Vì sao chưa xếp hạng di tích Quốc gia đền ông Hoàng Mười?

Hoàng Minh 12/06/2017 08:35

Nhằm nhận diện những giá trị lịch sử của di tích và lễ hội đền ông Hoàng Mười, mới đây tại Hà Nội, UBND huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An) và Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Giá trị lịch sử, văn hóa của di tích đền ông Hoàng Mười, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An”. Những đóng góp tại hội thảo sẽ là cơ sở để địa phương tiến tới lập hồ sơ đề nghị công nhận đền ông Hoàng Mười là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia.

Đền ông Hoàng Mười.

Cần sưu tầm thêm nhiều hiện vật

Tại hội thảo các đại biểu đều khẳng định trong hệ thống điện thần của tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ, Tứ phủ, ông Hoàng Mười có một vị trí đặc biệt. Ngài được xem là một “Đức Thánh Minh” trong hàng các ông Hoàng và được người dân sùng bái, ngưỡng mộ, thờ cúng ở nhiều nơi trong cả nước. Trong đó nổi bật nhất là các ngôi đền dọc sông Lam xứ Nghệ, nơi ông được giao trấn giữ lúc sinh thời và cai quản về tâm linh khi hiển thánh. Trong tâm thức dân gian, ông Hoàng Mười luôn là biểu tượng của một nhân cách văn võ song toàn, tài hoa đức độ, kinh bang tế thế, “sinh vi tướng, tử vi thần”...

Đền thờ ông Hoàng Mười ở làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An là một ngôi đền linh thiêng có tiếng, thu hút đông đảo người dân và thanh đồng đến cúng lễ vào dịp hội xuân và tháng 9 -10 âm lịch hàng năm. Hiện nay, việc phụng thờ ông Hoàng Mười đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh không chỉ giữa những người thực hành đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ mà cả với nhiều tầng lớp nhân dân trong xã hội. Tuy nhiên đến nay đền thờ ông Hoàng Mười vẫn chưa được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, từ sau khi đền quan Hoàng Mười được xây dựng lại năm 1995, địa phương đã có mong muốn khu đền được xếp hạng di tích cấp Quốc gia. Tuy nhiên do chưa đáp ứng được các tiêu chí của di tích cấp Quốc gia theo quy định của Pháp lệnh Bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh ngày 4/4/1984 của Hội đồng nhà nước, và luật Di sản văn hóa nên khu đền chưa được xếp hạng di tích Quốc gia.

Cũng theo ông Hùng với đền quan Hoàng Mười Nghệ An, về giá trị lịch sử còn có những khúc mắc, nếu như ở các di tích khác, sự tích các vị thần được thờ liên quan đến một nhân vật cụ thể, còn về thân thế sự nghiệp quan Hoàng Mười như đã nêu ở trên được gán cho khá nhiều nhân vật nổi tiếng ở xứ Nghệ, vì vậy việc xác định tiểu sử thân thế sự nghiệp của ngài còn khá nhiều phức tạp, gây khó cho việc xếp hạng di tích dưới góc độ di tích lịch sử lưu niệm danh nhân.

Cùng với đó, về giá trị kiến trúc nghệ thuật, đền mới được dựng lại năm 1995, hầu hết các hạng mục đều làm mới, hiện nay địa phương đang triển khai dự án bảo tồn tôn tạo và mở rộng khu đền, nên rất khó đáp ứng các tiêu chí về di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. Do đó theo ông Hùng, cần tăng cường sưu tầm hiện vật liên quan đến di tích để làm tăng thêm giá trị lịch sử, văn hóa của di tích.

Gắn với phát triển du lịch

Tại hội thảo, nhiều đại biểu đồng tình với đề nghị làm hồ sơ xếp hạng đền ông Hoàng Mười thành di tích lịch sử văn hóa Quốc gia. Nhiều ý kiến cho rằng nếu có sự quan tâm đầu tư, đền ông Hoàng Mười sẽ trở thành một điểm đến du lịch đặc sắc. TS. Hoàng Thị Hồng Nga - Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV đề xuất: đền Ông Hoàng Mười tại huyện Hưng Nguyên, Nghệ An và đền Củi tại xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh - hai ngôi đền cách nhau bởi dòng sông Lam, đứng bên này có thể nhìn thấp thoáng đền bên kia qua dòng sông. Vậy làm sao để có thể kết nối hai điểm di tích cùng thờ ông Hoàng Mười trong tuyến du lịch tâm linh của hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh một cách hiệu quả.

Từ băn khoăn này, TS. Hồng Nga cũng cho rằng hiện nay, chiến lược kết nối các điểm du lịch, đặc biệt là du lịch tâm linh giữa hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh nói chung cũng như liên quan tới hai di tích đền thờ ông Hoàng Mười còn khá rời rạc, chưa có tính hệ thống. Do đó, ngành du lịch hai tỉnh nên tập trung chú ý hơn nữa trong việc hoạch định, xây dựng các tuyến điểm du lịch tâm linh không chỉ trong nội bộ tỉnh mà nên theo hướng gắn kết trong một phạm trù của khái niệm văn hóa du lịch tâm linh xứ Nghệ.

ThS. Nguyễn Thị Thanh Thanh - Khoa Lịch sử, Trường Đại học Vinh cho rằng qua nghiên cứu cho thấy, ngoài những điểm tham quan trong nội thành Vinh thì Đền ông Hoàng Mười là điểm đến có giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh và cảnh quan hấp dẫn lại thuận lợi về giao thông và có khoảng cách gần các điểm tham quan khác trong nội thành. Việc khai thác các giá trị của đền ông Hoàng Mười để trở thành một điểm tham quan trong chương trình tham quan thành phố Vinh là phù hợp, nhằm đa dạng hóa các điểm tham quan, tránh gây nhàm chán, góp phần tăng tính hấp dẫn cho các chương trình city tour Vinh. Bà Thanh cũng đề xuất, dưới góc độ thiết kế tour, việc đưa thêm đền ông Hoàng Mười vào các điểm tham quan trong thành phố Vinh sẽ cho phép người làm chương trình du lịch có nhiều phương án tham quan phù hợp với từng đoàn khách, du khách cũng có nhiều sự lựa chọn hơn.

Hoàng Minh