Dự án Đại học Hoa Lư (Ninh Bình): Bỏ hoang công trình nghìn tỷ

Anh Tuấn 12/06/2017 08:35

Năm 2011, tỉnh Ninh Bình tổ chức khởi công xây dựng Dự án Đại học Hoa Lư mở rộng với tổng nguồn vốn gần 1.400 tỷ đồng. Thế nhưng, đến nay, sau gần 7 năm tính từ ngày đặt viên gạch đầu tiên, công trình vẫn chưa thể hoàn thiện, bỏ hoang, gây lãng phí ngân sách nhà nước. Công trình gần như án binh bất động, mặc cho người dân chăn thả trâu, bò bên trong khuôn viên không có người bảo vệ.

Dự án Đại học Hoa Lư đang bị bỏ hoang hoá.

Công trình dãi dầu mưa nắng

Dự án Trường Đại học Hoa Lư (DAĐH Hoa Lư) được UBND tỉnh Ninh Bình quyết định đầu tư vào năm 2010 từ nguồn ngân sách Trung ương và Chương trình mục tiêu quốc gia. Công trình được tỉnh này giao cho Trường ĐH Hoa Lư làm chủ đầu tư và tổ chức khởi công xây dựng năm 2011, dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng đầu năm 2016. Tuy nhiên, sau 3 năm xây dựng, DAĐH Hoa Lư bị bỏ hoang, mặc cho cỏ dại bao trùm. Công trình này được xây dựng trên khu đất rộng 15ha với một khối nhà cao hơn 10 tầng và khu kí túc xá cơ bản xong phần thô đang mặc cho nắng mưa, rêu mốc huỷ hoại. Các hạng mục khác như sân chơi thể thao, sân nền quanh trường chưa được xây dựng.

Một lãnh đạo Trường ĐH Hoa Lư cho biết, nguyên nhân khiến DA bị chậm tiến độ là do thiếu vốn. Mỗi năm UBND tỉnh Ninh Bình cấp nhỏ giọt khoảng 10 tỷ đồng nên việc xây dựng hết số tiền được cấp lại phải tạm dừng chờ tới kỳ cấp vốn tiếp theo. Từ thực trạng đó, căn cứ đề nghị của UBND tỉnh Ninh Bình về việc hoàn chỉnh phương án phân bổ kế hoạch vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương năm 2015, Bộ KH&ĐT đã rà soát, trình Chính phủ bố trí kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2015 cho dự án này 10 tỷ đồng.

Bộ KH&ĐT giải thích thêm, DA này được giao kế hoạch hàng năm là dự án nhóm A (theo Luật Đầu tư công) với tổng mức đầu tư 1.352 tỷ đồng. Số vốn đã bố trí đến hết kế hoạch năm 2015 là 222,9 tỷ đồng. Trong đó ngân sách trung ương 72,12 tỷ đồng; ngân sách địa phương 150,8 tỷ đồng từ chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng để thực hiện các hạng mục: Nhà hiệu bộ, nhà thư viện, giảng đường A, giảng đường B, san lấp mặt bằng cổng, tường rào... Về việc này, trong văn bản giải trình của Bộ KH&ĐT gửi Kiểm toán Nhà nước nêu: “Tại thời điểm giao kế hoạch năm 2015 chưa có văn bản nào thông báo về việc không tiếp tục thực hiện DA. Do đó, hiện chưa thể khẳng định được DA đã dừng xây dựng và không phát huy hiệu quả!”

Chỉ tuyển được 30% chỉ tiêu

Việc thực hiện DAĐH Hoa Lư mở rộng là nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo cho trên 10.000 sinh viên mỗi năm. Song số lượng sinh viên thực tế rất ít nên cơ sở vật chất xây dựng trước đó cơ bản vẫn đang đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu giảng dạy. Cụ thể, trong mấy năm gần đây, ĐH Hoa Lư đặt chỉ tiêu tuyển sinh 800 sinh viên/năm. Nhưng số lượng sinh viên tuyển được chỉ đạt khoảng 30% chỉ tiêu, tương ứng 300-400 sinh viên/năm. Như vậy có thể thấy, việc quyết định đầu tư DAĐH Hoa Lư cần phải được đưa ra “mổ xẻ” về mặt hiệu quả.

Theo tìm hiểu được biết, Bộ KH&ĐT là đơn vị đầu mối phân bổ tổng nguồn vốn đầu tư phát triển về địa phương. Sau đó UBND tỉnh sẽ phân bổ chi tiết từng dự án và trình quay trở lại để Bộ KH&ĐT rà soát lần cuối và DAĐH cũng được Bộ KH&ĐT duyệt trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh Ninh Bình. Tuy nhiên, qua sự việc này cho thấy Bộ KH&ĐT có thiếu sót là thẩm định chưa rõ ràng để để lọt dự án chưa phát hiệu quả. Với DAĐH, số tiền 10 tỷ đồng được Bộ KH&ĐT bố trí kế hoạch vốn năm 2015 cho DAĐH Hoa Lư có thể dùng thanh toán nợ đọng của dự án sẽ hữu ích hơn.

Quay trở lại hiện trạng của DAĐH Hoa Lư hiện tại cho thấy: Khối công trình đang bị xuống cấp trầm trọng. Đập vào mặt là khu vực cổng bị vỡ vụn thành từng mảng rất thê thảm. Bên trong khu nhà đã xây cao khoảng hơn 10 tầng trở thành nơi nghỉ trưa của một số người dân địa phương đi chăn bò. Bên cạnh đó là một hợp phần khác đã đổ xong móng, đang thi công tầng một, toàn bộ phần sắt thép bỏ mặc cho mưa nắng bào mòn. Giữa mùa hè oi bức, công trình DAĐH Hoa Lư khá hoang vắng, không có bóng người, chỉ có đàn trâu, bò lên tới vài chục con miệt mài gặm cỏ.

Anh Tuấn