Tình trạng vi phạm bản quyền: Chưa tìm ra thuốc đặc trị

Minh Quân 13/06/2017 08:00

Những bộ phim điện ảnh vừa ra rạp, hoặc phim truyền hình vừa phát sóng, nhanh chóng xuất hiện trên mạng thông qua các trang phim online mà không có bản quyền diễn ra trong nhiều năm qua ngày một ngang nhiên, trắng trợn. Các đơn vị phát hành phim gần như bó tay, không tìm ra loại thuốc “đặc trị” vấn nạn này.

Một trang phim online vi phạm bản quyền.

Nỗi lòng nhà sản xuất

Vi phạm bản quyền phim và các nội dung truyền hình trên internet ở Việt Nam càng ngày càng phức tạp và đã trở thành một “vấn nạn”. Không chỉ phim truyền hình mà rất nhiều bộ phim điện ảnh vừa ra rạp vài ngày đã ngay lập tức có mặt trên các trang phim online.

Đơn cử mới đây loạt phim Em chưa 18, Bạn gái tôi là sếp, 49 ngày… cho dù các rạp rất nỗ lực bố trí nhân viên giám sát, nhưng với sự hỗ trợ của các thiết bị ghi hình hiện đại, việc quay lén vẫn ngang nhiên xảy ra. Trên các trang web xem phim lậu, dù chất lượng hình ảnh kém song vẫn thu hút nhiều người xem bởi phim được chiếu hoàn toàn miễn phí.

Đạo diễn Hồng Ánh - phim “Đảo của dân ngụ cư” cho biết: Tôi đang có nỗi lo sợ thường trực và ám ảnh vì sợ phim bị ăn cắp bản quyền khi vừa ra rạp. Vì thế bằng tất cả ý thức chung tôi muốn bảo vệ sản phẩm của mình. Dĩ nhiên, một mình chúng tôi không thể làm nổi mà rất cần sự chung tay góp sức của các đơn vị khác.

Còn đạo diễn Khải Anh vô cùng bức xúc khi nhiều bộ phim truyền hình do chính mình đạo diễn vừa lên sóng những tập đầu đã có hàng chục trang xem phim trực tuyến phát lại dù VTV là đơn vị duy nhất nắm bản quyền. Mới đây, NSƯT Vũ Trường Khoa - đạo diễn phim “Sống chung với mẹ chồng” cũng hốt hoảng khi vô tình phát hiện ra phim của mình do VTV nắm bản quyền được phát lại tràn lan trên mạng.

Không những các đạo diễn bức xúc về vấn nạn này mà ngay Đài truyền hình Việt Nam cũng phải thừa nhận mình đang là đơn vị bị xâm phạm bản quyền lớn nhất ở Việt Nam. Điều đáng nói, nhiều doanh nghiệp tên tuổi, có hiểu biết pháp luật, có hàng triệu khách hàng cũng cố tình xâm phạm bản quyền các chương trình của VTV. Có những đơn vị sử dụng trái phép đến 11.000 chương trình.

Mặc dù VTV đã nhiều lần gửi công văn, bằng chứng vi phạm để yêu cầu chấm dứt những sai phạm nhưng các đơn vị này đều phớt lờ. Tuy nhiên, theo nhiều đơn vị quản lý cơ chế xử lý vi phạm bản quyền của các trang Facebook và YouTube chủ yếu là từ báo cáo vi phạm và rà soát tự động bằng các thuật toán.

Do đó, hầu như chỉ phát hiện những nội dung vi phạm giống hoàn toàn. Nhưng người dùng hiện nay lại quá “thông minh” khi có nhiều chiêu trò để lách luật như Live streaming facebook, hoặc thu nhỏ màn hình lại, riêng về thể loại vi phạm này thì cả Google, Facebook… đều vẫn chưa có giải pháp ngăn chặn. Thậm chí, nhiều trang web còn ngang nhiên thông báo giờ chiếu phim như thể là đơn vị đang sở hữu bản quyền của phim.

Thậm chí, tình trạng vi phạm còn tinh vi hơn khi nhiều tài khoản sau khi lôi kéo được lượng người xem nhất định, sẽ xóa video khiến việc phát hiện vi phạm của các trang này rất khó khăn.

Chủ sở hữu hãy lên tiếng

Theo báo cáo của Trung tâm Sản xuất và kinh doanh nội dung số (VTV), mỗi ngày có hàng trăm tài khoản facebook vi phạm bản quyền. Hàng ngày đội ngũ nhân viên kỹ thuật của trung tâm thường xuyên rà soát, theo dõi và “chặn” các tài khoản vi phạm bản quyền trên mạng xã hội.

Số lượng các kênh bị chặn rất nhiều, nhưng cũng không ngăn được nạn vi phạm bản quyền. Vì cứ chặn tài khoản này họ lại đổi ngay sang tài khoản khác, thậm chí nhiều tài khoản vi phạm bản quyền đã tìm cách “qua mặt” YouTube và Facebook. Còn trên các trang phim lậu thì chưa có cách gì để xử lý được vì hầu hết họ đặt máy chủ ở nước ngoài và dùng tên miền quốc tế.

Chuyện vi phạm bản quyền không chỉ gây tổn thất lớn về mặt kinh tế mà còn ảnh hưởng đến uy tín của các đơn vị truyền hình với đối tác.

Theo ông Nguyễn Hà Yên - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TTTT): hiện tại có đến 50 trang web lậu phổ biến nhất ở Việt Nam đang hoạt động, trong đó có 22 web có máy chủ đặt trong nước và 28 web máy chủ đặt ở nước ngoài.

Pháp luật Việt Nam dù đã có quy định xử lý web lậu theo luật Dân sự, Hình sự, hay xử phạt hành chính nhưng hiện nay, chủ yếu tập trung xử lý hành chính. Ở đó, những vi phạm bản quyền xảy ra chủ yếu ở môi trường internet băng thông rộng. Với những đối tượng được cấp phép hoạt động, việc xử lý vi phạm diễn ra kịp thời, nhanh chóng, đảm bảo. Tuy nhiên, việc xử lý những đối tượng không có giấy phép hoạt động gặp nhiều khó khăn.

Cũng theo ông Nguyễn Hà Yên, việc chống xâm phạm bản quyền muốn hiệu quả hơn nữa phải có sự giúp sức từ chính các đơn vị sở hữu bản quyền trong việc giám sát, tố cáo các cá nhân, tổ chức vi phạm…

Minh Quân