Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận trách nhiệm về ứ đọng nông sản

Theo VGP 13/06/2017 11:47

Trình bày về nguyên nhân ứ đọng, ế ẩm trong tiêu thụ nông sản, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhận trách nhiệm về Bộ mình và khẳng định “không phải trách nhiệm của ai khác”.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường là thành viên Chính phủ đầu tiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội từ sáng nay (13/6).

Từ thực trạng các mặt hàng nông sản của Việt Nam dư thừa, tiêu thụ và xuất khẩu gặp khó khăn, đại biểu Nguyễn Văn Sơn (đoàn Hà Tĩnh) nêu vấn đề, đã có quy hoạch chăn nuôi từ năm 2008 nhưng tại sao tới nay vẫn thừa ế thịt lợn?

Bộ trưởng Cường nêu rõ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là vấn đề chung của ngành nông nghiệp Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam có sức sản xuất nông nghiệp rất lớn nhưng lại yếu ở khâu tổ chức sản xuất và tổ chức thị trường.

Cụ thể, sản lượng thịt nói chung của Việt Nam đã tăng từ 3,4 triệu tấn lên 6 triệu tấn, cá tăng từ 1,8 triệu tấn lên 3,4 triệu tấn và hàng chục tỷ quả trứng... Riêng thịt lợn tăng nhanh so với 10 năm trước. Từ nước có sản lượng thấp nhất ASEAN thì tới nay trong chăn nuôi lợn, đã tăng trên 23 triệu tấn, từ 2 triệu con lên 4 triệu con lợn. “Mức tăng quá nhanh”, Bộ trưởng Cường nói.

Thêm vào đó, Việt Nam đã cơ cấu thành công “giỏ” thực phẩm cho bữa ăn khi thịt lợn chiếm 70-75% thì nay có nhiều sản phẩm trứng, cá, thịt bò, nên tỉ lệ thịt lợn giảm xuống. Do đó, cung lớn hơn cầu. Tổ chức sản xuất ngành hàng chưa tốt khi còn 3 triệu hộ, 626 trang trại chăn nuôi lợn và sắp tới ngành nông nghiệp phải giảm số lượng hộ chăn nuôi xuống.

Nguyên nhân thứ hai là khâu chế biến tách lìa với sản xuất và tái sản xuất. Liên kết trong sản xuất thịt lợn chỉ chiếm 20% ở khâu nuôi còn chế biến thì kém nhiều so với ngành hàng khác, không phù hợp với cơ cấu tiêu dùng của xã hội.

Thứ ba là khâu xuất khẩu lợn còn hạn chế khi chỉ có thị trường ở 3 nước, trong đó có 200.000 tấn lợn sữa. Các thị trường khác thì ngành nông nghiệp chưa khai thác được.

“Trong 3 khâu sản xuất, chế biến, thị trường thì mới làm được khâu đầu”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Cường nói và cảnh báo “trong thời gian ngắn nữa không thể tránh khỏi nơi này thừa cái này thiếu cái kia”.

Thời gian qua, Việt Nam đang tập trung vào sản xuất tập trung để làm sao có vùng nguyên liệu, khu vực chế biến và thị trường. Từ tín hiệu thị trường thì ngành sẽ quy hoạch lại nhà máy, quy hoạch lại vùng sản xuất và đây là chặng đường dài phải thực hiện.

Tranh luận lại với Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) bày tỏ, chưa thuyết phục về quy hoạch đàn lợn khi thấy thiếu vắng vai trò của Nhà nước mà chỉ thấy Bộ trưởng nói tới sự tăng trưởng quá nhanh của sản xuất tự phát.

Đại biểu lý luận: “Quy hoạch đặt ra, sản xuất vượt quá quy hoạch và nhu cầu thì vai trò của Nhà nước phải điều tiết sản xuất, thị trường nhưng không thấy Bộ trưởng nói tới”.

Vị đại biểu này cũng cảnh báo: “Cao su, cam quýt bưởi sắp tới phải giải cứu đấy. Hiện đang có tình trạng phá cao su trồng cam, bưởi, quýt”.

Trả lời đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp chứ không phải trách nhiệm của ai cả. Đoàn tàu nông nghiệp có 3 khoang (sản xuất, chế biến, tiêu thụ) mà có 2 khoang sau còn yếu”.

Bổ sung thêm cho nội dung chất vấn của ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ thực hiện mở cửa thị trường về thương mại, cải cách thủ tục hành chính và xây dựng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước, thúc đẩy xuất khẩu.

Trong các nhiệm vụ trên, Bộ Công Thương và các bộ đã làm tốt việc mở cửa thị trường với thuế quan cho nông sản về 0%, trong đó có nhiều thị trường lớn trong 10 năm qua. Nhưng về kỹ thuật thì chưa bảo đảm chất lượng để các nước nhập khẩu từ Việt Nam. Hiện nay, ngay cả Trung Quốc cũng yêu cầu Việt Nam phải chứng minh vùng chăn nuôi không có dịch bệnh. Hiện Bộ NN&PTNT đang phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thực hiện công việc này.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng :”Việt Nam phải tính toán lại chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh. Không phải mặt hàng nào của ta cũng có năng lực cạnh tranh tốt. Với 10,6 triệu hộ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ thì giá thành cao hơn các nước khác. Nên tôi tính vai trò của cơ quan nhà nước là phải thể hiện qua quy hoạch, quản lý sản xuất, xây dựng rào cản kỹ thuật và chúng tôi sẽ làm tốt vai trò của mình”.

Theo VGP