Quảng Nam, Quảng Ngãi sẵn sàng các phương án giữ rừng trong mùa khô

Tấn Thành – Thái Bình 13/06/2017 14:00

Ngành Kiểm lâm hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi đã chuẩn bị các phương án sẵn sàng đối phó với cháy rừng khi khu vực này đang bắt đầu vào mùa khô, nguy cơ cháy rừng tăng cao.

Dập lửa trong một vụ cháy rừng ở xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam.

Theo đó, tại Quảng Nam hiện có trên 425.921 ha rừng. Diện tích rừng tự nhiên là 388.803 ha, rừng trồng là 37.118 ha.

Rừng giàu ở Quảng Nam hiện có có khoảng 10.000 ha, phân bố ở các đỉnh núi cao, diện tích rừng còn lại chủ yếu là rừng nghèo, rừng trung bình và rừng tái sinh, có trữ lượng gỗ khoảng 69 m3/ha. Trong khi đó tại Quảng Ngãi nơi có diện tích rừng lên 261.618,04 ha.

Trong đó rừng tự nhiên là 110.446,11 ha, rừng trồng 149.238,34 ha và rừng trồng cây công nghiệp, đặc sản là 1.933,59 ha.

Rừng Quảng Nam, Quảng Ngãi có tính đa dạng sinh học cao và có chức năng phòng hộ đầu nguồn rất lớn, góp phần quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Nhưng cũng là nơi luôn phải đối diện với nỗi lo cháy rừng.

Thế những thời tiết càng nắng nóng thì nguy cơ cháy rừng càng cao và tại những năm qua Quảng Nam và Quảng Ngãi cũng đã đối diện với những nạn cháy rừng.

Một vụ cháy rừng ở Quảng Ngãi.

Như Quảng Nam 5 năm trở lại đây (2011-2016) có trên 57 vụ cháy rừng xảy ra gây thiệt hại gần 300 ha rừng trồng và cả rừng tự nhiên.

Hay như ở Quảng Ngãi đã xảy ra vụ cháy rừng ngày 17/5/2016 ở thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi đã làm cho hơn 10 ha keo bị thiêu rụi. Nhiều vụ cháy rừng khác đã xảy ra trên địa bàn hai tỉnh.

Cháy rừng không chỉ thiệt hại về rừng, thiệt hại kinh tế, cháy rừng còn gây ô nhiễm môi trường, đe dọa tính mạng nhân dân sống ven rừng và ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và để hại nhiều hệ lụy tiêu cực khác.

Do đó, nhằm chủ động trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô năm 2017, Chi cục Kiểm lâm hai tỉnh nói trên đã phối hợp với các hạt kiểm lâm, ban quản lý rừng, chính quyền và người dân địa phương có rừng triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.

Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền và trang bị mới các phương tiện để sẵn sàng ứng phó, hạn chế thấp nhất xảy ra các vụ cháy rừng xảy ra.

Như trên địa bàn huyện Bắc Trà My có diện tích rừng và đất lâm nghiệp hơn 76.600 ha, trong đó diện tích đất đồi trồng keo nguyên liệu lên tới hơn 10.000 ha.

Từ tháng 3 đến tháng 9 là thời gian người dân địa phương thường tiến hành thu hoạch keo, sau đó đốt thực bì để trồng cây mới nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao.

Cấp dụng cụ phòng cháy, chữa cháy rừng cho các địa phương.

Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Trà My đang đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân nắm được các bước quy định khi tiến hành đốt thực bì, nhằm chủ động ngăn ngừa lửa lây lan gây cháy rừng.

Cùng với đó là sự phối hợp chặt chẽ với Bộ chỉ huy quân sự huyện và Công an huyện. Toàn huyện Bắc Trà My có 80 tổ đội phòng cháy, chữa cháy rừng với hơn 350 thành viên.

Hạt Kiểm lâm của huyện cũng thực hiện nghiêm túc phân công cán bộ trực theo dõi khí tượng để báo về Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam.

