Quốc hội sẽ giám sát cổ phần hóa DNNN năm 2018
Với tỷ lệ 436/439 đại biểu có mặt thông qua, chiếm tỷ lệ 88,8% tổng số đại biểu, sáng 12/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chương trình giám sát năm 2018.
Các đại biểu tham dự kỳ họp.
Do kỳ họp thứ 6 sẽ có nội dung lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn, nên năm 2018, Quốc hội sẽ chỉ giám sát 1 chuyên đề về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, qua lấy ý kiến đại biểu, một số ý kiến đề nghị xem xét, đưa vào chương trình nội dung lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định tại Nghị quyết 85/2014/QH13 (ngày 28/11/2014) và xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến Kỳ họp thứ 6.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, tại kỳ họp cuối năm của năm giữa nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát lại việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm đó; đồng thời, theo quy định tại Nghị quyết số 85/2014/QH13 của Quốc hội, tại kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn.
Do đó, sau khi cân nhắc nhiều mặt, để bảo đảm chất lượng, tính khả thi của chương trình giám sát năm 2018, về giám sát chuyên đề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội chỉ giám sát 1 chuyên đề tại Kỳ họp thứ 5, không tổ chức giám sát chuyên đề tại Kỳ họp thứ 6 để tập trung cho các nội dung nêu trên.
Đồng thời, bổ sung nội dung lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến Kỳ họp thứ 6 vào dự thảo Nghị quyết.
Theo đó, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận báo cáo bổ sung của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018; báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016 và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật; Xem xét Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4; Tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; Giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận Báo cáo của Chính phủ về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; Xem xét, thảo luận báo cáo công tác của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước; Báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật; Xem xét báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội;
Về lý do chuyên đề cổ phần hóa DNNN được lựa chọn, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Qua gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về lựa chọn chuyên đề giám sát, đến buổi sáng ngày 1/6/2017, Tổng Thư ký Quốc hội nhận được 396 phiếu/491 đại biểu Quốc hội, trong đó có 302/396 ý kiến (76,2%) tán thành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước”;
Các chuyên đề được đề xuất khác có tỷ lệ lựa chọn thấp hơn: Có 288/396 ý kiến (72,7%) tán thành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội”;
Có 171/396 ý kiến (43,1 %) tán thành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi”;
Có 72/396 ý kiến (18,1 %) tán thành giám sát chuyên đề “Việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông”.