Bảo vệ trẻ em trước thiên tai: Không chỉ trông chờ ứng cứu nhân đạo
Ngày 13/6, tại Hà Nội, Bộ LĐTB&XH tổ chức Hội thảo “Vận động chính sách, giải pháp phòng ngừa lao động trẻ em trong thảm họa thiên nhiên và biến đổi khí hậu”. Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, một trong năm “ổ bão” của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, thường xuyên phải đối mặt với các loại thiên tai. Chính vì vậy trẻ em là một trong những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
Trẻ em chịu nhiều rủi ro trong thiên tai.
Chưa có thống kê trẻ bị ảnh hưởng do thiên tai
Theo thống kê từ năm 2000 đến nay, trên thế giới, khoảng 2,3 tỷ người đã bị ảnh hưởng bởi thiên tai, 50-60 % trong số đó là trẻ em. Biến đổi khí hậu và những nguy cơ liên quan đến thiên tai càng làm trầm trọng thêm tình trạng dễ bị tổn thương và sự chênh lệch vốn dĩ đang tồn tại trong những cộng đồng thiệt thòi nhất, trong đó trẻ em là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Biến đổi khí hậu toàn cầu đã và đang làm thiên tai ở Việt Nam có chiều hướng ngày càng phức tạp, gia tăng nhiều hơn kèm theo những đột biến khó lường.
Theo ước tính, trung bình mỗi năm nước ta phải hứng chịu từ 5 đến 7 cơn bão. Riêng năm 2016 đã có 20 loại hình thiên tai xảy ra tại Việt Nam làm chết nhiều người, ảnh hưởng đến hàng chục triệu người trong đó có trẻ em, gây ra thiệt hại về kinh tế, sức khỏe cộng đồng dân cư vùng thiên tai.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Trọng Đàm, trẻ em là một trong những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước những tác động của thiên tai và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Thiên tai gây ra tác động trực tiếp tới tính mạng, sức khỏe và tâm lý của trẻ em.
Thực tế dù đã có nhiều quy định luật pháp, chính sách, chiến lược về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, chiến lược quốc gia, kế hoạch hành đồng về ứng phó với biến đổi khí hậu, các chính sách hỗ trợ trẻ em và gia đình trong tình trạng khẩn cấp do thiên tai được ban hành. Cùng với đó, sự tham gia của cộng đồng trong việc kịp thời ủng hộ hỗ trợ trẻ em, người dân tại vùng thiên tai, song trẻ em vẫn là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước những tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu. Điều đáng nói là hiện nay, tại Việt Nam không có số liệu điều tra, nghiên cứu về lao động trẻ em bị ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, dường như vẫn chưa có giải pháp hiệu quả để bảo vệ trẻ em trước những mối nguy cơ do thiên tai gây ra.
Cần có chiến lược
Tháng 3/2016, Bộ LĐTB&XH phối hợp với UNICEF, Save the Children, và Plan International tiến hành “Đánh giá nhanh tình hình bảo vệ trẻ em ở vùng bị ảnh hưởng bởi hạn hán tại tỉnh Ninh Thuận”. Đây là lần đầu tiên một đánh giá được thực hiện. Tuy chỉ trong phạm vi hẹp, song đánh giá này đã chỉ ra một số vấn đề bảo vệ trẻ em quan trọng, như tình trạng trẻ em bị tách khỏi gia đình ngắn hạn và dài hạn, sao nhãng trẻ em, trẻ em bỏ học và căng thẳng tâm lý.
Bên cạnh đó, đánh giá cũng phát hiện thấy trẻ em bậc trung học cơ sở cũng thỉnh thoảng bỏ học để làm việc bán thời gian. Mức độ căng thẳng tâm lý của trẻ em tăng lên khi các em phải chứng kiến bạo lực trong gia đình và cha mẹ cãi vã nhau. Lao động trẻ em cũng được chỉ ra là một vấn đề nổi cộm. Mặc dù chính quyền địa phương đã áp dụng nhiều biện pháp can thiệp để giúp người dân đối phó với tình hình hạn hán, song các vấn đề bảo vệ trẻ em chưa được nhìn nhận hoặc giải quyết một cách đầy đủ.
“Báo cáo đánh giá nhanh cũng như tình hình tại Ninh Thuận cho thấy rằng Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để đảm bảo các vấn đề bảo vệ trẻ em, trong đó có lao động trẻ em, cần phải được phòng và ứng phó một cách hiệu quả, kể cả trong tình huống khẩn cấp hay tình huống thông thường” - ông Jesper Moller, Phó Trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam nói.
Cũng theo ông Moller, bất cứ ở đâu có thiên tai và xung đột, ở đó có trẻ em dễ bị tổn thương. Do đó Việt Nam cần đầu tư vào giảm nhẹ rủi ro thiên tai và lập chương trình dựa vào các nguy cơ biết trước.