơn.
Theo mấy cô thì áo dài cách tân cũng khá đắt, nhất là áo may bằng vải có họa tiết “con công”, và công nhận là nhiều cô gái mặc áo dài cách tân với quần bó trái màu rất đẹp. Áo dài cách tân ra đời một hai năm, không thấy dư luận ì xèo, đến khi chị em kết hợp áo dài cách tân với váy đụp thì ầm ĩ cả lên. Và một lần nữa, khái niệm truyền thống lại được sử dụng như là điểm tựa cho ý kiến không đồng tình, nhất là ý kiến hùng hồn của một số “chuyên gia” mà mỗi khi có sự việc gì là lập tức có mặt trên báo chí để bày tỏ tấm lòng thiết tha với truyền thống, lớn tiếng phê phán hiện tượng theo họ là đi ngược lại truyền thống, hoặc phá hoại truyền thống.
Kỳ khôi là khi phê phán áo dài cách tân ngắn đến đầu gối, rồi lấy áo dài thướt tha mà họ gọi là áo dài truyền thống ra làm khuôn mẫu, hình như họ không biết (cố tình không biết?) áo dài gọi là truyền thống cũng là một sản phẩm trang phục mà người Việt chỉ có được sau vài lần cách tân? Ngay kiểu áo dài lửng đến nửa ống chân lâu nay chị em vẫn mặc so với áo dài truyền thống cũng khác rồi. Thêm nữa, lấy áo dài truyền thống ra làm khuôn mẫu, chẳng nhẽ họ không biết vai trò của họa sĩ Cát Tường, họa sĩ Lê Phổ, rồi ít nhiều là cả vai trò bà Trần Lệ Xuân,...?
Khi đưa ra ý kiến phản đối áo dài cách tân với váy đụp, hình như một số người chưa tiếp cận từ góc nhìn của quan hệ giữa trang phục và nhu cầu thẩm mỹ, thị hiểu thẩm mỹ để lý giải tại sao người trẻ có kiểu quần áo của người trẻ, trung niên có kiểu quần áo trung niên, người già có kiểu quần áo người già; tại sao năm nay chị em thích mode này, sang năm chị em lại thích mode khác, thậm chí đầu mùa họ mặc một mode, cuối mùa lại có mode khác thay thế. Cuộc tranh luận quanh áo dài cách tân với váy đụp diễn ra chưa được ba hồi trống thì lắng xuống, tuy nhiên trên nhiều trang facebook cá nhân vẫn nhan nhản các bức ảnh chị em mặc áo dài cách tân với váy đụp, và có lẽ các bức ảnh này đã biến cuộc tranh luận thành sự kiện bi hài? Chuyện có thể qua đi nhưng vẫn e rằng vào một ngày đẹp trời nào đó, khi một mode mới ra đời song không mang dáng dấp của truyền thống, có người lại xông ra mặt tiền của báo chí để phê phán và bày tỏ sự xót xa vì truyền thống phai nhạt. Nhìn rộng ra, không khó để thấy tình trạng như vậy diễn ra đã khá lâu trong nhiều lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là trong nghệ thuật. Và thiển nghĩ, đó là kết quả của tình trạng tù mù, lẫn lộn về khái niệm.
Trong bối cảnh giới nghiên cứu văn hóa ở Việt Nam thiếu các chuyên gia đầu ngành thực sự uy tín, am tường văn hóa theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu, thì sự nổi trội của một số chuyên gia nghiên cứu văn hóa có nghề nghiệp xuất thân từ sử học, văn học, ngôn ngữ học, xã hội học, văn hóa dân gian,... cũng là điều thường tình. Nhưng sự nổi trội này lại dẫn tới hệ quả là dường như rất ít chuyên gia quan tâm đặt vấn đề cùng khảo sát, nghiên cứu để thống nhất nội hàm một số khái niệm chuyên biệt, chuyên ngành. Và do tình trạng thiếu thống nhất mà lâu nay một số khái niệm văn hóa được sử dụng theo cách hiểu của mỗi người, như khi bàn về việc nghệ sĩ Việt Nam đưa chèo, tuồng, rối nước ra biểu diễn ở nước ngoài lại có chuyên gia văn hóa nổi tiếng coi đó là tiếp biến văn hóa! Còn khi đề cập văn hóa quá khứ, chí ít thì nội hàm của hai khái niệm cổ truyền và truyền thống cũng chưa được nhận thức một cách rạch ròi, và làm cho nhiều giá trị văn hóa của các giai đoạn lịch sử trước bị xem xét lẫn lộn.
