Giá trái cây ngoại nhập 'nhảy múa'
Hiện trái cây ngoại vẫn đang “làm mưa, làm gió” trên thị trường, cho dù giá khá đắt so với trái cây nội cùng chủng loại. Không có chuẩn giá nào cho trái cây nhập ngoại, các chủ cửa hàng mặc sức “hét” giá.
Trái cây ngoại có mặt tại nhiều siêu thị.
Phong phú, đa dạng
Hội nhập giúp phong phú sản phẩm kinh doanh, thị trường được mở rộng, chính vì vậy mà thời gian gần đây thị trường trong nước đang đón nhận sự góp mặt ồ ạt của trái cây ngoại nhập xuất xứ Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Ai Cập, Nam Phi,…
Ghi nhận của phóng viên, hầu hết sạp bán trái cây tại các chợ như: chợ An Đông (quận 5), chợ Phú Lâm (quận 6), chợ Vườn Chuối (quận 3), chợ Nguyễn Thái Bình (quận 1 TP HCM)… đều rất nhiều trái cây ngoại. Nhiều cửa hàng bán trái cây ngoại nhập mọc lên như nấm tại các tuyến đường Lê Thánh Tôn (quận 1), An Dương Vương (quận 5). Cách Mạng Tháng Tám (quận 3),…
Chỉ vào những quả kiwi New Zealand bà Nguyễn Thị Nguyên Nga chia sẻ: -Ăn kiwi tốt lắm chỉ tội rất đắt đỏ. Với mức giá cao ngất ngưởng, trái cây ngoại trở thành sản phẩm xa xỉ của gia đình tôi. Tuy nhiên, lâu lâu tôi vẫn “buộc bụng” mua một ít vì vị lạ của trái cây ngoại để cả nhà thưởng thức”.
Mặc dù số lượng nhập khẩu khá lớn và chủng loại của mặt hàng trái cây nước ngoài rất phong phú và đa dạng, tuy nhiên giá trái cây ngoại vẫn đang “làm mưa, làm gió” trên thị trường. Theo nhận định của đại đa số người tiêu dùng, hiện trên thị trường không có chuẩn về giá cho trái cây ngoại, nhiều cửa hàng vẫn chủ động “hét giá”. Đơn cử, thanh long vàng xuất xứ từ Malaysia có giá lên tới 600.000 – 700.000 đồng/kg, chà là Ai Cập 550.000 đồng/kg, mãng cầu Đài Loan gần 400.000 đồng/kg, dâu Hàn Quốc dao động từ 250.000 – 350.000 đồng/kg, nho ngón tay 300.000 đồng/kg,…
Không bán với giá ngất ngưởng như các cửa hàng, tại một số hệ thống siêu thị trái cây ngoại nhập có dao động ở mức cạnh tranh so với trái cây trong nước. Điển hình, táo Yoya Pháp 44.000 đồng/kg; kiwi xanh New Zealand 90.000 đồng/kg, kiwi vàng ở mức 140.000 đồng/kg; táo Gala Mỹ 59.900 đồng/kg; lê Forelle Nam Phi 76.000 đồng/kg;… Để hút khách hơn, ngoài khu trái cây ngoại tách biệt, một số loại giảm giá tràn ra cả khu bày bán trái cây nội với giá khá cạnh tranh so với trái cây nội.
Nói về thị trường trái cây ngoại nhập, chủ cửa hàng trái cây ngoại nhập trên đường Lê Thánh Tôn cho biết, thời gian gần đây trái cây ngoại nhập tăng mạnh cả về lượng và chủng loại. Trước kia trái cây ngoại ít được người tiêu dùng chú ý đến, hiện nay khách hàng tìm đến trái cây ngoại nhiều hơn cho nên cửa hàng hướng đến chỉ phục vụ trái cây ngoại nhập cùng những loại trái cây ngon trong nước. “Lượng trái cây ngoại tiêu thụ trung bình một ngày khá cao, gần 200 kg/ngày. Cửa hàng chúng tôi đang lên kế hoạch tìm thêm nguồn hàng để đa dạng hóa sản phẩm, tăng sự lựa chọn cho khách hàng”, chủ cửa hàng trái cây ngoại thông tin thêm.
Bà Nguyễn Thị Sáng - chủ DNTN nhập khẩu trái cây Minh Sáng tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức - cho hay, trái cây nhập từ Hàn Quốc, Thái Lan, Úc,.. có giá cao nhưng vẫn có sức tiêu thụ tốt, đặc biệt là các khu vực thị trường ở trung tâm thành phố. Hiện tại các chủng loại như táo xanh Pháp, Mỹ, lựu Hàn Quốc được người tiêu dùng lựa chọn nhiều nhất. Theo giới kinh doanh, một trong những nguyên nhân người tiêu dùng chọn rau quả ngoại vì lạ mắt, sản phẩm có chất lượng và an toàn. Phần đông người tiêu dùng ở thành thị cho rằng, rau quả ngoại nhập có chất lượng tốt hơn, đảm bảo vệ sinh an toàn hơn.
Có lo ngại?
Trước sự đổ bộ của trái cây ngoại nhập, ông Nguyễn Hữu Đạt- Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, trái cây ngoại nhập gia tăng là xu thế tất yếu của hội nhập. Thống kê của Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho thấy, lượng trái cây ngoại nhập về Việt Nam có xu hướng ngày càng tăng mạnh. Năm 2016, ước tính Việt Nam chi hơn 700 triệu USD nhập khẩu trái cây ngoại. Mới đây nhất tháng 5-2017, cả nước đã nhập khẩu khoảng 153,936 triệu USD các loại rau quả. Như vậy, tính từ đầu năm tới nay Việt Nam đã nhập khẩu gần 470 triệu USD (tăng trên 60% so với cùng kỳ). Dù nhập khẩu có tăng nhưng không phải là điều quá đáng lo ngại.
Theo ông Nguyễn Hữu Đạt, sự phong phú về chủng loại và mặt hàng giúp người tiêu dùng Việt có thêm sự chọn lựa cũng như cho nhà sản xuất thấy được xu hướng tiêu dùng đang cần những sản phẩm như thế nào. Muốn đứng vững trên sân nhà, ngành rau quả Việt Nam cần phải nâng cao chất lượng hơn nữa. Từng địa phương, từng doanh nghiệp phải tích cực xây dựng thương hiệu giúp người tiêu dùng dễ nhận diện và tin tưởng vào chất lượng hàng nội.
Tuy nhiên, trước khi có được điều đó thì người tiêu dùng vẫn “hoa mắt” bởi sự “nhảy múa” của giá trái cây nhập ngoại.
Trái cây nhập từ Hàn Quốc, Thái Lan, Úc,.. có giá cao nhưng vẫn được người tiêu dùng lựa chọn. Hiện tại các chủng loại như táo xanh Pháp, Mỹ, lựu Hàn Quốc được tiêu thụ khá mạnh. Theo giới kinh doanh, một trong những nguyên nhân người tiêu dùng chọn rau quả ngoại vì lạ mắt, sản phẩm có chất lượng và an toàn. Phần đông người tiêu dùng ở thành thị cho rằng, rau quả ngoại nhập có chất lượng tốt hơn, đảm bảo an toàn thực phẩm hơn. |