Lực lượng chữa cháy ở các xã duy trì trực thường xuyên để ứng phó kịp thời khi có cháy xảy ra, nhất là các xã trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng.

Ông Lê Văn Trường- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Trà My cho biết: Từ nguồn phân bổ kinh phí từ Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam, Hạt Kiểm lâm Bắc Trà My đã trang bị mới cho các tổ đội phòng cháy, chữa cháy rừng ở xã nhiều phương tiện chữa cháy mới như rựa cán dài, xẻng gấp, vỉ dập lửa, giầy đi rừng, can đựng nước, bình tông nhựa…

Đồng thời tham mưu cho huyện xây dựng phương án diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng để nâng cao khả năng phản ứng của các lực lượng khi có xảy ra cháy.

Tại huyện miền núi Nam Giang, nhiều năm nay Hạt Kiểm lâm huyện đã ký hợp đồng với UBND các xã, thị trấn cử một người chuyên làm nhiệm vụ trực cháy và thông báo kịp thời khi có cháy rừng xảy ra trong mùa khô cho lực lượng chức năng.

Với phương châm phòng cháy là chính, lực lượng kiểm lâm huyện Nam Giang đã chú trọng công tác phổ biến, tuyên truyền cho người dân theo phương châm 4 tại chỗ (gồm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ).

Đối với nhóm hộ được giao khoán rừng tại thôn Ngói, xã Cà Dy, ai nấy đều nắm kỹ về phương pháp phòng cháy rừng. Thói quen đốt rừng làm nương rẫy hoặc đốt thực bì tại các khu vực rừng sản xuất vào mùa khô không còn tái diễn như trước.

Ông Bling Bắc, thôn Ngói, xã Cà Dy, huyện Nam Giang chia sẻ: “Bà con trong thôn, bản giờ đây khi đốt rẫy đều họp bàn phân công cụ thể cho từng hộ gia đình, khi đốt thì tạo hành lang, đường băng để không cháy lan. Đối với tổ bảo vệ rừng ở thôn Ngói thì tôi cũng nhắc nhở thường xuyên để bà con bảo vệ rừng núi và dặn dò bà con không phát đốt nương rẫy hoặc đi đốt mật ong đừng để cháy rừng. Bên kiểm lâm cũng tuyên truyền bà con như thế”.

Với phương châm phòng cháy là chính, Chi cục Kiểm lâm hai tỉnh nói trên đã phối hợp với các hạt kiểm lâm, ban quản lý rừng, chính quyền và người dân địa phương có rừng triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.

Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền và trang bị mới các phương tiện để sẵn sàng ứng phó, hạn chế thấp nhất xảy ra các vụ cháy rừng trên địa bàn tỉnh.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam, ông Phan Tuấn cho biết: “Ngay từ đầu mùa khô năm nay, lực lượng kiểm lâm triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn các hành vi xâm hại tài nguyên rừng.

Xây dựng nhiều kế hoạch, phương án và tổ chức phối hợp với các cơ quan hữu quan trên địa bàn các huyện nhằm chủ động phòng cháy rừng và hạn chế thấp nhất các vụ cháy rừng tự nhiên.

Bằng nhiều cách làm hay, các địa phương cũng đã phát huy hiệu quả công tác giữ rừng trong mùa khô hanh, không để xảy ra cháy rừng do chủ quan. Vì vậy, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh Quảng Nam chưa có vụ cháy rừng nào xảy ra.

Đầu năm 2017 này, đơn vị cũng đã phân bổ nguồn vốn 5 tỷ đồng cho các Hạt Kiểm lâm địa bàn, các BQL rừng, chủ rừng và các địa phương các công cụ, vật dụng cần thiết để phòng chống cháy rừng.

Có thể nói, đi đôi với công tác tuần tra kiểm soát địa bàn thì việc chủ động các phương án phòng cháy rừng trong mùa khô chính là giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ cháy rừng.

Tấn Thành – Thái Bình