Kiên quyết với nợ xấu
Chiều ngày 12/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận về Dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị không miễn trừ trách nhiệm đối với những người có hành vi vi phạm pháp luật gây ra nợ xấu, cho dù nợ xấu đã được xử lý.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với ĐBQH, ngày 12/6.
Ngân sách có bị ảnh hưởng?
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, trước có một số ý kiến đề nghị chỉ áp dụng đối với các khoản nợ xấu phát sinh do nguyên nhân khách quan, UBTVQH bày tỏ quan điểm: nợ xấu cao do bất kỳ nguyên nhân nào đều ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và cần sớm xử lý để đưa nợ xấu về mức bình thường theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Để xác định các nguyên nhân xảy ra nợ xấu là do chủ quan hay khách quan cần phải thông qua hoạt động thanh tra, điều tra đối với từng trường hợp cụ thể. Trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật gây ra nợ xấu hiện đã được pháp luật quy định đầy đủ và đã được bổ sung trong nguyên tắc xử lý nợ xấu quy định tại Điều 3 Dự thảo Nghị quyết. Việc áp dụng các quy định tại Nghị quyết này để xử lý nợ xấu không làm thay đổi trách nhiệm pháp lý đối với hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân, tổ chức có liên quan.
Liên quan đến việc trước nhiều ý kiến đề nghị bổ sung thêm nguyên tắc không sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) để xử lý nợ xấu; các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật để xảy ra nợ xấu phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật, theo ông Vũ Hồng Thanh: UBTVQH tiếp thu, bổ sung về các nguyên tắc này tại Điều 3 của Dự thảo Nghị quyết. Ngoài ra, Dự thảo Nghị quyết chỉ quy định các nguyên tắc có liên quan đến các chủ thể trực tiếp trong xử lý nợ xấu, việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan được thể hiện cụ thể trong các điều của Dự thảo Nghị quyết.
Tuy nhiên ĐB Lê Thị Thủy (Hải Dương) cho rằng, tuy không sử dụng NSNN để xử lý nợ xấu nhưng bản chất vẫn có tiền của NSNN trong các hỗ trợ ưu tiên gián tiếp. Cho nên phải nói rõ bản chất vấn đề này. Giải trình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, khi Chính phủ bàn, và báo cáo Quốc hội đã thống nhất không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu. Tuy nhiên Thống đốc Lê Minh Hưng cũng thừa nhận, trong xử lý nợ xấu có yêu cầu các ngân hàng trích lập dự phòng cho nên có ảnh hưởng đến thu nhập của các ngân hàng. Do đó có ảnh hưởng đến nộp cho NSNN. Vì vậy NSNN cũng có hỗ trợ gián tiếp.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng: Trong xử lý nợ xấu có yêu cầu các ngân hàng trích lập dự phòng. Do đó có ảnh hưởng đến nộp ngân sách nhà nước.
Không miễn trừ trách nhiệm với người gây ra nợ xấu
Đó là vấn đề được ĐB Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) kiến nghị trước Quốc hội. Bởi theo ông Thưởng, nhiều ĐBQH còn băn khoăn, lo ngại đó là việc ban hành Nghị quyết liệu có hay không việc vô tình làm cho một số người có trách nhiệm gây ra nợ xấu được vô can, miễn tội. Cần quy định trách nhiệm của các TCTD và Công ty Quản lý tài sản VAMC phải có biện pháp phòng ngừa, kiểm soát nợ xấu ở mức độ chấp nhận được. Đồng thời đề nghị không miễn trừ trách nhiệm đối với những người có hành vi vi phạm pháp luật gây ra nợ xấu.
“Trên cơ sở Nghị quyết này, hệ thống ngân hàng cần tranh thủ điều kiện thuận lợi để xử lý dứt điểm “cục máu đông” đã tích tụ bấy lâu nay, đồng thời phải tích cực có biện pháp hiệu quả thông qua công tác thẩm định, thanh tra, giám sát, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống để kiềm chế nợ xấu, không để nợ xấu phát sinh vượt tầm kiểm soát.Cần quy định trách nhiệm của các TCTD và VAMC phải có biện pháp phòng ngừa, kiểm soát nợ xấu ở mức độ chấp nhận được”- ông Thưởng nói và nhấn mạnh rằng, nợ xấu là nhức nhối của nền kinh tế gắn liền với hoạt động của ngành ngân hàng nhưng chưa xử lý được dứt điểm qua nhiều năm tích tụ trở thành khoản nợ rất lớn. Đây là vấn đề cấp bách hy vọng Nghị quyết sẽ tháo gỡ một cách khả thi.
ĐB Trần Văn Minh (Quảng Ninh): Cần giới hạn lại phạm vi chỉ xử lý với khoản nợ xấu trước 31/12/2016. Các khoản khác phải tự xử lý theo các quy định của Luật các tổ chức tín dụng.
Cùng chung quan điểm, ĐB Trần Văn Minh (Quảng Ninh) cho rằng, nợ xấu chiếm 10,08% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế. “Mô hình tăng trưởng của nước ta dựa vào tăng trưởng của ngân hàng và cao hơn các nước trong khu vực do vậy nếu hệ thống ngân hàng rủi ro sẽ tác động rất lớn. Không nên để Nghị quyết là “lá bùa chống lưng” cho những người sai phạm. Do đó cần giới hạn lại phạm vi chỉ xử lý với khoản nợ xấu trước 31-12-2016. Các khoản khác phải tự xử lý theo các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng”- theo ông Minh.
Nợ sau 31/12/2016, ai xử lý?
Theo ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), nợ trước 31/12/2016 đều là nợ xấu, nếu sau năm 2016 không được xử lý vậy xử lý theo quy định nào? “Không thể cùng chế độ nhà nước nhưng áp dụng pháp luật xử lý nợ xấu lại khác nhau. Nợ xấu có thể kéo dài 5 năm hoặc hơn 5 năm thì xử lý như thế nào? Đề nghị bổ sung nội dung cùng với quá trình thực hiện, Quốc hội các cơ quan chức năng cũng sửa đổi để hoàn thiện hơn”- ông Phương bày tỏ.
Theo ĐB Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) đây là Nghị quyết đặc biệt để xử lý tình trạng đặc biệt, nhưng nếu năm 2017 tăng trưởng khá, đã ổn định hơn thì có phải tiếp tục xử lý hay không? Nếu áp dụng cho xử lý nợ xấu trong tương lai, chưa biết tương lai thế nào thì sẽ có mặt không khuyến khích ngân hàng đổi mới nâng cao chất lượng tín dụng để xử lý nợ xấu.