Việc cần thiết để bảo đảm tinh thần thượng tôn pháp luật
Như tin đã đưa, ngày 13/6, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự liên quan đến vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra ngày 15/4/2017 tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.
Căn cứ diễn biến thực tế sự việc xảy ra tại địa bàn xã Đồng Tâm, Cơ quan cảnh sát điều tra đã quyết định khởi tố, điều tra vụ án theo 2 tội danh: “Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” (theo điều 123 Bộ luật Hình sự) và “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” (theo điều 143 Bộ luật Hình sự).
Ngay sau khi thông tin này được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, nhìn chung, đa số dư luận nhân dân đồng tình, ủng hộ, coi đây là việc làm cần thiết để bảo đảm luật pháp được thực thi nghiêm minh, bảo đảm quyền của con người phải được tôn trọng, bảo vệ bằng luật pháp.
Bên cạnh đó, cá biệt cũng có những ý kiến vì chưa hiểu thấu đáo luật pháp nên đã cho rằng việc khởi tố này đi ngược lại với cam kết về việc “không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm” của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khi ông về đối thoại với người dân xã Đồng Tâm ngày 22/4/2017.
Cần phải khẳng định, việc khởi tố điều tra, làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ vụ án nào là một hoạt động tố tụng hết sức bình thường của cơ quan điều tra. Đây chỉ là tiền đề để trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng làm rõ từng hành vi vi phạm, xác định tính chủ quan, khách quan dẫn tới vụ việc để có các biện pháp tố tụng hình sự phù hợp theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình điều tra, nếu thấy đủ chứng cứ phạm tội của cá nhân, cơ quan điều tra mới ra quyết định có đề nghị Viện kiểm sát khởi tố bị can hay không, từ đó mới đề xuất áp dụng các biện pháp ngăn chặn như: bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú...
Hiến pháp nước ta nêu rõ, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang.
Việc bắt, giam, giữ người phải do luật định. Tương tự vậy, quyền sở hữu tài sản, bảo vệ tài sản của cá nhân, tổ chức cũng được quy định rõ trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật khác.
Bộ Luật tố tụng hình sự và các đạo luật liên quan cũng quy định, bất cứ tội phạm nào cũng phải được chứng minh theo trình tự, thủ tục do pháp luật tố tụng hình sự quy định.
Quá trình chứng minh tội phạm được thực hiện từ khi nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của các cơ quan, tổ chức và được thực hiện thông qua các thủ tục: khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tiến hành các hoạt động điều tra, kết thúc điều tra, đề nghị truy tố, truy tố bằng bản cáo trạng và tiến hành xét xử, điều tra công khai tại phiên tòa. Nếu có căn cứ để kết tội thì Tòa án sẽ ra bản án kết tội. Một người chỉ bị coi là có tội khi có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Trở lại vụ việc ở Đồng Tâm, không thể phủ nhận, một số công dân ở xã Đồng Tâm do thiếu hiểu biết pháp luật đã có hành vi cản trở và tổ chức giữ người trái pháp luật đối với 38 cán bộ huyện Mỹ Đức và chiến sĩ công an TP Hà Nội trong lúc đang thi hành công vụ.
Một số người còn đập phá phương tiện của cơ quan Công an. Dù có thể là hành động bột phát, nhưng những hành vi này là khó chấp nhận trong một xã hội có kỷ cương đang đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật.
Do vậy, việc khởi tố vụ án của Công an Hà Nội là cần thiết để bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm mọi đúng sai đều phải được làm rõ bằng pháp luật.
Nếu không khởi tố điều tra vụ án thì chúng ta không thể làm rõ hành vi đúng, sai của cá nhân cũng như tổ chức; không thể đánh giá đúng và thỏa đáng bản chất của vụ việc để từ đó đi đến kết luận: Vụ án có cần khởi tố bị can hay không, có cần xử lý cá nhân nào không, nếu có thì cần xem xét đến những yếu tố khách quan, chủ quan nào dẫn đến vụ việc để áp dụng hình thức tăng nặng, giảm nhẹ; nếu cái sai của người dân là bắt nguồn từ cái sai của cơ quan công quyền thì phải khởi tố những người thực thi pháp luật đã sai phạm ra sao…
Trên cơ sở kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra, lời cam kết của Chủ tịch UBND TP mới có cơ sở để thực hiện thỏa đáng và đúng luật định.
Trước một quyết định tất yếu, đúng luật pháp và cần thiết như vậy, thiết nghĩ mỗi chúng ta cần tôn trọng công việc của cơ quan điều tra, bình tĩnh chờ kết luận điều tra chính thức và tin tưởng vào sự công minh của pháp luật.