Quốc hội và tiếng nói cử tri

Hoàng Mai 13/06/2017 08:00

Hôm nay (13/6), Quốc hội sẽ bước vào ngày đầu tiên chất vấn trên nghị trường. Đây là phiên họp toàn thể được chờ đợi nhất và được quan tâm nhiều nhất. Sự chờ đợi ấy không phải chỉ từ phía ĐBQH mà từ chính cử tri và nhân dân. Đây là dịp để các bộ trưởng, trưởng ngành nói về những công việc mà bộ, ngành mình đã làm được. Đây cũng là dịp ĐBQH nói lên tiếng nói cử tri.

Để chuẩn bị cho hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, ngay từ đầu tháng 6, tức là cách đây chừng nửa tháng, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã có thông cáo trong đó cho biết: Căn cứ vào chương trình kỳ họp, ý kiến, kiến nghị cử tri, vấn đề xã hội quan tâm và phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình Quốc hội quyết định nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn có liên quan tại Kỳ họp thứ 3 với 4 bộ trưởng: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch.

Và, cũng để chuẩn bị cho kỳ chất vấn lần này, gần như tất cả các bộ trưởng, trưởng ngành, không kể là các bộ trưởng trả lời chất vấn mà ngày cả các bộ trưởng, trưởng ngành khác cũng đã có những báo cáo về chất vấn của ĐBQH cũng như của cử tri nhân dân gửi đến Quốc hội và các ĐBQH.Đơn cử như Bộ NNPTNT ngày 8 tháng 6 đã có báo cáo trả lời chất vấn các ĐBQH bằng văn bản.

Trong đó, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, bộ này đã có kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020 và kế hoạch này sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối tháng 6 năm 2017, làm cơ sở triển khai thực hiện từ năm 2017 và giai đoạn tiếp theo.

Trong trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ NNPTNT cho biết các mục tiêu tăng trưởng cũng như việc giảm phát thải trong sản xuất nông nghiệp; tăng tỷ lệ che phủ rừng lên 42%, thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái…

Để đạt được những mục tiêu này, người đứng đầu ngành NNPTNT cho biết, sẽ xây dựng kịch bản tăng trưởng của ngành và xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho phù hợp và hiệu quả, giám sát, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu đề ra trong quá trình cơ cấu lại ngành theo Bộ Tiêu chí theo dõi đánh giá thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ đã ban hành theo Quyết định số 678/QĐ-TTg ngày 12/5/2017.

Hay như chuyện ngành thủy sản chịu hậu quả từ ô nhiễm biển miền Trung. Báo cáo trả lời chất vấn ĐBQH của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng khá cụ thể từ chuyện ý thức của ngư dân cho đến chuyện chế tài xử lý việc vi phạm trong đánh bắt hải sản còn quá nhẹ; hay như sự thiếu thống nhất giữa hệ thống văn bản pháp luật hay thiếu chính sách hỗ trợ ngư dân…

Hay như Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng thì nhận được câu hỏi về giải pháp cụ thể để huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển. Việc phân bổ, thông báo kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước; tăng cường quản lý, kiểm soát, tránh lãng phí trong đầu tư công.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ KHĐT cũng đã có những phúc đáp khá rõ ràng. Chẳng hạn như việc thực hiện nghiêm kỷ luật tài khóa. Nâng cao hiệu quả và năng lực thẩm định, điều phối dự án đầu tư công. Nhanh chóng cải cách thủ tục hành chính và thể chế để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; Tăng cường hợp tác công tư, huy động nguồn vốn tư nhân cho phát triển cơ sở hạ tầng một cách phù hợp; Cải cách hệ thống tiêu chí lựa chọn.

“Đối với nguồn lực là tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh, cần thoái vốn nhà nước khỏi các doanh nghiệp không thuộc diện phải duy trì sở hữu nhà nước để hình thành nguồn lực cho đầu tư phát triển”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Bộ trưởng Bộ KHĐT cho biết thêm: Trong số 240 DNNN thuộc diện sắp xếp 2016-2020, chỉ giữ lại 103 DNNN; 31 DN cổ phần hóa do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; 106 DN cổ phần hóa còn lại không cần nắm giữ cổ phần lâu dài. Toàn bộ vốn thu được từ cổ phần hóa và thoái vốn ngoài ngành phải được dành cho đầu tư phát triển và không dùng để bổ sung cho chi tiêu thường xuyên của ngân sách nhà nước.

Còn với Bộ trưởng Bộ VHTTDL khi trả lời những băn khoăn về việc quản lý lễ hội đã nêu ra 10 hạn chế trong quản lý lễ hội. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện còn nhắc đến việc: Một số lễ hội còn có biểu hiện lãng phí. Còn xuất hiện hiện tượng bói toán, cờ bạc, thương mại hóa trong hoạt động dịch vụ lễ hội, nạn bán hàng rong, bán sách ngoài luồng, lôi kéo khách hành hương, nâng giá dịch vụ, đặt tiền công đức - giọt dầu tùy tiện, ăn xin, ăn mày... làm giảm đi tính tôn nghiêm và những nét đẹp văn hóa trong hoạt động lễ hội…

Những vấn đề được các bộ trưởng, trưởng ngành nói đến chính là những vấn đề đã được các ĐBQH chất vấn bằng văn bản.

Còn thì, trong phiên chất vấn kéo dài 3 ngày chắc chắn sẽ có nhiều câu hỏi được ĐBQH đặt ra ngay trên nghị trường- những câu hỏi có thể xuất phát từ thực tiễn cuộc sống mới được phát sinh, không có trong “kịch bản” chất vấn. Những câu hỏi như thế được kỳ vọng sẽ làm nóng nghị trường và thử thách độ vững vàng về lĩnh vực mà bộ trưởng, trưởng ngành quản lý. Đó có lẽ cũng là điều mà cử tri, nhân dân hay ĐBQH chờ đợi ở mỗi phiên chất vấn.

Ngành y tế thời gian qua cũng nhận được nhiều ý kiến của cử tri và nhân dân cả nước. Đó là việc bảo hiểm y tế, giá dịch vụ y tế tăng nhưng liệu chất lượng phục vụ có tăng tương ứng? Ngộ độc thực phẩm vẫn diễn ra ở nhiều nơi; ngộ độc do rượu methanol làm chết nhiều người..., tất nhiên không thuộc trách nhiệm riêng của ngành y tế nhưng trách nhiệm của ngành này đến đâu trong những việc đau lòng ấy? Mới đây nhất, vụ 8 bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình bị chết thì nguyên nhân do đâu. Rồi là những “nghi án” về thiệt bị y tế, trong đó nổi lên việc lợi dụng chủ trương xã hội hóa mà các cơ sở y tế bắt tay với tư nhân để kiếm lời... Những điều đó cử tri và nhân dân cả nước mong muốn các ĐBQH sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế kỳ này, và rất mong nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Hoàng Mai