Vẫn phải giành lại vỉa hè
Tại Hội nghị BCH Đảng bộ TP Hà Nội khai mạc sáng 11/6, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đã đặt vấn đề riết róng về vỉa hè thành phố. Đó là bởi sau vài tháng rầm rộ ra quân của các cơ quan chức năng thì tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè lại tái diễn. Điều đó cảnh báo nguy cơ vỉa hè lại bị “tái chiếm”.
Cuộc chiến lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè Hà Nội vẫn chưa có hồi kết.
Lời Bí thư Thành ủy Hà Nội quả không sai khi mà chỉ là chuyện cái vỉa hè mà thành phố đã phải cử tới 5 đoàn đi kiểm tra việc giành lại lòng đường, vỉa hè của các quận, huyện, phường, xã, nhưng rốt cục vẫn không xử lý được ai. Một logic rất đơn giản là chỉ khi không có ai vi phạm mới không bị xử lý. Song, nếu không có cán bộ nào vi phạm, dung túng, tiếp tay cho sai phạm thì làm sao người ta có thể ngang nhiên lấn chiếm lòng đường, vỉa hè?
Còn nhớ cách đây chưa lâu, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã thẳng thắn chỉ ra rằng: Hầu hết sự vi phạm lấn chiếm vỉa hè là có sự bảo kê của các cá nhân, đơn vị. Chủ tịch thành phố thậm chí còn khẳng định rằng, ông có thể “chỉ mặt, đặt tên” vỉa hè phố này do ai bảo kê, quán bia hơi phố nọ là của ai đứng sau... Ấy vậy nhưng lạ một điều là cả 5 đoàn kiểm tra liên ngành lại không phát hiện được ai vi phạm, bảo kê cho hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè!
Dư luận cho rằng, việc các đoàn kiểm tra của TP Hà Nội không phát hiện được vi phạm chỉ có thể giải thích theo 2 cách: Một là “cưỡi ngựa xem hoa” nên không thể phát hiện sai phạm. Hai là có phát hiện cán bộ vi phạm nhưng vì nể nang, ngại va chạm, thậm chí là tiêu cực nên không công bố.
Chẳng thế mà cách đây gần 2 năm, tại buổi khai mạc Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội, nguyên Chủ nhiệm UBKT Thành ủy Trần Trọng Dực đã thẳng thắn chỉ ra rằng: Bệnh thành tích, sợ khuyết điểm đang diễn ra phổ biến. Tình trạng nể nang, né tránh, dĩ hòa vi quý, sợ mất lòng vẫn diễn ra nên trong hội nghị thì biểu quyết nhất trí cao, nhưng ra ngoài thì làm ngược lại...
Đó chính là lý do mà Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đặt vấn đề: Vì sao đến giờ các quận, huyện vẫn chưa thấy xử lý được ai, trong khi tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường dần trở nên nghiêm trọng, đến mức Chính phủ phải nhắc nhở tại Phiên họp thường kỳ tháng 5 vừa qua.
Một lần nữa Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu bí thư, chủ tịch các quận, huyện, thị xã phải thực hiện quyết liệt hơn nữa vấn đề lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, đặc biệt phải xử lý nghiêm cán bộ buông lỏng quản lý, bảo kê, tiếp tay cho vi phạm.
“Mỗi cái vỉa hè không làm được!”- câu nói của Bí thư Thành ủy Hà Nội nếu được các cấp dưới của ông thực sự lưu tâm, “nghiền ngẫm” một chút thì có lẽ nó sẽ có tác dụng như một lực đẩy mạnh mẽ giúp bộ máy chính quyền thắng sức ỳ, chuyển động về phía trước.
Bởi câu nói đó có nghĩa: Đến một cái vỉa hè các ông còn không giữ được, thì còn làm được việc gì to tát cho dân đây? Nếu người nghe thực sự là những “kẻ sĩ” thì lời nói “nặng ngàn cân” ấy đủ để họ thức tỉnh mà quyết liệt vào việc, bỏ qua sự nể nang, né tránh, không ô dù, bảo kê cho sai phạm nữa. Song, dù ai cũng nghe, cũng gật gù, nhưng e rằng ai cũng sẽ nghĩ đó là Bí thư Thành ủy “nhắc chung” chứ chẳng liên quan gì tới mình (!).
Kể ra thì cũng khó thật. Vốn chỉ là cái vỉa hè nhưng nó lại gắn liền với quyền lợi sát sườn của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức. Đối với một số cá nhân, thậm chí là một nhóm nếu giờ mà thực hiện đúng theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND TP Hà Nội thì sẽ mất đi một khoản thu nhập không nhỏ từ... vỉa hè.
Hơn nữa, cũng không ít người nghĩ rằng có phải chỉ trên địa bàn mình có vi phạm lấn chiếm vỉa hè đâu, cả thành phố chỗ nào mà chẳng thế, vi phạm nhan nhản đấy có làm sao đâu... Thật đúng là “toét mắt là tại hướng đình, cả làng đều toét chứ mình em đâu”. Với cách nghĩ này thì vài chục năm nữa chưa chắc đã giành lại được vỉa hè như đã từng rất quyết tâm.
Bởi vậy mà sẽ chẳng có ai bị xử lý cả dù phát hiện vi phạm, cùng lắm thì cũng chỉ là rút một sợi dây kinh nghiệm dài vô tận mà thôi. Điều đó giải thích lí do vì sao đến nay không có ai bị xử lý, trong khi tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè tái diễn.
Dư luận hoàn toàn đồng tình với cách đặt vấn đề của Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, song có lẽ cũng đã đến lúc phải xử lý một vài người để xảy ra vi phạm tại địa bàn phường, xã do mình quản lý thì mới mong lập lại được trật tự đô thị, giành lại vỉa hè một cách bền vững. Người xưa nói, trảm một người để răn muôn người là như vậy!