Chí Công dọa xử cả VFF và báo chí: 'Đắng lòng' văn hóa cầu thủ

Theo VOV 13/06/2017 11:10

Quá bức xúc về án kỷ luật của VFF sau pha giẫm lên người đối phương, Chí Công tiếp tục thể hiện “văn hóa” khi dọa “xử” tất cả bằng đao kiếm.

Chí Công đăng hình "đao kiếm" đòi xử cả VFF và báo chí trên mạng xã hội. (Ảnh chụp màn hình).

Trong trận đá bù vòng 11 V-League 2017 giữa Cần Thơ và Hà Nội FC diễn ra ngày 9/6, tình huống phạm lỗi của Chí Công diễn ra ở phút 70, sau khi bị Thái Quý cướp bóng, cựu trung vệ ĐT Việt Nam đã kéo ngã đối thủ trước khi đạp liên tiếp ba lần lên người Thái Quý.

Nói về án phạt dành cho Chí Công, Trưởng Ban Kỷ luật VFF Nguyễn Hải Hường cho biết, Ban kỷ luật đã xem rất nhiều lần về tình huống va chạm giữa Chí Công và Thái Qúy. Ở lần va chạm đầu tiên, chân của Chí Công đạp trúng người Thái Quý. Hành động này được cho qua vì là lỗi vô tình, nhưng ở diễn biến tiếp theo, Chí Công có tới hai lần dùng chân đạp vào người Thái Quý.

Qua đó, Ban Kỷ luật xác định rằng đó là hành vi bạo lực, cố tình và có mục đích, gây ra nguy hiểm cho đối phương nên đã phạt nguội Chí Công căn cứ theo điều 39 khoản 1 Quy chế bóng đá chuyên nghiệp. Đây là lý do mà Chí Công đã bị treo giò 3 trận, nộp phạt 20 triệu đồng theo quyết định kỷ luật mà VFF công bố ngày hôm qua (12/6).

Điều đáng nói là thái độ hết sức “chợ búa” của Chí Công trước án phạt khi trung vệ này đăng hình “đao kiếm” trên tài khoản mạng xã hội cá nhân và đòi “xử” VFF cũng như báo chí vì đã “làm rùm beng” vụ việc. Có thể thấy trung vệ của Cần Thơ đại diện cho một bộ phận cầu thủ với văn hóa ứng xử quá thấp kém, thậm chí còn côn đồ, chợ búa ở V-League hiện tại.

Đây không phải là lần đầu tiên Chí Công bị Ban Kỷ luật VFF xử phạt. Khi còn thi đấu cho Đồng Tâm Long An năm 2016, Chí Công từng bị xử cấm thi đấu 5 trận với hành vi xúc phạm, nhục mạ trọng tài. Năm 2015, VFF đã ra quyết định phạt 10 triệu đồng và đình chỉ 3 trận đối với Chí Công vì hành vi phun nước bọt vào mặt cầu thủ Văn Học (SHB Đà Nẵng).

Những trường hợp như Chí Công sẽ là bài học quý giá với công tác đào tạo trẻ của các CLB ở V-League hiện tại, với tiêu chí “không thành công, cũng thành nhân”. Rõ ràng, trong khâu bồi dưỡng các tài năng trẻ, việc giáo dục văn hóa, văn hóa ứng xử và thi đấu trên sân cỏ cũng là một trong những điều bức thiết với những người làm bóng đá nước nhà.

Không thể phủ nhận tài năng của Chí Công, khi trung vệ này luôn là “hòn đá tảng” trước cầu môn khung thành với lối chơi đầy nhiệt huyết, thậm chí là lăn xả để ngăn cản đối phương. Cầu thủ sinh năm 1983 thậm chí còn chơi tốt khi được triệu tập khoác áo ĐTQG, tuy nhiên, những rắc rối về thái độ thi đấu cũng như văn hóa ứng xử trên sân cỏ quá kém của Chí Công đã khiến sự nghiệp của trung vệ này “gập ghềnh”.

Bóng đá Việt Nam mà điển hình là giải đấu cao nhất trong nước, V-League đang trong quá trình xây dựng hình ảnh, nhằm lôi kéo sự quan tâm của khán giả và người hâm mộ. Thế nhưng, những “hạt sạn” lớn về nhân cách mà Chí Công là trường hợp điển hình, đang là rào cản và thách thức lớn, cần phải loại bỏ vĩnh viễn khỏi các hoạt động bóng đá Việt Nam.

Theo VOV