Trong giới hạn của nó, cái cổ truyền gồm các giá trị văn hóa ra đời, tồn tại trong quá khứ và được trao truyền nguyên vẹn đến hôm nay. Như với Việt Nam: đó là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên; là áo tứ thân, khăn mỏ quạ, nón ba tầm, khăn xếp, áo the,... trong trang phục; ngôi nhà mái chảy một gian hai chái, ba gian hai chái,... có nhiều hàng cột trong kiến trúc; là nón trắng, tục ăn trầu, nhuộm răng đen; là cày chìa vôi, liềm, hái, cối xay lúa, cối giã gạo,... trong cuộc sống của cư dân lúa nước; là tang phục màu trắng; là tranh Đông Hồ; hát bài chòi, vọng cổ. Các giá trị văn hóa này ra đời trong điều kiện, quan niệm,... riêng của hoàn cảnh lịch sử, từng giữ vai trò quan trọng khi đáp ứng, thỏa mãn nhu cầu văn hóa của dân tộc trong quá khứ. Rồi khi cuộc sống chuyển sang giai đoạn mới với hoàn cảnh, điều kiện, quan niệm, nhu cầu,... mới thì một số giá trị còn phù hợp tiếp tục được lưu giữ (như thờ cúng tổ tiên, tranh Đông Hồ,...); một số giá trị không còn phù hợp dần biến mất (như ăn trầu, răng đen, áo tứ thân, khăn mỏ quạ, nón ba tầm, khăn xếp, áo the,...); một số giá trị được cách tân để phù hợp với nhu cầu của con người trong thời đại mới (như áo dài, mái chảy, âm nhạc mang âm hưởng ca trù, quan họ, chèo, cải lương, hát then,...); một số giá trị bị thay thế như máy cày đã thay thế cày chìa vôi, máy xay xát thay cối xay và cối giã gạo, một số đô thị lại có xu hướng thay thế tang phục màu trắng bằng tang phục màu đen...
Thế hệ mới còn làm phong phú văn hóa với các giá trị do chính họ sáng tạo, hoặc do tiếp nhận, biến đổi qua giao lưu với văn hóa nhân loại, trong đó nhiều giá trị chưa từng xuất hiện trong ước mơ của thế hệ đi trước. Tổng hòa các yếu tố, các vấn đề, các nội dung trên làm nên dòng chảy không ngừng của văn hóa, và ở đó, những giá trị có liên hệ chặt chẽ với cổ truyền nhưng đã biến đổi, bổ sung, phát triển để có thể thích nghi với nhu cầu văn hóa của thời kỳ mới được gọi là truyền thống. Do vậy trong bản chất của nó, cái truyền thống không phải là cái cổ truyền thuần nhất, mà đã mang chứa trong nó yếu tố hiện đại. Và do đó, không phải mọi giá trị cổ truyền đều tìm được sinh khí mới trong cuộc sống mới. Điều này lý giải vì sao những giá trị gọi là truyền thống, như áo dài chẳng hạn, lại vừa có dáng dấp áo cổ truyền vừa có dáng dấp áo hiện đại. Cụ thể hơn, áo dài là áo cổ truyền đã được hiện đại hóa, và quá trình đó sẽ còn tiếp tục nếu người Việt Nam hiện tại và sau này vẫn muốn cách tân áo dài cho phù hợp với nhu cầu mới của họ. Vì thế, để bàn luận một cách thấu đáo, trước khi phê phán áo dài cách tân cũng nên trả lời câu hỏi: Áo dài cách tân liệu có phải là một cách thức làm nên truyền thống?
