Xử lý nghiêm để giữ phép nước
Dù đã có nhiều văn bản pháp luật để xử lý cán bộ khi có sai phạm, nhưng việc xử lý không nghiêm khiến người dân bức xúc. Trao đổi với ĐĐK, ông Đỗ Đức Hồng Hà - Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng giải pháp đột phá chính là con người. Có đạo đức, có năng lực mới có được kỷ cương. Vì vậy, cùng với việc xử lý nghiêm sai phạm thì cần phải đào tạo bồi dưỡng, rèn luyện để họ thấy trách nhiệm của mình với Đảng, Nhà nước, nhân dân trong việc thực thi nhiệm vụ.
Ông Đỗ Đức Hồng Hà.
PV: Thưa ông, thời gian qua có tình trạng kỷ cương phép nước không nghiêm dù đã có nhiều văn bản quy định xử lý cán bộ khi xảy ra vi phạm. Vậy theo ông nguyên nhân do đâu và cần tháo gỡ thế nào?
Ông Đỗ Đức Hồng Hà: Quan trọng nhất và giải pháp đột phá chính là con người. Chúng ta có pháp luật tốt nhưng tổ chức thực thi không tốt. Rồi chúng ta tổ chức thực thi tốt nhưng con người năng lực, đạo đức, trách nhiệm không tốt. Cho nên tất cả các cái đó dẫn đến hiệu quả kém. Cho nên giải pháp đầu tiên là phải hướng đến con người. Phải đào tạo bồi dưỡng rèn luyện để họ thấy trách nhiệm của họ với Đảng, Nhà nước, nhân dân trong việc thực thi nhiệm vụ.
Thứ hai khi chúng ta đã trang bị cho họ đủ nhận thức, đủ năng lực thì điều quan trọng là họ tự rèn luyện để có đạo đức tốt. Có đạo đức, có năng lực mới có được kỷ cương. Thứ ba là những người đã được trang bị năng lực, nếu thực hiện tốt thì phải có chế độ chính sách đãi ngộ thỏa đáng và khen thưởng kịp thời. Thứ tư, bên cạnh việc khen thưởng cũng phải xử lý nghiêm những cán bộ công chức vi phạm pháp luật, thiếu trách nhiệm và cũng đưa ra khỏi đội ngũ cán bộ công chức những người thiếu năng lực, thiếu phẩm chất đạo đức. Đó là những cái sẽ giúp chúng ta thắt chặt lại kỷ cương và duy trì trật tự của bộ máy nhà nước.
Thời gian qua cử tri rất bức xúc về tình trạng cát tặc, lâm tặc và cho rằng có một bộ phận cán bộ“chống lưng” cho sai phạm nhưng không bị xử lý. Ý kiến của ông?
- Xử lý cát tặc, lâm tặc cũng liên quan đến 4 vấn đề mà tôi nêu ở trên. Đó là phải giáo dục cho đội ngũ cán bộ công chức hiểu về tác hại để xảy ra các hành vi cát tặc, lâm tặc và phải có sự căm thù các hành vi đó vì nó hủy diệt môi trường sống của chúng ta, thậm chí con cháu nhiều thế hệ sau. Thứ hai cũng phải có biện pháp xử lý nghiêm những cán bộ công chức thiếu trách nhiệm để xảy ra hiện tượng cát tặc, lâm tặc. Nhưng cần xử lý càng nghiêm hơn với những người cố tình bao che, tạo điều kiện, hay đồng phạm với cát tặc, lâm tặc thì phải có chế tài nghiêm khắc.
Chúng ta nói nhiều đến trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra những tiêu cực vi phạm, nhưng thời gian qua chúng ta xử lý quá ít dẫn đến không nghiêm, thưa ông?
- Thực ra xử lý ít hay nhiều cũng chưa hẳn nói lên điều gì. Bởi Quốc hội đã có Nghị quyết về chống oan sai. Cho nên muốn xử lý được cũng phải có đủ chứng cứ. Thời gian qua Đảng, Nhà nước rất quyết liệt trong xử lý người đứng đầu, những cán bộ công chức có sai phạm đều bị xử lý, kể cả đương chức lẫn nghỉ hưu và không có vùng cấm. Những người nào chúng ta chưa đủ chứng cứ thì tiếp tục thu thập chứng cứ, khi nào có đủ chứng cứ sẽ xử lý. Cho nên tôi tin tưởng sự quyết liệt của Đảng, Nhà nước sẽ dần dần thắt chặt được kỷ luật, kỷ cương như mong muốn của cử tri và nhân dân.
Nhưng thưa ông có một thực tế là ở Trung ương thì lãnh đạo rất quyết liệt, quyết tâm chỉ đạo rốt ráo nhưng xuống dưới địa phương chuyển biến chậm và chưa thấm nhuần chỉ đạo đó?
- Vấn đề này cũng như con tàu, bao giờ chuyển động cũng từ đầu tàu rồi đến các toa tàu, dần dần đến toa tàu cuối cùng. Theo tôi nhận thức và hành động cũng là một quá trình. Nhưng quan trọng nhất là trên đã chuyển động thì tất yếu dưới cũng sẽ chuyển động. Các cụ đã có câu “thượng bất chính thì hạ tất loạn”, nhưng trên mà nghiêm minh thì dưới sẽ phải tuân thủ. Cho nên tôi tin tưởng chắc chắn là dần dần kỷ cương từ trên xuống dưới sẽ được thực hiện một cách nghiêm minh.
Trong xử lý cán bộ chúng ta đang có điểm nghẽn nào, thưa ông?
- Chúng ta đang rất quyết tâm xử lý điểm nghẽn trong kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV này. Đó là những quy định trong Bộ luật Hình sự sửa đổi, nếu chúng ta sửa đổi hoàn thiện và thông qua tại kỳ họp này thì có thể nói cơ bản xử lý những điểm nghẽn trong xử lý cán bộ vi phạm. Chẳng hạn như quy định của Bộ luật Hình sự cũ năm 1999 trong xử lý tội phạm có nhiều quy định mang tính định tính, không có văn bản hướng dẫn thì không thực hiện được cho nên có thể dẫn tới bỏ lọt tội phạm, hoặc xử lý không thống nhất thì Bộ luật Hình sự năm 2015 đã sửa đổi từ định tính sang định lượng. Thứ hai một số quy định trong Bộ luật năm 1999 có một số hình phạt còn nhẹ, Bộ Luật năm 2015 sửa đổi lần này đã có sự điều chỉnh cho nó tương xứng với tính chất và mức độ của hành vi phạm tội, và đặc biệt có mở rộng thêm hình phạt tiền nhất là đối với tội phạm về kinh tế, tham nhũng đối với những người có chức vụ quyền hạn.
Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng cần đưa vào trong Bộ luật Hình sự (sửa đổi) thêm tội danh về việc bổ nhiệm cán bộ không đúng, nhất là việc “cả nhà làm quan”. Quan điểm của ông?
- Thực ra cái đó đã có trong Bộ luật Hình sự 2015, nếu được thông qua sẽ đủ cơ sở pháp lý và công cụ để xử lý các trường hợp đó.
Trân trọng cảm ơn ông!