Giải ngân chậm do đâu?
Cuối giờ chiều 14/6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đăng đàn trả lời chất vấn. Do thời gian trả lời ngắn nên Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ trả lời được 2 đại biểu.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: Quốc Anh).
Đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng, dư luận cử tri đề nghị xem xét việc phân bổ đầu tư chậm. Vậy trách nhiệm của Bộ như thế nào và giải pháp nào? Việc giải ngân chậm làm giảm hiệu quả, vậy nguyên nhân chậm do đâu? Trách nhiệm của Bộ trưởng như thế nào?
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trước đây chưa có Luật Đầu tư thì có tình trạng đầu tư dàn trải, nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, thường gấp 3 lần so với khả năng thu xếp vốn. Nên Luật Đầu tư công được ban hành để kiểm soát các dự án, tránh dàn trải và nợ đọng xây dựng cơ bản. Nhưng thực tế đúng là còn dự án đang được bố trí không được tập trung trong khi nhu cầu đầu tư phát triển của từng ngành địa phương lớn, bố trí chưa được tập trung.
Về giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần triển khai đồng bộ pháp luật về đầu tư công từ thẩm định phê duyệt, triển khai đồng bộ các quy định định mức về xây dựng. Bởi hiện chưa được xây dựng nên tổng mức đầu tư chưa sát với thực tế. Đồng thời cần nâng cao chất lượng quy hoạch để nâng cao hiệu quả đầu tư, tăng cường kiểm toán, thanh tra kiểm tra với tất cả các khâu, hoàn thiện dự án để không làm kéo dài thời gian để phát huy hiệu quả của dự án.
Đề cập đến việc giao vốn hàng năm chậm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, do là năm đầu triển khai Luật Đầu tư công nên kiểm soát chặt chẽ hơn với nhiều quy trình, nhiều cơ quan tham gia nên thủ tục phức tạp hơn. Do thực hiện các thủ tục mới nên các bộ ngành địa phương còn lúng túng. Còn Bộ có trách nhiệm trong việc hướng dẫn còn chậm dẫn đến có cách hiểu khác nhau. Nhu cầu của bộ ngành địa phương là lớn nhưng giao vốn chậm hơn so với thực tế làm giải ngân chậm và làm ảnh hưởng đến dự án. “Chúng tôi xin nhận trách nhiệm khi chưa cương quyết, còn nể nang, làm sao thực hiện nghiêm Luật Đầu tư công nhưng phải tạo thuận lợi”- Bộ trưởng Dũng cho hay.
Theo ĐB Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) đến nay đã gần 30 năm khi có Luật Đầu tư nước ngoài, đã thu hút 23 ngàn dự án đầu tư, đã có sự đóng góp 18% cho GDP, 70% kim ngạch xuất khẩu nhưng hiện nay vẫn còn tình trạng chuyển giá, ô nhiễm môi trường, trốn thuế, chuyển giao công nghệ còn hạn chế? Vậy có giải pháp nào khắc phục tình trạng trên? “Đầu tư phân bổ cho nông nghiệp chỉ 5,5% nhưng ngành đã đóng góp 18% cho GDP, đúng ra cần thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhưng lại ít được phân bổ”- ĐB nêu rõ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đến nay thu hút đầu tư nước ngoài đã được 30 năm, thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước, cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên vẫn còn chưa đạt đó là dự án công nghệ không phải là cao, còn có tình trạng chuyển giá, chủ yếu nặng về gia công, sử dụng nhiều nguyên liệu đầu vào. Đó là hạn chế tuy nhiên không phải vì thế mà không khuyến khích đầu tư nước ngoài vào vì đầu tư nhà nước còn khó khăn nên phải dựa vào đầu tư nước ngoài, và tư nhân cho nên phải thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực ít sử dụng tài nguyên năng lượng và lao động.
Đặt câu hỏi cho Bộ trưởng, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, về các công trình trọng điểm, báo cáo của Bộ chủ yếu là trích dẫn, còn trách nhiệm bộ ngành, địa phương thế nào là không nêu. Cách trả lời như vậy giống như Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cách đây 3 nhiệm kỳ. Đến mức như một ĐBQH đã từng nói Bộ trưởng đưa ra cả rừng luật nhưng không thấy trách nhiệm Bộ trưởng ở đâu trong phân bổ các công trình trọng điểm quốc gia.