Chuyện áo dài cách tân còn liên quan một hiện tượng khác là mode. Với diễn trình văn hóa Việt Nam, trước thế kỷ XX, mode chưa ra đời như một hiện tượng xã hội. Các cô gái vẫn mặc áo tứ thân, áo mớ ba mớ bảy, thắt lưng hoa lý, đội nón quai thao, như mẹ cô, bà ngoại cô, cụ ngoại cô,... từng mặc. Chỉ đến thời như Hoài Thanh viết: “Chúng ta ở nhà tây, đội mũ tây, đi giầy tây, mặc áo tây... Nào dầu tây, diêm tây, nào vải tây, chỉ tây, kim tây, đinh tây” thì mode mới từng bước du nhập, làm cho người Việt bắt đầu có nhu cầu thay đổi để làm đẹp mình, chí ít là về trang phục. Rồi khi mode trở nên phổ biến, nhu cầu làm đẹp không còn là nỗi e dè như trong Cô Kếu gái tân thời của Nguyễn Công Hoan thì cô gái “Khăn nhỏ, đuôi gà cao - Em đeo dải yếm đào - Quần lĩnh, áo the mới - Tay cầm nón quai thao” trong thơ Nguyễn Nhược Pháp, hoặc ca từ (thơ A Khuê) trong ca khúc Về đây nghe em của Trần Quang Lộc rằng “Về đây nghe em, về đây nghe em - Về đây mặc áo the, đi guốc mộc” chỉ còn là hình ảnh dĩ vãng đọng lại trong ký ức thế hệ đi trước.
Không thể ngăn trở điều đó, cũng không ai nghĩ tới việc ngăn trở điều đó. Bởi sự ra đời của mode là biểu thị của nhu cầu thẩm mỹ và thị hiếu thẩm mỹ; mà nhu cầu thẩm mỹ và thị hiếu thẩm mỹ lại luôn biến động vì bị phụ thuộc vào trình độ và năng lực thẩm mỹ, rồi sở thích, lứa tuổi, nghề nghiệp, đặc thù văn hóa cộng đồng, khả năng kinh tế của mỗi người, khả năng kinh tế của nhóm người gần gũi về lứa tuổi, khu vực sinh sống,...
Các yếu tố luôn luôn biến động này quyết định mode cũng là hiện tượng xã hội luôn luôn biến động. Mới có chuyện năm 2015 chị em mặc áo dài cách tân với quần bó trái màu, năm 2016 lại chủ yếu là mặc áo dài cách tân với váy đụp, làm cho kiểu mặc của năm ngoái trở thành mode của quá khứ, và ai có thể bảo đảm sang năm, áo dài cách tân với váy đụp tiếp tục thịnh hành? Hơn nữa, khi ý thức về sự toàn vẹn của bản thân ra đời và phát triển, mode trang phục trở thành yếu tố giúp vào sự làm đẹp như bổ sung, hoàn chỉnh, khuếch đại điểm mạnh của cơ thể, đồng thời che giấu hạn chế của cơ thể, thì trước hết vấn đề là ở chỗ chị em mặc có đẹp hay không, có dấu hiệu “phản văn hóa” hay không, có phù hợp với khả năng kinh tế của bản thân và xã hội hay không,...; và không nên vì áo dài cách tân không gần gũi với áo dài truyền thống mà lên tiếng phản đối. Vả lại xét cho cùng, nếu đơn giản gọi là cái áo có khi cũng chẳng sao, nhưng vì gọi là áo dài cách tân nên mới có cơ hội để một số vị có cơ hội bày tỏ tình yêu truyền thống?!